Đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô: Sẽ khởi công các gói thầu xây lắp dự án thành phần 2.1 trước ngày 30/6
Đó là kế hoạch thực hiện các gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần 2.1 được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (Ban QLDA) báo cáo UBND Thành phố Hà Nội về tiến độ dự kiến triển khai trong thời gian tới.
Theo Ban QLDA, đến thời điểm cuối tháng 4/2023, khối lượng hoàn thành công tác di chuyển mộ chí là 5.958/10.921 ngôi (đạt 54,56%), đã phê duyệt phương án thu hồi đất được 404,40/798,043ha (đạt 50,67%), số tiền đã phê duyệt là 3.051,77 tỷ đồng (một số huyện đã cơ bản hoàn thành công tác di chuyển mộ như Mê Linh: 100%, Sóc Sơn: 100%, Thanh Oai: 94,63%, Thường Tín: 98%).
Hồ sơ khảo sát, thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng một số gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần 2.1 cơ bản hoàn thiện. Ban QLDA, đơn vị tư vấn đang phối hợp với Sở Giao thông vận tải (Sở GTVT) tổ chức thẩm định theo quy định.
Ban QLDA cũng đã có văn bản khảo sát các mỏ khoáng sản dùng làm vật liệu xây dựng thông thường và bãi đổ thải phục vụ thi công.
Hiện nay, Ban QLDA - đơn vị tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ mỏ vật liệu để phục vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình dự án thành phần 2.1 và gửi các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh căn cứ số liệu khảo sát mỏ vật liệu để tổ chức triển khai dự án thành phần 2.2, 2.3.
Về công tác phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình, tổ chức chọn xong nhà thầu các gói thầu dự án thành phần 2.1, Sở GTVT có thông báo thẩm định Gói thầu số 08/TP2-XL và Gói thầu số 09/TP2-XL dự kiến xong trước ngày 15/5/2023. Còn các gói thầu số 10/TP2-XL và Gói thầu số 11/TP2-XL sẽ xong trước ngày 20/5/2023.
Dự kiến, Ban QLDA tổ chức thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình, tổ chức chọn xong nhà thầu và tổ chức khởi công các gói thầu trước ngày 30/6/2023.
Theo ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban QLDA: Về cơ bản công tác GPMB đã được bám sát tiến độ theo kế hoạch, dự kiến tháng 6/2023 bàn giao trên 70% để khởi công dự án và bàn giao 100% mặt bằng trước ngày 31/12/2023.
Đối với công tác thẩm định dự án thành phần 3, mặc dù được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Thành ủy và UBND Thành phố, tuy nhiên do quy mô và tính chất phức tạp của dự án, đồng thời liên quan đến nhiều địa phương và Bộ, ngành nên tiến độ thực hiện dự án thành phần 3 hiện chưa đáp ứng được theo tiến độ đề ra ban đầu.
Cũng theo đại diện Ban QLDA, công tác phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình dự án thành phần 2.1 đã cơ bản bám sát theo các mốc thời gian theo tiến độ, dự kiến hoàn thành toàn bộ công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế, lựa chọn nhà thầu và tổ chức khởi công trước ngày 30/6/2023.
Trước đó, hồi tháng 6/2022, Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Tuyến đường dài 112,8km, chia làm 7 dự án thành phần, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh; nhu cầu sử dụng đất hơn 1.300ha. Khi đưa vào khai thác, tuyến đường sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.800 tỷ đồng. Nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 41.860 tỷ đồng, bao gồm hơn 19.380 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 22.470 tỷ đồng (Hà Nội hơn 19.470 tỷ đồng; Hưng Yên 1.000 tỷ đồng; Bắc Ninh 2.000 tỷ đồng).
Nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026-2030 hơn 14.500 tỷ đồng, bao gồm 8.790 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương; nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 5.710 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư thu xếp hơn 29.440 tỷ đồng. Đường Vành đai 4 được kỳ vọng sẽ giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu.