Dự báo giá gạo xuất khẩu có thể lên đến 700 USD/tấn
Việc hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ làm dấy lên lo ngại về nguồn cung mặt hàng chủ lực này khiến giá gạo xuất khẩu từ Việt Nam tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ trong tuần qua.
Giá gạo tăng mạnh sau lệnh cấm của Ấn Độ
Giá lúa gạo tăng mạnh trong bối cảnh Ấn Độ đã ra lệnh tạm dừng loại gạo có sản lượng xuất khẩu lớn nhất vào tuần trước để bình ổn giá gạo trong nước, vốn đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm trong những tuần gần đây do thời tiết thất thường đe dọa sản xuất. Ấn Độ là quốc gia sản xuất gạo hàng đầu và chiếm 40% xuất khẩu gạo thế giới.
Theo ghi nhận, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên từ 550 - 575 USD/tấn vào ngày 27/7, mức cao nhất kể từ năm 2011, từ mức 515 - 525 USD/tấn một tuần trước.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam thừa nhận giá gạo mấy ngày nay tăng mạnh. Các đối tác nhập khẩu chủ động tìm đến doanh nghiệp Việt Nam hỏi mua gạo. Họ tự trả giá cao hơn 10 - 20 USD một tấn so với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này.
Cũng ngày 27/7, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên mức cao nhất trong 11 năm, ở mức từ 605 - 610 USD/tấn so với mức giá 545 USD/tấn của tuần trước.
Một thương nhân ở Bangkok cho biết: "Các nhà xuất khẩu đã bị sốc vì lệnh cấm đẩy giá lên cao và cũng không có thêm nguồn cung".
Tại thị trường nội địa Việt Nam, giá lúa và gạo các loại ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua đều có sự tăng mạnh.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 6.950 đồng/kg, giá bình quân là 6.882 đồng/kg, tăng 186 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cũng tăng trung bình 225 đồng/kg, ở mức 8.258 đồng/kg; giá cao nhất là 8.450 đồng/kg.
Giá các mặt hàng gạo cũng có sự tăng khá mạnh. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 12.500 đồng/kg, giá bình quân 12.304 đồng/kg, tăng 754 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 12.300 đồng/kg, giá bình quân 12.050 đồng/kg, tăng 742 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 12.100 đồng/kg, giá bình quân 11.758 đồng/kg, tăng 692 đồng/kg. Đặc biệt, giá gạo xát trắng loại 1 tăng mạnh nhất 963 đồng/kg, giá trung bình là 12.500 đồng/kg.
Sau Ấn Độ, thêm Nga và UAE cấm xuất khẩu gạo
UAE và Nga gần đây đều thông báo ngừng bán gạo ra nước ngoài, chỉ một tuần sau lệnh cấm tương tự từ Ấn Độ.
Cụ thể, Bộ Kinh tế Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hôm 28/7 thông báo dừng xuất khẩu gạo trong 4 tháng. Quy định này có hiệu lực ngay lập tức, áp dụng với tất cả loại gạo. UAE cũng cấm tái xuất khẩu gạo được nhập từ Ấn Độ sau ngày 20/7.
Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo sẽ phải xin phép Bộ Kinh tế. Nếu được thông qua, giấy phép của họ sẽ có hiệu lực trong 30 ngày.
Hôm 29/7, chính phủ Nga cũng thông báo cấm xuất khẩu gạo cho đến hết năm nay. Mục đích là bình ổn thị trường trong nước.
"Lệnh cấm không áp dụng với các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á – Âu, cũng như Abkhazia và Nam Ossetia. Bên cạnh đó, gạo vẫn có thể được gửi ra nước ngoài vì mục đích nhân đạo", thông báo của chính phủ Nga cho biết.
Nửa cuối năm ngoái, họ cũng áp dụng hạn chế này. Tháng 7/2022, Bộ Nông nghiệp Nga quyết định cấm xuất khẩu gạo, ngũ cốc và các axit amin dùng trong thức ăn chăn nuôi cho đến cuối năm. Mục đích là đảm bảo an ninh lương thực trong nước, duy trì ổn định giá cả nội địa của các sản phẩm này, cũng như hỗ trợ ngành chế biến và chăn nuôi gia súc. Sau đó, họ gia hạn thêm lệnh cấm đến hết tháng 6 năm nay.
Giá gạo xuất khẩu có thể tăng đến đâu
Với vị thế là chiếm đến 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, việc Ấn Độ ngưng xuất khẩu gạo tẻ đang gây gián đoạn thị trường gạo toàn cầu, buộc các quốc gia vốn phụ thuộc vào nguồn gạo từ Ấn Độ phải khẩn cấp tìm kiếm nguồn cung gạo mới. Nga và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) cũng vừa tuyên bố cấm xuất khẩu gạo tạm thời nhằm duy trì sự ổn định trên thị trường nội địa.
Giới quan sát nhận định việc Ấn Độ ngưng xuất khẩu gạo sẽ khiến nhiều quốc gia khó có thể tìm kiếm các lô hàng thay thế, nhất là từ các nước có nguồn cung nhỏ lẻ. Do đó, Thái Lan và Việt Nam – hai nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới sẽ nổi lên là ứng viên sáng giá nhất thay thế cho toàn bộ nguồn cung bị mất đi từ Ấn Độ.
Nhiều thương nhân quốc tế nhận định giá gạo xuất khẩu khu vực châu Á, đặc biệt là của Thái Lan và Việt Nam, có thể tăng lên tới 600 USD/tấn; thậm chí các loại gạo chất lượng cao sẽ đạt mức trung bình 700 USD/tấn.
Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện cho biết “Ngay sau thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo nhiều đối tác đã đề nghị chúng tôi ký hợp đồng dài hạn để đảm bảo nguồn cung nhưng công ty vẫn đang xem xét”.
Bên cạnh đó, một số thương nhân xuất khẩu gạo cho biết họ vẫn đang tập trung lo xử lý các đơn hàng đã ký khi hoạt động xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay tăng mạnh. Một số đơn vị cho biết “gần như vét sạch kho để thực hiện các hợp đồng hiện tại” và buộc phải chờ thu mua lúa gạo vụ mới mới có hàng để giao tiếp. Do đó, việc ký các hợp đồng mới khi giá gạo xuất khẩu trên thị trường còn nhiều biến động sẽ đối mặt rủi ro cao.
Trung Anh (t/h)