Các doanh nghiệp vẫn tự tin về khả năng thích ứng thuế quan
Chứng khoán SSI cho rằng đa số doanh nghiệp vẫn giữ được sự tự tin vào khả năng thích nghi, ngay cả khi môi trường kinh doanh gặp nhiều biến động như các rào cản thuế quan từ Hoa Kỳ.
Doanh nghiệp giữ vững niềm tin vào khả năng thích ứng trước áp lực thuế quan
Theo báo cáo từ SSI Research, các doanh nghiệp niêm yết lớn vẫn cho thấy tâm lý lạc quan trong bối cảnh môi trường kinh doanh đầy biến động, bao gồm cả rủi ro từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ.
Cụ thể, kế hoạch tổng doanh thu năm 2025 của 104 doanh nghiệp lớn – chiếm khoảng 70% vốn hóa thị trường – dự kiến tăng 13,6% so với thực hiện năm 2024. Về lợi nhuận, có tới 67% doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng, với tổng lợi nhuận kế hoạch dự kiến tăng 13,3%.
Đáng chú ý, khối doanh nghiệp tư nhân thể hiện kỳ vọng tích cực nhất với kế hoạch lợi nhuận tăng mạnh 22,4%. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục theo đuổi chiến lược thận trọng quen thuộc, với mức lợi nhuận kế hoạch giảm 21,4%.
Xét theo ngành nghề, các lĩnh vực được kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2025 gồm: bất động sản, ngân hàng, hàng tiêu dùng không thiết yếu, công nghệ thông tin, tài nguyên cơ bản, xây dựng và vật liệu xây dựng, chủ yếu là các ngành phục vụ thị trường nội địa và được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Đáng lưu ý, phần lớn kế hoạch kinh doanh được lập trước khi Hoa Kỳ công bố áp thuế đối ứng đối với hàng hóa từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận nhiều doanh nghiệp điều chỉnh giảm kế hoạch. Điều này cho thấy sự tự tin của cộng đồng doanh nghiệp vào khả năng thích nghi và ứng phó với các thay đổi chính sách quốc tế.
Về kết quả kinh doanh quý I/2025, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ toàn thị trường tăng 23% so với cùng kỳ và 6,1% so với quý trước. Đây là quý thứ sáu liên tiếp thị trường ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận dương, đưa mặt bằng lợi nhuận lên mức cao nhất kể từ năm 2018.
Động lực chính đến từ nhóm bất động sản, với mức tăng lợi nhuận 139%, đóng góp tới 63% mức tăng trưởng chung – chủ yếu đến từ các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vingroup như VIC, VHM, VEF và VRE, với mức tăng lợi nhuận gộp 157%, chiếm 87% mức tăng của toàn ngành.
Ngành ngân hàng tiếp tục là trụ cột lợi nhuận của thị trường, đóng góp khoảng 45% tổng lợi nhuận, dù tốc độ tăng trưởng đã chậm lại còn 14% so với quý IV/2024. Tăng trưởng tín dụng đạt mức 3,4% kể từ đầu năm, cho thấy sự phục hồi tích cực.
Tuy vậy, biên lãi ròng (NIM) vẫn chịu áp lực do cạnh tranh lãi suất, trong khi chất lượng tài sản có dấu hiệu suy giảm – tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,02%, tăng 29 điểm cơ bản so với quý trước, một phần do yếu tố mùa vụ.
Ngoài ra, nhiều ngành khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, bao gồm tiện ích (+44,5%), hóa chất (+41%) và bán lẻ (+74%). Ở chiều ngược lại, một số ngành chịu sụt giảm mạnh như viễn thông (-47%) và dầu khí (-58%).
Những nhóm ngành nào sẽ phục hồi sớm?
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã mở đầu tháng 4 trong sắc đỏ khi thông tin Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng hóa từ nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, gây tâm lý lo ngại. Tuy nhiên, quyết định tạm hoãn áp thuế để dành thời gian đàm phán đã nhanh chóng giúp thị trường lấy lại đà tăng, với sự phục hồi rõ rệt trong ba tuần cuối tháng.
Theo SSI Research, xu hướng tích cực này có thể tiếp diễn trong thời gian tới nếu các cuộc đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ (khởi động từ 7/5) cùng các nền kinh tế lớn khác đạt tiến triển cụ thể.
Bên cạnh đó, thị trường còn được hậu thuẫn bởi mức định giá vẫn đang ở vùng hấp dẫn. Chỉ số P/E ước tính của VN-Index đã tăng từ 10,5 lần lên 11,2 lần trong tháng 4, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình 10 năm là 15,5 lần. Với mức P/E hiện tại, lợi suất đầu tư kỳ vọng đạt gần 10%, cao hơn mặt bằng lãi suất huy động, tạo ra khoảng chênh lệch hấp dẫn.

Ngoài ra, các yếu tố nền tảng tiếp tục hỗ trợ thị trường: chính sách kinh tế linh hoạt từ Chính phủ, quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng và hệ thống KRX vận hành ổn định – mở đường cho việc nâng hạng thị trường.
Về ngành, các lĩnh vực không chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế như truyền thông, tiêu dùng, bất động sản dân cư, du lịch và giải trí đều có diễn biến tích cực vượt trội. Trong khi đó, các nhóm ngành chịu tác động cao như khu công nghiệp, hóa chất, dầu khí và xuất khẩu lại hồi phục chậm hơn.
SSI nhận định rằng các cổ phiếu thuộc nhóm VNMidcap – đặc biệt những mã chưa tăng mạnh trong đợt hồi phục vừa qua – có thể là cơ hội đầu tư ngắn hạn trong bối cảnh kỳ vọng đàm phán thuế quan cải thiện. Ngược lại, nếu kết quả đàm phán không như kỳ vọng, các nhịp điều chỉnh sẽ mở ra cơ hội tích lũy hợp lý ở những nhóm ngành ít bị ảnh hưởng.
Có 3 lý do để tổ chức này nhận định nhóm VNMidcap có thể được chú ý hơn trong tháng 5. Thứ nhất, thanh khoản tháng 5 thường thấp hơn trung bình của cả năm, dẫn đến thị trường phân hóa hơn và tìm đến nhóm cổ phiếu thanh khoản thấp hơn.
Ngoài ra, nhóm VNMidcap có xác suất diễn vượt trội hơn trong tháng 5 nếu nhìn vào dữ liệu 10 năm gần nhất. Cuối cùng, nhóm VNMidcap có sự hồi phục ít hơn so với nhóm vốn hóa lớn (VN30) từ ngày 9/4.