F&B Việt Nam trong cuộc chơi mới – Xu hướng nào sẽ lên ngôi?
Ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam đang trải qua một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng và sự cạnh tranh gay gắt.
Trong khi mô hình kinh doanh truyền thống phải đối mặt với không ít thách thức, các thương hiệu buộc phải đổi mới để bắt kịp xu hướng tiêu dùng của thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z. Liệu những xu hướng nào sẽ lên ngôi trong thị trường F&B đầy biến động này?
Tăng trưởng mạnh mẽ nhưng cũng đầy khókhăn

Theo Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam 2024 do iPOS.vn công bố, doanh thu ngành F&B tăng 16,6% so với năm 2023, với hơn 323.010 cửa hàng, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sự phân hóa trong thị trường rõ rệt hơn khi 30.000 cửa hàng đã phải đóng cửa trong nửa đầu năm 2024, dù doanh thu toàn ngành vẫn đạt 403,9 nghìn tỷ đồng. Điều này phản ánh một xu hướng quan trọng: khách hàng đang dịch chuyển sang các thương hiệu có chiến lược rõ ràng, có khả năng thích nghi với xu hướng từ sản phẩm, concept đến chiến lược marketing.
Trong đó, Gen Z chính là động lực thúc đẩy sự thay đổi này. Theo Nielsen, đến năm 2025, thế hệ này dự kiến chiếm 25% lực lượng lao động Việt Nam, tương đương 15 triệu người tiêu dùng tiềm năng. Họ không chỉ tìm kiếm chất lượng, mà còn muốn kết nối với giá trị văn hóa, thương hiệu và câu chuyện phía sau sản phẩm. 40% Gen Z sẵn sàng thử nghiệm thương hiệu mới nếu sản phẩm mang lại sự sáng tạo, khác biệt và có tính cá nhân hóa cao. Không chỉ tiêu dùng, họ còn tích cực chia sẻ trải nghiệm trên mạng xã hội, biến mỗi lần “check-in” thành một tuyên ngôn về phong cách sống.
Điều này mở ra một cơ hội lớn cho các thương hiệu F&B. Theo đó, các thương hiệu không chỉ cần đáp ứng nhu cầu về chất lượng mà còn phải tạo ra những câu chuyện hấp dẫn, gắn kết với cộng đồng và phù hợp với giá trị mà Gen Z tìm kiếm.
Cạnh tranh khốc liệt-Chiến lược nào sẽ giúp các thương hiệu nổi bật?
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành F&B, hành vi tiêu dùng của người Việt Nam cũng đang có sự thay đổi rõ rệt. Theo khảo sát của nhiều công ty nghiên cứu thị trường, hiện nay, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng của món ăn, mà còn tìm kiếm trải nghiệm toàn diện. 70% người tiêu dùng thường xuyên ăn ngoài vào cuối tuần, và họ sẵn sàng chi tiêu cho những trải nghiệm ẩm thực độc đáo với mức giá hợp lý. Điều này cho thấy, ngành F&B không chỉ là nơi để người dân ăn uống mà còn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống xã hội và văn hóa của người Việt.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp F&B cần phải thay đổi cách thức tiếp cận khách hàng, tập trung vào việc tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ, không chỉ về chất lượng món ăn mà còn về không gian, phục vụ và các dịch vụ đi kèm.
Trong bối cảnh này, các thương hiệu F&B buộc phải tìm cách làm mới mình để không bị bỏ lại phía sau. Mô hình kinh doanh cũ không còn đủ sức cạnh tranh nếu không có sự sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh chóng với các xu hướng mới. Một trong những thương hiệu điển hình đã thành công trong việc kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại là Phúc Long – một cái tên quen thuộc trong ngành trà Việt.
CEO Phúc Long, bà Patricia Marques chia sẻ: Chiến lược phát triển của Phúc Long trong năm 2025 xoay quanh ba trụ cột chính: làm mới không gian, nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua đào tạo nhân sự, và phát triển thương hiệu gắn liền với văn hóa truyền thống nhưng mang hơi thở hiện đại. Phúc Long phát triển thương hiệu gắn liền với văn hóa Việt nhưng theo cách tiếp cận hiện đại hơn. Gần 60 năm đồng hành cùng văn hóa trà Việt, Phúc Long ghi dấu ấn bằng sự hòa quyện giữa giá trị truyền thống và chất lượng độc đáo. Từng lá trà đậm vị, được tuyển chọn kỹ lưỡng, giữ trọn hương thơm đặc trưng ngay cả khi kết hợp cùng các nguyên liệu khác.
Xu hướng tiêu dùng mới: Sáng tạo và cá nhân hóa

Đối với các thương hiệu F&B tại Việt Nam, việc tạo ra những sản phẩm mới mẻ, mang đậm dấu ấn cá nhân hóa đang trở thành yêu cầu bắt buộc. Thế hệ Gen Z yêu thích những món ăn, thức uống có sự sáng tạo và có thể đáp ứng được nhu cầu thể hiện cá tính của họ. Các quán cà phê, nhà hàng không chỉ đơn thuần là nơi thưởng thức món ăn, mà còn phải là không gian để người tiêu dùng chia sẻ trải nghiệm, khám phá sự mới mẻ trong từng món ăn.
Bên cạnh đó, sự lên ngôi của các mô hình kinh doanh trực tuyến và giao đồ ăn qua ứng dụng cũng là một xu hướng đáng chú ý. Các dịch vụ giao đồ ăn nhanh chóng và tiện lợi đã thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt, đặc biệt là giới trẻ. Họ không chỉ tìm kiếm sự tiện lợi mà còn yêu cầu trải nghiệm trực tuyến hoàn hảo, từ việc đặt món đến thanh toán và giao nhận.
Ngành F&B Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn nhưng cũng đầy thử thách. Để có thể phát triển và tồn tại trong cuộc chơi này, các thương hiệu cần phải nhanh chóng thích nghi với những thay đổi trong thị hiếu tiêu dùng, đặc biệt là với sự lên ngôi của Gen Z. Sự sáng tạo trong sản phẩm, chiến lược marketing và khả năng kết nối sâu sắc với khách hàng sẽ là yếu tố quyết định sự thành công của các thương hiệu F&B trong tương lai.
Chắc chắn, những thương hiệu nào biết cách kết hợp giữa truyền thống và sự đổi mới, đồng thời hiểu rõ nhu cầu và thói quen của người tiêu dùng sẽ tiếp tục khẳng định được vị thế của mình trên thị trường F&B Việt Nam.