Giá nhà ngày càng leo thang, cơ hội nào cho người thu nhập thấp?
Giá nhà tại các đô thị lớn không ngừng gia tăng trong những năm gần đây, khiến giấc mơ sở hữu nhà ở ngày càng xa vời đối với người thu nhập thấp. Nguyên nhân của tình trạng này đến từ nhiều yếu tố, từ sự mất cân đối cung cầu, chi phí vật liệu xây dựng leo thang, đến dòng vốn đầu tư đổ vào BĐS.
Theo Báo cáo thị trường Bất động sản Việt Nam 9 tháng đầu năm 2024 Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tính chung 9 tháng đầu năm 2024, thị trường ghi nhận 30.589 giao dịch thành công, gấp 2.5 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Về giá bán, mặt bằng giá nhà ở tiếp tục “neo" ở mức cao, trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, nhất là tại phân khúc căn hộ. Bởi tình trạng mất cân đối cung cầu đang ngày càng nghiêm trọng do nguồn cung dù đã được cải thiện nhưng vẫn rất khó đáp ứng đủ nhu cầu. Bên cạnh đó, phần lớn nguồn cung mới tiếp tục được hoàn thiện ở mức tiêu chuẩn cao với chi phí đầu tư, nhất là chi phí liên quan đến đất đai tăng cao.
Nguồn cung vẫn ghi nhận sự phân hóa mạnh, theo đó 70% nguồn cung mới đến từ phân khúc căn hộ chung cư. Trong đó, các sản phẩm có giá bán trên 50 triệu đồng/m2 trở lên chiếm phần áp đảo. Thị trường gần như vắng bóng hoàn toàn căn hộ chung cư thương mại giá bình dân. Về khu vực, miền Bắc dẫn đầu nguồn cung mới với 46%, theo sau là miền Trung với 29% và miền Nam là 25%.
VARS dự báo, nếu các yếu tố như chính sách pháp lý, tài chính và đầu tư công tiếp tục được cải thiện, thị trường khả năng sẽ tiếp tục "tăng nhiệt" trong giai đoạn đầu năm 2025 khi hành lang pháp lý đi vào cuộc sống, khi các chủ đầu tư tiếp tục đẩy mạnh triển khai dự án,... Đặc biệt, nguồn cung nhà ở sẽ tiếp tục được thúc đẩy, tạo động lực dẫn dắt cho thị trường, thông qua hoạt động M&A.
Hiện nay giá bán chung cư tại Hà Nội và TP. HCM từ 40-70 triệu đồng mỗi m2, xét trên mức trung bình 58 triệu đồng mỗi m2, một căn hộ 60 m2 sẽ có giá 3,5 tỷ đồng. Nếu vay ngân hàng 70% giá trị căn nhà (2,4 tỷ đồng) lãi suất 8% trong 20 năm, chi phí trả góp hàng tháng sẽ vào khoảng 25-27 triệu đồng (tương ứng 300 triệu đồng mỗi năm), vượt xa mức chi trả tối đa tính trên thu nhập và gần như không thể mua nhà.
Như vậy với mức lương trung bình từ 10 đến 15 triệu đồng/ tháng thì người dân có nhu cầu sử hữu nhà gần như không có cơ hội.
Dù thị trường nhà ở đang ngày càng trở nên đắt đỏ, tuy nhiên, vẫn có một số cơ hội dành cho người thu nhập thấp. Một số chương trình hỗ trợ của chính phủ, chẳng hạn như các gói vay ưu đãi dành cho nhà ở xã hội, có thể giúp người lao động tiếp cận nhà ở với mức giá hợp lý hơn. Tuy nhiên, số lượng dự án nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của hàng triệu người có thu nhập trung bình và thấp.
Ngoài ra, xu hướng dịch chuyển ra vùng ven đô đang trở thành một lựa chọn phổ biến đối với những người không đủ khả năng mua nhà tại trung tâm thành phố. Các khu vực ngoại thành, nơi giá đất vẫn còn mềm hơn so với khu vực nội đô, đang thu hút nhiều người mua tìm kiếm cơ hội an cư. Hạ tầng giao thông ngày càng phát triển cũng giúp việc kết nối từ các khu vực này vào trung tâm thuận tiện hơn, giảm bớt rào cản về khoảng cách địa lý.
Một số chuyên gia cũng khuyến nghị rằng người mua nhà nên cân nhắc các hình thức thuê mua hoặc thuê dài hạn như một giải pháp thay thế, thay vì cố gắng sở hữu nhà bằng mọi giá. Với sự phát triển của thị trường bất động sản cho thuê, nhiều dự án căn hộ được thiết kế phù hợp với nhu cầu thuê dài hạn, giúp người lao động có chỗ ở ổn định mà không cần gánh nặng tài chính quá lớn.
Tương lai của thị trường nhà ở vẫn còn nhiều biến động, nhưng việc kiểm soát giá nhà hợp lý hơn là điều cần thiết để đảm bảo cơ hội sở hữu nhà cho mọi tầng lớp trong xã hội. Cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ phía chính quyền trong việc thúc đẩy các dự án nhà ở giá rẻ, kiểm soát giá đất và hỗ trợ tài chính cho người mua nhà. Nếu có sự điều chỉnh kịp thời, thị trường bất động sản sẽ dần trở nên cân bằng hơn, mang lại hy vọng cho những người thu nhập thấp trong hành trình tìm kiếm một mái ấm cho riêng mình.
Tiến Hoàng