Doanh thu phí BHNT khai thác mới trong 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 7.290 tỷ đồng
Số liệu do Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) mới công bố cho thấy tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 7.290 tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới ước đạt 7.290 tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới như sau: Bảo Việt nhân thọ (17,9%), Dai-ichi (15,3%), Prudential (14,6%), Manulife (10,3%), AIA (6,1%), FWD (6,1%), Sun Life (5,7%), Generali (5,4%), Chubb (5,4%), Cathay (4,4%), MB Ageas (4,2%), 08 doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần 4,6%.
Nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 69% doanh thu phí khai thác mới. Tiếp theo là bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 8%, bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 6,4%, các nghiệp vụ còn lại (bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe) chiếm tỷ trọng 0,6%. Doanh thu phí sản phẩm bảo hiểm bán kèm chiếm tỷ trọng 16%.
So với cùng kỳ năm trước, doanh thu khai thác mới của nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư giảm 42,1%, nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp tăng 255,5%, nghiệp vụ bảo hiểm tử kỳ tăng 65,8%.
Về số lượng hợp đồng khai thác mới 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 510.977 hợp đồng, dẫn đầu là nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất (52,5%) với 268.453 hợp đồng bảo hiểm cá nhân và thành viên trong nhóm, tiếp theo là sản phẩm bảo hiểm tử kỳ với 188.641 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 36,9%), nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp là 29.749 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 5,8%). Số lượng hợp đồng khai thác mới các nghiệp vụ còn lại chiếm tỷ trọng 4,7%.
Tính chung toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ 4 tháng đầu năm 2024, số lượng hợp đồng có hiệu lực (không bao gồm hợp đồng sản phẩm bảo hiểm bán kèm) đạt 12.152.060 hợp đồng, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính doanh thu phí theo từng nghiệp vụ thì nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất với 69,5%, tiếp theo là nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp 16,4%, các nghiệp vụ chính còn lại chiếm tỷ trọng 2,1%. Doanh thu phí sản phẩm bảo hiểm bán kèm đóng góp 12% tổng doanh thu phí toàn thị trường.
Theo đó, thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm cụ thể như sau: Bảo Việt Nhân thọ (23,1%), Manulife (16,6%), Prudential (14,9%), Dai-ichi (13,1%), AIA (10,3%), Chubb (3,2%), MB Ageas (2,9%), FWD (2,8%), Sun Life (2,7%), Generali (2,5%), Hanwha (2,5%), Cathay (2,3%), MVI (1,4%). Các doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần nhỏ dưới 1%.
Vừa qua, Vietnam Report công bố danh sách Top 10 Công ty Bảo hiểm uy tín năm 2024. Top 10 Công ty Bảo hiểm uy tín được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các doanh nghiệp được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về doanh nghiệp trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện cập nhật đến tháng 5/2024.
Trong năm 2023, kinh tế vĩ mô toàn cầu và trong nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những yếu tố không thuận lợi đó đã tác động tới nhiều ngành, lĩnh vực và bảo hiểm cũng không ngoại lệ. Năm 2023 đánh dấu một năm sóng gió và “rất khó quên” đối với cơ quan quản lý, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), cũng như những người làm nghề bảo hiểm. Một năm mà ngành Bảo hiểm phải chịu tác động kép từ cả các yếu tố khách quan, lẫn nội tại.
Theo số liệu từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm giảm 8,3% so với năm trước. Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ ghi nhận sự sụt giảm đáng kể lên tới 12,5%; lĩnh vực phi nhân thọ chịu ảnh hưởng nặng nề từ thị trường bảo hiểm nhân thọ nên ghi nhận mức độ tăng trưởng khiêm tốn 2,4%. Đây là năm đầu tiên trong 20 năm lịch sử phát triển của ngành bảo hiểm nhân thọ ghi nhận tăng trưởng âm.
Bên cạnh đó, kết quả tổng hợp của Vietnam Report cũng cho thấy, doanh thu cung cấp dịch vụ bảo hiểm của các DNBH nhân thọ đã có sự suy giảm so với năm 2022 (-20,3 nghìn tỷ đồng). Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi xét đến những thách thức mà ngành bảo hiểm phải đối mặt trong năm vừa qua. Năm 2023, số lượng hợp đồng khai thác mới của lĩnh vực nhân thọ đạt 1.915.623 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 43,8% so với cùng kỳ năm ngoái và sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư là sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất với 60,7%, sụt giảm 41,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường năm 2023 cũng ghi nhận sự suy giảm 44,5% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 28.179 tỷ đồng. Thêm vào đó, tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trung bình ở thị trường Việt Nam sau năm thứ nhất khá cao, được ước tính vào khoảng 20-30%. Đáng chú ý, với số liệu Bộ Tài chính công bố gần đây về tỷ lệ hủy hợp đồng được bán qua kênh ngân hàng, có trường hợp lên đến 73%. Đây là con số rất đáng báo động, tỷ lệ hủy cao ở những năm đầu ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng lẫn DNBH, nhìn xa hơn là tiêu cực cho sự phát triển bền vững của thị trường.
Tiến Hoàng