Tăng trưởng kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giữ được đà phục hồi
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, từ tháng 4/2023, một số động lực tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc, hiện tiếp tục giữ được đà phục hồi, khởi sắc như đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài,...
Nhiều điểm tích cực trong tăng trưởng kinh tế
Vừa qua, Cục Thống kê TP.HCM vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2023. Trong đó, ghi nhận một số điểm tích cực trong tăng trưởng kinh tế giữa quý 3/2023.
Cụ thể, về chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP), tháng 8/2023 ước tính tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 6,6% so với cùng kỳ.
Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 1,0% so với tháng trước và giảm 9,7% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,5% so với tháng trước và tăng 7,0% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 1,3% so với tháng trước nhưng giảm 0,3% so với cùng kỳ.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, IIP trên địa bàn tăng 2,8% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 0,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,8%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 3,9%.
Đối với ngành công nghiệp cấp II, có 20/30 ngành có IIP của 8 tháng năm 2023 tăng so cùng kỳ năm 2022. Một số ngành có mức tăng cao, như sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 27,0%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 25,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 22,1%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 16,5%.
Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, IIP trong 8 tháng tăng 6,0% so cùng kỳ. Trong đó, ngành hóa dược tăng 18,2%; ngành cơ khí tăng 7,6%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng 5,1%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 5,8%...
Tiếp đó, về ngành thương mại, dịch vụ, thống kê trong tháng 8/2023 cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 102.507 tỷ đồng, giảm 3,1% so với tháng trước và tăng 10,1% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm ước đạt 764.461 tỷ đồng, tăng 7,6% so cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 60.624 tỷ đồng, chiếm 59,1% trong tổng doanh thu chung, tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 14,8% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 8/2023 ước đạt 9.989 tỷ đồng, chiếm 9,7% trong tổng doanh thu chung, tăng 2,9% so tháng trước và tăng 33,7% so cùng kỳ.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 452.694 tỷ đồng, tăng 9,6% so cùng kỳ; doanh thu lưu trú và ăn uống đạt 70.425 tỷ đồng, tăng 33,7% so cùng kỳ; doanh thu lữ hành đạt 7.019 tỷ đồng, tăng 74,5% so cùng kỳ...
3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023
Mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã đưa ra ba kịch bản tăng trưởng kinh tế của Thành phố năm 2023. Cụ thể:
Kịch bản 1: tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 6,08% (dự báo khoảng 5,52% - 6,64%). Dự báo tăng trưởng của chín tháng đạt khoảng 3,89% - 4,28%, quý 3 đạt khoảng 10,6% - 12,99%, quý 4 đạt khoảng 10,93% – 11,9%.
Kịch bản 2: tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 6,47% (dự báo khoảng 5,91% - 7,03%). Dự báo tăng trưởng của chín tháng đạt khoảng 4,05% - 5,13%; quý 3 đạt khoảng 11,79% - 14,45%; quý 4 đạt 10.47% - 13,7%.
Kịch bản 3: tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 7,46% (dự báo khoảng 6,9% - 8,02%). Dự báo tăng trưởng của chín tháng đạt khoảng 5,31% – 5,96%; quý 3 đạt khoảng 15,3% - 17,05%; quý 4 đạt 12,1% – 14,02%.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, tùy thuộc vào diễn biến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sự nỗ lực và hiệu quả thực thi công vụ của TP mà các kịch bản sẽ diễn ra. Tuy nhiên, kịch bản đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5% cả năm 2023 là một thách thức lớn trong các tháng còn lại.
Trước tình hình này, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, triển khai Nghị quyết 98 cần ưu tiên các dự án cho vay kích cầu; dự án hạ tầng giao thông thông, vấn đề đường sắt đô thị và mô hình TOD để tập trung vào Metro 1, Vành đai 2 và Vành đai 3, nhà ở cho người thu nhập thấp… và xây dựng chiến lược truyền thông về Nghị quyết 98 để tạo cơ hội thu hút nhà đầu tư chiến lược và nâng tầm thương hiệu TP.
Đồng thời, TP.HCM cũng phải đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch chung, thúc đẩy giải ngân đầu tư công; đẩy mạnh chi tiêu công. Đáng chú ý, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, cần tập trung khai thác trường nội địa bằng giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua chương trình khuyến mãi, bình ổn giá, tận dụng đợt nghỉ lễ dài 2/9 để kích cầu tiêu dùng thông qua các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, du lịch... Liên kết giữa kích cầu thương mại và kích cầu du lịch, liên kết giữa các ngành để tạo sức mạnh bền vững.
Về việc phục hồi niềm tin doanh nghiệp thông qua cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đưa ra nhiều giải pháp cần tập trung. Cụ thể, tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp, giảm thuế VAT nên theo hướng tác động trực tiếp đến người tiêu dùng hơn là cho doanh nghiệp, khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính và loại bỏ các rào cản pháp lý ảnh hưởng các hoạt động kinh doanh và đầu tư, hoàn thuế giá trị gia tăng một cách nhanh chóng, kịp thời
Ngoài ra, TP.HCM cần chuẩn bị các kịch bản về an sinh xã hội, hiện đại hóa hệ thống an sinh và trợ cấp xã hội, đào tạo nghề và xây dựng lộ trình phát triển kinh tế xanh - chuyển đổi xanh trở thành một năng lực cạnh tranh mới của kinh tế TP…
Thanh Nhi