0922 281 189 [email protected]
Thứ hai, 19/02/2024 16:18 (GMT+7)

Động lực nào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024?

Theo dõi KT&TD trên

Các chuyên gia đều tin tưởng rằng, vượt qua các khó khăn, thách thức, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt được các mục tiêu đã đề ra trong năm 2024. Vậy, yếu tố được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế vào năm 2024.

Khó khăn vẫn hiện hữu trong năm 2024

Trong năm 2023, tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại trong môi trường lạm phát, lãi suất và rủi ro tài chính cao hơn. Việt Nam không nằm ngoài ảnh hưởng của sự suy giảm kinh tế trên thế giới. Sự chậm lại các dòng thương mại và đầu tư quốc tế khiến cho cỗ xe kinh tế Việt Nam phải khựng lại ít nhiều, bất chấp những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu đem lại.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023, dù cải thiện nhẹ qua các quý, nhưng chỉ đạt 5,05%, dưới mức trung bình trước đại dịch. Cả ba thành phần tổng cầu đều yếu. Các kênh tiếp cận vốn của doanh nghiệp đều gặp khó. Lạm phát tổng thể giảm trong nửa đầu năm nhưng có xu hướng quay đầu tăng trở lại. Đồng thời, lạm phát cơ bản khá dai dẳng trong khi những rủi ro tăng giá mới lại xuất hiện. Những nỗ lực mở rộng tài khóa và tiền tệ của Chính phủ gần đây đã phần nào giúp doanh nghiệp và người dân chống chọi với những khó khăn nhưng chưa thể đảm bảo sự hồi phục chắc chắn của nền kinh tế.

Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM, trong năm 2023, chúng ta đã làm được một số điều ghi dấu ấn rất tốt như: Hoạt động đối ngoại, nâng cấp quan hệ, tạo thuận lợi hơn cho phát triển nhưng cũng có những điều chưa làm được như câu chuyện kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp hay xử các thị trường vốn, hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi.

"Bên cạnh đó chúng ta cũng đặt ra nền tảng tốt hơn cho thời gian tới như: Sửa đổi khuôn khổ pháp lý, đẩy mạnh phát triển hạ tầng, đi vào câu chuyện sâu hơn về phát triển nguồn nhân lực. Cùng với đó là những vấn đề như quy hoạch, đề án chiến lược cho một số ngành, ký kết thêm các FTA, nâng cấp quan hệ đối tác tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển, cải cách thể chế." TS. Võ Trí Thành cho biết.

Động lực nào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM.

Ông cho rằng trong bối cảnh khó khăn như vậy, kết quả tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 5,05% không thấp so với một số quốc gia trên thế giới, quý sau nhích lên so với quý trước cho thấy sự hồi phục. Song với các năm trước, con số tăng trưởng GDP trên 5% lại thấp hơn nhiều, đặt ra thách thức rất lớn trong kế hoạch 5 năm.

Theo chuyên gia Võ Trí Thành, 2024 vẫn được coi là một năm khó khăn. Câu chuyện cốt lõi là những thách thức từ bên ngoài, sự bất ổn, bất định, khó lường và ngày càng theo chiều hướng không mấy tích cực. Thấy rõ là vấn đề địa chính trị còn phức tạp bên cạnh đó là những bất trắc của câu chuyện thời tiết cực đoan. Điều được hy vọng có thể tốt hơn là khả năng suy thoái của các nền kinh tế, các đối tác lớn của Việt Nam có xác suất thấp đi.

“Áp lực lên lạm phát, lãi suất tỷ giá giảm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Việt Nam xử lý các vấn đề tài chính tiền tệ cũng như có chính sách hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế, linh hoạt hơn, tốt hơn. Trong nước, vẫn là những câu chuyện mà chúng ta đã nỗ lực làm, cần xử lý bằng được các vấn đề tài chính tiền tệ gắn với bất động sản”, TS. Thành cho biết.

Động lực nào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024

Theo nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM, dù các dự báo gần đây cho thấy, kinh tế thế giới phục hồi rất trắc trở, nhiều nền kinh tế đối tác của Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn năm trước đôi chút như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), và Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng suy thoái của các nền kinh tế này rất thấp, trong khi áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất giảm bớt và nhiều khả năng là giữ nguyên, và dần dần sẽ giảm xuống. Điều này sẽ tạo ra nhiều dư địa để điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước.

Trong nước, kinh tế vĩ mô vẫn tương đối vẫn ổn định, hệ thống tài chính ngân hàng sau những chấn động từ cuối năm 2022 đến nay ít nhiều quay trở lại hoạt động bình thường trong cung ứng vốn cho nền kinh tế. Còn nhìn vào nền kinh tế thực, du lịch và thu hút FDI đang khởi sắc hơn và là tiền đề để đạt được mục tiêu cũng cao hơn năm ngoái. Đặc biệt, khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh hơn từ những tháng cuối năm 2023, thì đây cũng động lực chính của tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm 2024.

Tuy vậy, trong những khó khăn của nền kinh tế, thì sự chững lại về tốc độ tăng trưởng của đầu tư tư nhân đang là lo ngại lớn nhất, bởi tốc độ tăng đầu tư tư nhân năm 2023 khoảng 2,7%, nếu tính cả lạm phát thì có lẽ còn giảm. Điều này cho thấy, tình hình còn khó khăn hơn cả thời Covid-19. Vì vậy, ngoài các chính sách hỗ trợ đã và đang làm như miễn giảm thuế, giảm lãi suất, kích cầu tiêu dùng… thì giải pháp quan trọng nhất là cải cách thể chế.

"Sửa đổi khung khổ pháp lý, tạo nền tảng tốt như hạ tầng và quy hoạch, rồi khung khổ pháp lý cho ngành kinh tế mới như số, xanh có cơ hội được phát triển. Đây là nhóm tạo nền tảng để nguồn lực phân bổ hiệu quả hơn và cho những động lực mới tăng trưởng tốt.", ông Thành nhấn mạnh.

Động lực nào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024

Cũng có chung quan điểm này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu bổ sung, cần tập trung đến cải cách thể chế theo hướng tạo môi trường kinh doanh tốt cho doanh nghiệp, từ đó không chỉ giảm chi phí, phiền hà cho doanh nghiệp mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Về cách làm, ngoài các giải pháp đã, đang và sẽ làm theo yêu cầu đặt ra thì cần suy nghĩ đến các giải pháp cách làm khác, cách làm mới mang tính đột phá. Cụ thể, về yêu cầu xóa bỏ rào cản, cũng như cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, thay vì rà soát toàn bộ có hệ thống để đưa ra sửa đổi bổ sung một số đạo luật thì có thể đặt ra một ưu tiên là rà soát ngay những quy định mang tính cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà có thể bãi bỏ được ngay, không phải chờ đến lúc sửa đổi bổ sung.

"Chúng ta thúc đẩy tăng trưởng ở mức cao nhất thì cần tạo ra một môi trường tốt, thuận lợi để thúc đẩy tinh thần kinh doanh, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nhân nỗ lực hơn nữa đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng và phát triển trong năm 2024", ông Hiếu nêu rõ.

Mục tiêu tăng trưởng 6,5% tiếp tục là một thách thức?

Còn PGS. TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, nền kinh tế năm 2024 có thể đối mặt với những vấn đề không thể lường trước được, có thể xảy ra bất ngờ.

Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân chỉ ra ba yếu tố được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế vào năm 2024.

Đầu tiên, đó là sự hồi phục của thị trường thế giới liên quan đến thương mại quốc tế, đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong năm 2024. Với khu vực đầu tư nước ngoài, từ những tín hiệu tích cực của xuất khẩu Việt Nam có thể kéo theo đầu tư nước ngoài để hướng ra thị trường xuất khẩu.

Thứ hai, là thị trường trong nước sẽ hồi phục. Đối với thị trường bất động sản, cần tập trung vào các phân khúc phù hợp với túi tiền của người dân, cùng với sự trợ giúp của Nhà nước trong việc gỡ bỏ những vướng mắc, rào cản trong thủ tục hành chính giúp nguồn cung dự án tăng lên. Điều này có thể giúp khu vực đầu tư tư nhân hồi phục một phần.

Yếu tố thứ ba là đầu tư công của Việt Nam sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2024 nhằm gỡ khó cho nền kinh tế. Tiêu dùng có thể hồi phục nhẹ một chút so với năm nay.

Động lực nào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024
Việt nam đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước từ 6 - 6,5%.

Bên cạnh những yếu tố tích cực đó, nền kinh tế Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức. Theo ông Phạm Thế Anh, trong nước môi trường lạm phát, nếu không kiểm soát tốt lãi suất, tín dụng để tăng trưởng nóng sẽ xảy ra những rủi ro bong bóng tại thị trường này. Việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong thời gian vừa qua nếu không tốt có thể trở thành những rào cản đối với môi trường kinh doanh trong nước và cản trở đầu tư của khu vực tư nhân.

Với bên ngoài, những rủi ro địa chính trị, xung đột giữa các nước và thời tiết, thiên tai có thể đẩy chi phí các nguyên vật liệu cơ bản trên thế giới tăng cao. Điều này sẽ gây khó khăn cho sản xuất ở trong nước.

Từ đó, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân đánh giá, mục tiêu tăng trưởng 6,5% tiếp tục là một thách thức với Chính phủ trong năm 2024. “Nếu các con số thống kê đáng tin cậy thì việc đạt được mức tăng trưởng đó là một điều cực kỳ thách thức”, ông nói.

Hồng Quang

Bạn đang đọc bài viết Động lực nào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thị trường chứng khoán chờ đợi bùng nổ về thanh khoản
Sau chuỗi tăng điểm mạnh, thị trường chứng khoán đang bước vào giai đoạn giằng co, thận trọng. Nhiều chuyên gia nhận định có thể sẽ xuất hiện vài phiên điều chỉnh kỹ thuật trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ mới và dòng tiền có dấu hiệu phân hóa.
Nhà đầu tư trẻ và cơn sốt đầu tư tài chính Online
Trong những năm gần đây, thế hệ Z và millennials đã tạo nên một làn sóng mới trong lĩnh vực đầu tư tài chính, với việc gia tăng mạnh mẽ số lượng nhà đầu tư trẻ tham gia vào các nền tảng giao dịch trực tuyến.
Cá nhân hóa chiến lược đầu tư: Xu hướng mới thời AI và dữ liệu lớn
Thị trường tài chính ngày nay không còn là cuộc chơi của những công thức chung hay các mô hình rập khuôn. Với sự bùng nổ của Trí tuệ Nhân tạo (AI) và Dữ liệu lớn (Big Data), một kỷ nguyên mới đang mở ra, nơi cá nhân hóa chiến lược đầu tư trở thành yếu tố then chốt quyết định thành công.

Tin mới

Từ ngày 1/7, mức phạt chậm nộp tờ khai thuế có thể lên tới 25 triệu đồng
Theo quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2020, hành vi chậm nộp tờ khai thuế bị xử phạt theo các mức tăng dần, tùy thuộc vào thời gian chậm trễ và mức độ vi phạm. Đây là quy định quan trọng trong công tác quản lý thuế, nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người nộp thuế.
Nhà sáng lập Ecopark ra mắt Đảo Châu Âu - Biểu tượng Wellness Island đầu tiên tại Nghệ An
Đảo Châu Âu, Eco Central Park lựa chọn mặt nước làm ngôn ngữ thiết kế chủ đạo với những điểm đặc biệt: Mật độ xây dựng 14% - thấp nhất toàn dự án; mỗi m2 xây dựng tương ứng 2m2 mặt nước; mật độ cây xanh mặt nước, cây cổ thụ cao nhất dự án; 100% các căn biệt thự khép kín.