Doanh nghiệp ngành gỗ linh hoạt ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ
Trong bối cảnh Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam tăng cường các rào cản thương mại và điều chỉnh chính sách thuế quan, các doanh nghiệp ngành gỗ đang chủ động điều chỉnh chiến lược để thích nghi, đảm bảo ổn định sản xuất và xuất khẩu.
Tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ
Thời gian qua, Mỹ đã tăng cường rà soát các dòng sản phẩm có nguy cơ lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, đồng thời siết chặt việc áp thuế phòng vệ thương mại đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu, trong đó có gỗ dán, tủ gỗ, đồ nội thất từ Việt Nam.
Điều này khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với: Chi phí sản xuất tăng, ảnh hưởng đến giá thành và sức cạnh tranh; gia tăng rủi ro pháp lý, kiểm tra hậu kiểm; áp lực chứng minh nguồn gốc hợp pháp, chuỗi cung ứng minh bạch.
Năm 2025, ngành gỗ và lâm sản cả nước được giao kế hoạch xuất khẩu đạt trên 18 tỷ USD, cao hơn gần 2 tỷ USD so với mức 16,25 tỷ USD năm 2024. Riêng ngành gỗ tỉnh Bình Dương đóng góp khoảng 50% vào kim ngạch xuất khẩu gỗ, nhưng đang đứng trước nhiều thách thức lớn.
Cụ thể, chỉ 3 ngày sau khi Mỹ thông báo áp thuế đối ứng (từ ngày 5/4 đến 8/4), Bình Dương ghi nhận 44 tờ khai xuất khẩu trị giá hơn 708 triệu USD bị hủy, 273 đơn hàng bị khách hàng Mỹ hủy hoặc tạm dừng, trong đó có nhiều đơn hàng ngành gỗ.

Theo Hiệp hội Gỗ Bình Dương (BIFA), năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 9,1 tỷ USD, trong đó Bình Dương chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, trước việc Mỹ công bố thuế đối ứng đã ảnh hưởng sâu rộng và gần như ngay lập tức đến tâm lý chủ doanh nghiệp và sau đó là quá trình sản xuất, thị trường, mức độ cạnh tranh…, làm đảo lộn hầu hết kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch BIFA nhận định: Bình Dương hiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ hơn 6 tỷ USD mỗi năm, dự tính mức thuế cao nhất ngành gỗ có thể chịu đựng là 10%, và nếu vượt ngưỡng này, sức cạnh tranh sẽ suy giảm từ 30%-40%.
Tại Đồng Nai, các doanh nghiệp gỗ lo ngại mức thuế mà Mỹ công bố 49% sẽ làm giảm sức cạnh tranh, đội chi phí, khiến đơn hàng từ Mỹ sụt giảm. Để ứng phó, nhiều doanh nghiệp đang tối ưu quy trình, tìm nguyên liệu thay thế, chuyển đổi sang mô hình sản xuất thông minh, đầu tư công nghệ và phát triển sản phẩm gỗ tái tạo nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Chủ động để bền vững
Trước tình hình trên, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đề nghị các doanh nghiệp chủ động giữ ổn định lực lượng lao động, kịp thời phản ánh khó khăn đến tỉnh để các tổ công tác phản ứng nhanh từ các sở, ban, ngành có thể hỗ trợ. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ kiến nghị tạm giảm các hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp từ nay đến hết tháng 6 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Bùi Minh Trí cho biết, bài toán lớn hiện nay là cán cân thương mại, khi Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ các sản phẩm công nghệ cao, thì lại xuất khẩu sang thị trường này các mặt hàng sử dụng nhiều lao động.
Theo một số chuyên gia kinh tế, mặc dù khó khăn trước mắt, nhưng xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc đang mang lại lợi thế cho ngành gỗ Việt Nam. Với năng lực sản xuất lớn thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới, cùng nguồn nguyên liệu và lao động ổn định, Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà nhập khẩu quốc tế đang tìm kiếm nhà cung ứng đáng tin cậy, ít rủi ro địa chính trị hơn.
Trong “cuộc chơi” thuế quan ngày càng khắt khe, sự linh hoạt và chủ động chuyển mình là yếu tố quyết định giúp doanh nghiệp gỗ Việt không chỉ ứng phó thành công mà còn vươn lên chiếm lĩnh thị phần mới, tiến tới vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết: “Ngành gỗ Việt Nam cần không chỉ đối phó mà còn chủ động thay đổi tư duy kinh doanh: sản phẩm xanh - xuất xứ rõ ràng - đáp ứngchuẩn quốc tế là con đường phát triển bền vững”.
H.Phong (t/h)