0922 281 189 [email protected]
Thứ tư, 21/02/2024 07:57 (GMT+7)

Giảm giới hạn cho vay, doanh nghiệp sẽ tiếp cận vốn thế nào?

Theo dõi KT&TD trên

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua quy định, giảm giới hạn từ mức 15% (với một khách hàng) và 25% (với một nhóm khách hàng liên quan) vốn tự có của tổ chức tín dụng hiện nay xuống còn 10% và 15% theo lộ trình đến đầu năm 2029.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp phải quen điều này, không chỉ cứ dựa vào một tổ chức tín dụng.

Luật mới khắc phục tình trạng thao túng ngân hàng

Mới đây, thừa lệnh của Chủ tịch nước, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố toàn văn Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 thông qua ngày 18/1/2023.

Về Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn cho biết, Luật được kết cấu gồm 15 chương 210 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, ngoại trừ một số điều khoản sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.

Luật đã hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng; Hoàn thiện quy định về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và quỹ tín dụng nhân dân;

Luật cũng hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và xây dựng khung pháp lý cho việc thử nghiệm ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng, tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Đồng thời, hoàn thiện các quy định nhằm tạo cơ sở thúc đẩy quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; Luật hóa quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Đánh giá về quy định này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, một trong những điểm nhấn của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là đã đưa ra nhiều quy định để kiểm soát việc thao túng tổ chức tín dụng của cổ đông.

Cụ thể, Điều 63 quy định, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 5% vốn điều lệ; một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ; cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ; cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác.

Hay tại Điều 49 về cung cấp, công bố thông tin, quy định: cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải cung cấp thông tin (bao gồm cả thông tin về người có liên quan; số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và của người có liên quan tại tổ chức tín dụng đó).

Cùng với đó, Luật cũng đã giảm giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan (Điều 136) so với quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 theo lộ trình. Cụ thể, từ 1/7/2024 đến hết 2025, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng là 14% vốn tự có; đối với khách hàng và người có liên quan là 23% vốn tự có. Sau đó, sẽ giảm lần lượt theo từng năm và từ 1/1/2029 còn 10% và 15%.

“Đây là quy định rất cần thiết để hạn chế thao túng của cổ đông với hoạt động của tổ chức tín dụng”, ông Hùng bình luận.

Giảm giới hạn cho vay doanh nghiệp sẽ tiếp cận vốn thế nào
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có nhiều quy định mới sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp.

Cụ thể hơn, vị đại diện hiệp hội cho rằng, trên thực tế, có những cổ đông “gần như không thấy xuất hiện” vì tên trong danh sách cổ đông nhưng người khác đại diện; cũng bởi không công bố thông tin minh bạch nên không biết người đại diện đó là ai. Vì thế, Luật quy định tỷ lệ từ 1% sở hữu vốn điều lệ bắt buộc phải cung cấp thông tin là cần thiết để thấy cổ đông đó có thực lực, qua đó hạn chế tình trạng chi phối tổ chức tín dụng.

Chia sẻ với ý kiến trên, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật An Vi bổ sung, trên thực tế, để tránh tiêu cực, lũng đoạn ngân hàng dẫn đến rủi ro cho toàn hệ thống, có 3 vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất là tỷ lệ sở hữu cổ phần, bởi khi cổ đông và người có liên quan chiếm tỷ lệ sở hữu lớn thì dĩ nhiên họ sẽ chi phối hoạt động ngân hàng. Thứ hai là tỷ lệ cho vay. Thứ ba là quản trị, điều hành.

Như vậy, chiểu theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), có thể thấy các quy định đã khá rõ và chặt chẽ, sẽ khắc phục được tình trạng thao túng hoạt động của ngân hàng.

Tuy vậy, vấn đề được vị luật sư đặc biệt lưu tâm là khâu thực thi. Ông lý giải, so với thế giới, từ trước đến nay tỷ lệ sở hữu ngân hàng của Việt Nam được khống chế rất chặt, nhưng trên thực tế vẫn xảy ra những vụ án thao túng ngân hàng. Do đó, cần thiết quản lý chặt chẽ ở tất cả các khâu. Các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật cần được thiết kế để kiểm soát chặt nguồn tiền góp vốn của các cổ đông. Công tác thanh tra, giám sát cũng cần được tăng cường, để bảo đảm quy định được thực thi đúng.

Về phía ngân hàng, “nếu muốn chuyên nghiệp, bền vững phải tự làm đúng, kể cả mức cho vay thấp nhất cũng phải đủ chuẩn”, luật sư Trương Thanh Đức đề nghị.

Ông Nguyễn Quốc Hùng bổ sung, để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc thao túng ngân hàng không phải chỉ có quy định giảm tỷ lệ sở hữu, giảm giới hạn cấp tín dụng hay yêu cầu sở hữu từ 1% vốn điều lệ phải công bố thông tin. Đó là các quy định cần thiết, song chưa đủ. Cần phải nâng cao vai trò của hội đồng quản trị và ban kiểm soát, tăng thành viên hội đồng quản trị độc lập.

Thừa nhận khi thực hiện Luật này, các tổ chức tín dụng phải làm chặt chẽ hơn và sẽ ảnh hưởng tới tiếp cận vốn của người dân cũng như doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề xuất, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn triển khai thực hiện cho tốt. “Các quy định trong nghị định, thông tư cần theo hướng tạo thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn; ứng dụng chuyển đổi số”, ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị.

Giảm giới hạn cho vay, doanh nghiệp sẽ tiếp cận vốn thế nào?

Bên cạnh sự ảnh hưởng của quy định trên với khả năng tiếp cận vốn, một quy định khác còn tạo thách thức hơn với doanh nghiệp. Theo đó, điểm mới là quy định liên quan đến việc giảm tỷ lệ giới hạn tín dụng, ảnh hưởng trực tiếp tới việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp.

Cụ thể, Điều 136 Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) ghi rõ: giảm tỷ lệ giới hạn tín dụng đối với một khách hàng từ 15% xuống còn 10% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô theo lộ trình tới năm 2029; giảm tỷ lệ giới hạn tín dụng một khách hàng từ 25% về mức 15% vốn tự có của tổ chức phi ngân hàng theo lộ trình tới năm 2029.

Giảm giới hạn cho vay doanh nghiệp sẽ tiếp cận vốn thế nào
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Đưa ra một số nhận định về vấn đề này, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ: "Khi đưa tỷ lệ và lộ trình 5 năm như vậy, tôi cho đây là một điểm rất nhân văn để bảo đảm được việc thực hiện. Thứ hai là sẽ không ảnh hưởng gì đến các tổ chức, các doanh nghiệp khi đang triển khai các dự án và đang có lộ trình giảm dần; có hành trang mới để chuẩn bị tiếp cận các tổ chức tín dụng khác hoặc tổ chức tín dụng đầu mối mời các tổ chức tín dụng tham gia để tài trợ tiếp cho khách hàng hoặc nhóm khách hàng đó."

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, những thay đổi trên còn tạo tiền đề để phát triển cân bằng hơn thị trường tài chính, nhất là thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giúp doanh nghiệp chủ động huy động vốn trung và dài hạn nhiều hơn từ các kênh này, giảm phụ thuộc quá nhiều vào tổ chức tín dụng như hiện nay.

"Tôi nghĩ rằng phải đặt vấn đề tiến tới đẩy mạnh và phát triển thị trường vốn một cách ổn định để các tổ chức và doanh nghiệp huy động được vốn trong sản xuất kinh doanh trên thị trường vốn. Không thể đặt áp lực vốn kinh doanh lên các tổ chức tín dụng.

Khẳng định lại lần nữa là vốn tín dụng ngân hàng chỉ là vốn bổ sung chứ không phải là vốn đầu tư trung, dài hạn vì ngân hàng huy động vốn phần lớn là ngắn hạn cho nên không thể có đủ nguồn lực cho đầu tư vốn trung, dài hạn. Vì vậy, việc đặt tất cả các nhu cầu vốn vào các tổ chức tín dụng ngân hàng là không hợp lý, cần phải mở rộng ra các nguồn vốn khác".

Cũng theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Nhà nước hiện đã có cơ chế cho vay đồng tài trợ. Doanh nghiệp phải quen điều này, không chỉ cứ dựa vào một tổ chức tín dụng. Khi đó, doanh nghiệp cần bao nhiêu vốn cũng có thể có, không phải lo chuyện thiếu vốn. Vấn đề là tính minh bạch và tính hiệu quả của dự án như thế nào.

Trên thực tế, sau tình trạng "đói vốn" vừa qua, nhiều doanh nghiệp trong các ngành khác cũng bắt đầu huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo báo cáo mới nhất của Fiinratings, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 đã và đang có sự tham gia của nhiều tổ chức phát hành trong các ngành mới như hàng tiêu dùng, thực phẩm, logistics,…

Theo nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, sau giai đoạn suy yếu vừa qua, trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng của doanh nghiệp, góp phần cân đối cơ cấu thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc vốn trung, dài hạn quá lớn vào kênh tín dụng ngân hàng.

Giảm giới hạn cho vay doanh nghiệp sẽ tiếp cận vốn thế nào
Vốn tín dụng ngân hàng chỉ là vốn bổ sung chứ không phải là vốn đầu tư trung, dài hạn.

Trong năm 2024, tiềm năng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong việc trở thành kênh huy động trung, dài hạn chính của các doanh nghiệp là rất lớn. Theo ông Nguyễn Đình Duy, CFA, Giám đốc - Chuyên gia phân tích cấp cao tại VIS Rating, thị trường TPDN năm 2024 có cơ hội tăng trưởng mạnh.

“Mặt bằng lãi suất thấp, tâm lý nhà đầu tư dần hồi phục cùng các chính sách và quy định có hiệu lực từ đầu năm 2024 như Nghị định 65 là những yếu tố giúp kênh trái phiếu doanh nghiệp thực hiện đúng vai trò là kênh cấp vốn dài hạn cho doanh nghiệp, góp phần giúp thị trường vốn phát triển bền vững”, ông chia sẻ.

Tuy vậy, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp thực sự phát huy hết vai trò kênh huy động vốn của mình, theo ông Duy, các doanh nghiệp cần phải duy trì tính kỉ luật thị trường trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng như chi trả các nghĩa vụ thanh toán đúng hạn và công bố thông tin một cách đầy đủ.

Trong khi đó, các chuyên gia của Fiinratings cho rằng, cần cải thiện những quy định hiện nay để có thể tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư trái phiếu và các định chế đầu tư được cấp phép và hoạt động có thể mở rộng tham gia vào kênh trái phiếu doanh nghiệp như các thị trường trong khu vực.

Hồng Quang

Bạn đang đọc bài viết Giảm giới hạn cho vay, doanh nghiệp sẽ tiếp cận vốn thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tỷ giá USD hôm nay 20/11: Giao dịch giữ mức 25.507 đồng/USD
Rạng sáng nay 20/11, tỷ giá trung tâm tại Ngân hàng Nhà nước niêm yết giữ 24.293 đồng/USD. Cùng thời điểm, các ngân hàng thương mại chủ yếu chỉ thay đổi giá mua và vẫn giữ giá bán ở 25.507 đồng. Chỉ số USD Index (DXY) đạt 106,37 điểm.
Ứng phó khi tỷ giá USD/VND liên tục tăng cao
Tỷ giá USD/VND liên tục tăng cao và thiết lập kỷ lục mới. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cơ quan quản lý cần làm gì để ứng phó với biến động của tỷ giá.

Tin mới

Kim Oanh Group lần thứ hai được vinh danh TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, Kim Oanh Group tiếp tục được xướng tên trong TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024. Đây là lần thứ 2 liên tiếp Kim Oanh Group được Anphabe – đơn vị tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc – trao tặng giải thưởng quan trọng này.
Những loại đồ uống giúp tăng cường miễn dịch khi giao mùa
Thời tiết giao mùa là thời điểm mà hệ miễn dịch của cơ thể thường suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cảm cúm, viêm họng và mệt mỏi. Để bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn này, việc bổ sung các loại đồ uống tăng cường miễn dịch là rất quan trọng.
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ 14/11/2024 - 20/11/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc không đạt kỳ vọng của nhà đầu tư, xung đột tại khu vực Trung Đông vẫn tiếp diễn, xung đột quân sự giữa Nga với Ucraina có dấu hiệu leo thang...