0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ bảy, 29/04/2023 17:33 (GMT+7)

Tháo gỡ “rào cản” phát triển nhà ở xã hội

Theo dõi KT&TD trên

Sau thời gian trông đợi, “Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (KCN) trong giai đoạn 2021 - 2030” (Đề án) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg. 

Tháo gỡ “rào cản” phát triển nhà ở xã hội
Phát triển NƠXH, nhà ở công nhân cần sự vào cuộc quyết liệt hơn từ các địa phương. Ảnh: Linh Anh.

Điểm nhấn của chính sách

Có thể khẳng định, đây là lần đầu tiên Chính phủ đưa ra một chính sách phát triển NƠXH, nhà ở công nhân bài bản với những chỉ đạo trực tiếp từ người đứng đầu Chính phủ cùng những mục tiêu cụ thể và những giải pháp nhằm tháo gỡ hàng loạt nút thắt lâu nay.

Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN trong giai đoạn 2021 - 2030 (Đề án) đặt mục tiêu phát triển NƠXH, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, người thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong KCN, khu chế xuất.

Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở để tạo điều kiện cho mọi người có chỗ ở theo cơ chế thị trường, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Về vấn đề tài chính cho NƠXH, trong tổng nguồn lực 849.500 tỷ đồng để xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước triển khai chương trình vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng từ bốn ngân hàng thương mại BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank, với mức lãi suất thấp hơn từ 1,5 - 2% lãi cho vay bình quân của các ngân hàng. Thời gian ân hạn 3 năm đối với chủ đầu tư và 5 năm đối với người mua nhà.

Chính phủ đồng thời giao Bộ Xây dựng nghiên cứu dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển NƠXH; một số quy định sẽ được bổ sung như huy động vốn từ quỹ đầu tư phát triển địa phương và vốn nước ngoài để phát triển NƠXH; chỉ tiêu phát triển NƠXH là một chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của địa phương.

Ngoài ra, một loạt ưu đãi cho chủ đầu tư cũng được đưa vào đề án như: được sử dụng 20% diện tích đất trong dự án NƠXH để xây nhà ở thương mại để bán theo hình thức hạch toán riêng phần đất này; được tính chi phí đầu tư hạ tầng khu nhà ở lưu trú công nhân vào chi phí hạ tầng phát triển KCN, khu chế xuất.

DN xây NƠXH cho thuê được giảm thuế VAT, thuế thu nhập DN nhiều hơn DN xây NƠXH để bán, thuê mua; không phải nộp lại tiền sử dụng đất được miễn khi bán NƠXH. Không bắt buộc DN làm dự án NƠXH, NƠCN phải dành 20% diện tích nhà ở dự án để cho thuê.

Về đối tượng thụ hưởng chính sách NƠXH, tách đối tượng công nhân thành một đối tượng riêng bao gồm: Công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các DN trong KCN, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và DN sản xuất trong KCN; có cơ chế chính sách riêng để phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân thuê. Đồng thời, Đề án bổ sung đối tượng thụ hưởng là DN mua, thuê, thuê mua NƠXH cho người lao động tại đơn vị mình thuê.

Phát triển NƠXH là chính sách kinh tế nhân văn

Cơ sở của Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH là Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được phê duyệt ngày 30/11/2011 tại Quyết định số 2127/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Mục tiêu mà Chiến lược đề ra là trong giai đoạn 2016 - 2020 đưa tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn quốc đạt khoảng 70%, tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại các đô thị đặc biệt (Hà Nội, TP.HCM) đạt trên 90%, tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt tối thiểu khoảng 30% tổng quỹ nhà ở tại các tổ chức đô thị loại III trở lên…; đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 30 m2 sàn/người, diện tích nhà ở tối thiểu đạt 12 m2 sàn/người.

Thế nhưng trên thực tế, với một loạt vướng mắc từ cơ chế, trong đó có cả những “rào cản” trong việc thực thi các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án NƠXH khiến nhiều ý kiến băn khoăn rằng, những đột phá trong Đề án lần này liệu có đủ hấp dẫn các DN hào hứng đầu tư phát triển phân khúc này, đưa mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH đến năm 2030 thành hiện thực?

Các chuyên gia cho rằng, cùng với những định hướng, chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, đã đến lúc phải thay đổi tư duy, cách nhìn xây dựng NƠXH theo hướng phát triển với quy mô lớn, tạo ra nguồn cung đủ với chất lượng đảm bảo.

NƠXH là một phân khúc nhà ở đặc biệt, mang nhiều yếu tố nhân văn, vì cộng đồng, do đó cần coi việc phát triển NƠXH là chính sách kinh tế nhân văn mang tính chất ổn định an sinh xã hội, chứ không phải là câu chuyện từ thiện, ban phát. Mỗi tỉnh, thành cần xem việc xây dựng NƠXH là chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, là một hạng mục trong nguồn vốn trung, dài hạn của địa phương.

Cần sự vào cuộc tích cực từ địa phương

Bên cạnh các nguyên nhân như thiếu hoàn chỉnh, đồng bộ về chính sách, thiếu vốn, thái độ không mặn mà của DN thì điều đáng lưu ý đó là thiếu sự tham gia tích cực từ phía chính quyền địa phương.

Vì vậy, Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH quy trách nhiệm rất rõ ràng cho các địa phương.

Đối với việc dành quỹ đất làm NƠXH, nhà ở cho công nhân, Đề án sửa đổi, bổ sung quy định về đất dành để phát triển NƠXH. Theo đó, khi lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch phát triển KCN, khu nghiên cứu đào tạo thì cấp UBND có thẩm quyền phải quy hoạch, xác định rõ diện tích đất dành để xây dựng NƠXH trên địa bàn...

Các địa phương phải đảm bảo quỹ đất dành để phát triển NƠXH phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương từng thời kỳ.

Cùng với đó, các địa phương cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các DN tham gia và triển khai đầu tư xây dựng dự án NƠXH, nhà ở công nhân, tạo nguồn cung cho thị trường. Về tín dụng phát triển NƠXH, Đề án xác định việc đầu tư phát triển NƠXH là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung, dài hạn của địa phương…

Đây sẽ là thách thức nhưng cũng là áp lực để các Bộ, ngành địa phương phải triển khai các giải pháp mạnh mẽ, khơi thông các nguồn lực đất đai, tài chính nhằm thúc đẩy phát triển NƠXH cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn tới, thắp lên niềm tin cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp về một nơi “an cư lạc nghiệp” đúng nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc.

Trong tháng 3/2023, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện và trình Chính phủ Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021 - 2030”. Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 388/QĐ-TTg ngày 03/4/2023.

Mục tiêu của Đề án là phát triển NƠXH, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong KCN, khu chế xuất.

Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030, hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Linh Đan

Bạn đang đọc bài viết Tháo gỡ “rào cản” phát triển nhà ở xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Thanh Trì (Hà Nội): Cần giải quyết dứt điểm đơn kiến nghị tại dự án Khu đấu giá quyền sử dụng đất
Báo điện tử Xây dựng nhận được đơn kiến nghị của ông Nguyễn Đình Hòa trú tại thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) về việc bố ông là thương binh và được phân chia đất ở phía sau chùa Bé là 314m2 đất ở và một sào rưỡi đất ao thuộc diện tích đất ở từ năm 1954.
Phân khu Victoria: Giao điểm kết nối giữa nhịp sống sôi động và an nhiên
The Victoria, nơi dành cho ai đang muốn tìm kiếm không gian bình yên nhưng không tách biệt với nhịp sống sôi động. Nơi mà không gian sống được đo lường bằng tiêu chuẩn sang trọng nhưng vẫn giữ nguyên sự thoải mái. Đó cũng là nơi mà bất kỳ ai cũng tìm thấy sự đủ đầy trong từng căn hộ tiện nghi.

Tin mới

Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.
Câu chuyện hạt cà phê Việt
Nestlé Việt Nam vừa tổ chức thành công chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt” tại nhà máy Nestlé Trị An, một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới của Tập đoàn Nestlé.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.