Đóng góp trong quản lý nhà ở và bất động sản
Nhà ở và thị trường BĐS là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế - xã hội của đất nước; nhà ở vừa là tài sản lớn của mỗi hộ gia đình, cá nhân, vừa là tài sản quan trọng và thể hiện trình độ phát triển của mỗi quốc gia.
30 năm xây dựng, trưởng thành
Sau khi thực hiện chủ trương đổi mới nền kinh tế theo tinh thần Đại hội lần thứ VI của Đảng, năm 1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/CP ngày 10/8/1993, trong đó đã quyết định thành lập lại Cục Quản lý nhà trực thuộc Bộ Xây dựng. Cục có chức năng, nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng thực hiện quản lý nhà nước về nhà ở và thực hiện việc quản lý, sử dụng nhà làm việc, nhà công vụ, nhà khách, hội trường, nhà bảo tàng thuộc sở hữu Nhà nước mà các cơ quan Nhà nước, cơ quan Đảng, đoàn thể và các tổ chức xã hội ở Trung ương đang sử dụng.
Năm 2003, tại Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng, Chính phủ đã quy định lại chức năng nhiệm vụ của Cục Quản lý nhà.
Theo đó, Nhà nước chuyển giao một số công trình chuyên dụng như nhà khách, hội trường, bảo tàng... sang cho các Bộ, ngành quản lý. Vì vậy, giai đoạn này Cục Quản lý nhà là đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng thực hiện việc quản lý nhà nước về nhà ở và công sở, bao gồm: Quản lý và phát triển nhà ở, nhà công vụ, công sở, tổ chức thực hiện các chương trình trọng điểm về lĩnh vực phát triển nhà ở và công sở trong phạm vi cả nước.
Từ năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008, theo đó đổi tên Cục Quản lý nhà thành Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, trực thuộc Bộ Xây dựng. Ngoài lĩnh vực quản lý nhà nước về nhà ở và công sở thì Cục còn được bổ sung thêm chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về kinh doanh BĐS và tổ chức thực hiện các chương trình trọng điểm quốc gia về nhà ở do Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Bộ Xây dựng, ngày 25/9/2017, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 991/QĐ-BXD quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS…
Đóng góp quan trọng trong quản lý, phát triển nhà ở và thị trường BĐS
Sau 30 năm thành lập và phát triển, Cục đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý, phát triển nhà ở, công sở và thị trường BĐS, từ việc củng cố hệ thống tổ chức, hoàn thiện hệ thống pháp lý, cơ chế chính sách, đến việc triển khai rộng rãi các hoạt động chuyên môn, nghiên cứu khoa học, hợp tác và phát triển.
Với chức năng là đơn vị tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với lĩnh vực: nhà ở, công sở, thị trường BĐS; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các cơ chế chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực nhà ở, công sở và thị trường BĐS để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi được ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình trọng điểm quốc gia về nhà ở do Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng.
Trong đó, việc tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng hành lang pháp lý cho công tác quản lý, phát triển nhà ở, công sở và thị trường BĐS được Cục coi là nhiệm vụ hàng đầu.
Trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, kể từ năm 1993 đến nay, Cục đã tham mưu, nghiên cứu, soạn thảo để Bộ Xây dựng ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành hơn 130 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về nhà ở, công sở và thị trường BĐS.
Trong đó có 5 đạo luật quan trọng (Luật Nhà ở số 56/2005/QH11; Luật Kinh doanh BĐS số 63/2006/QH11; Luật số 34/2009/QH12 sửa đổi Điều 126 của Luật Nhà ở năm 2005 và Điều 121 của Luật Đất đai năm 2003; Luật Nhà ở năm 2014; Luật Kinh doanh BĐS năm 2014), 2 Nghị quyết của Quốc hội, 3 Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, 5 Nghị quyết và 23 Nghị định của Chính phủ, 40 Quyết định và 17 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 10 Quyết định và 33 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành pháp luật về nhà ở, công sở và thị trường BĐS.
Cục cũng đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều quan điểm đổi mới và mang tính đột phá. Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia được ban hành là định hướng quan trọng cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương trên địa bàn cả nước.
Hiện Cục đang tham mưu cho Bộ trong việc hoàn thiện Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi và Luật Nhà ở sửa đổi để Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 và dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 6…
Để thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, ban hành chính sách nghiên cứu cơ chế chính sách, lĩnh vực hợp tác quốc tế đã được Cục quan tâm từ rất sớm. Từ khi mới thành lập, Cục đã phát triển quan hệ hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học với tổ chức Quốc tế JICA (Nhật Bản); Tổ chức quốc tế JICA (Nhật Bản), KOICA (Hàn Quốc), Habitat, GCF (quỹ khí hậu xanh),...
Với những nỗ lực không ngừng, Cục đã được Đảng, Nhà nước và Bộ Xây dựng ghi nhận với nhiều phần thưởng cao quý như: Cục vinh dự đón nhận Cờ Thi đua đơn vị dẫn đầu toàn Ngành năm 2017 do Chính phủ trao tặng; Cờ Thi đua đơn vị dẫn đầu toàn ngành năm 2017 do Bộ Xây dựng trao tặng; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2014; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2015; Cờ Thi đua Bộ Xây dựng năm 2015 cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Chi bộ Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS liên tục được công nhận là Chi bộ trong sạch, vững mạnh và đã được Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương ghi nhận và tặng Cờ Thi đua cho Chi bộ trong sạch vững mạnh giai đoạn 2014 - 2016.
Viễn Phong