0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ tư, 07/02/2024 13:23 (GMT+7)

Điểm danh các ngân hàng phải "siết" tỷ lệ sở hữu trên 10% vốn của cổ đông lớn

Theo dõi KT&TD trên

Theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được thông qua, không ít ngân hàng phải giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của các tổ chức, cổ đông và người liên quan. Đây là các cổ đông là tổ chức tại các ngân hàng thương mại cổ phần, công ty tài chính sở hữu cổ phần vượt 10%.

Ngân hàng nào có cổ đông nắm hơn 10% vốn?

Điểm mới đang chú ý trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là việc giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Còn giới hạn tỷ lệ sở hữu với cổ đông cá nhân được giữ như hiện hành, tức 5%, song ngân hàng phải công bố thông tin các cổ đông nắm từ 1% vốn cùng người có liên quan, thay vì quy định chỉ công bố cổ đông nắm giữ từ 5%. Định kỳ hằng năm, tổ chức tín dụng phải công bố những thông tin này cho Hội đồng Thành viên, Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên của tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, “những người có liên quan” theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng được mở rộng, gồm cả cha mẹ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con nuôi, con rể; anh, chị, em cùng cha khác mẹ; anh, chị, em cùng mẹ khác cha; anh vợ, chị vợ, em vợ, anh chồng, chị chồng, em chồng, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha.

Ngoài ra, ông bà nội, ngoại; cháu nội, ngoại; bác ruột, cô ruột, dì ruột, chú ruột, cậu ruột và cháu ruột cũng thuộc diện “người có liên quan”. Pháp nhân, cá nhân khác có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng được xác định theo quy định nội bộ của ngân hàng hoặc theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) qua thanh tra, giám sát, cũng được xem là “người có liên quan”.

Không ít nhà băng đang có cổ đông sở hữu vượt tỷ lệ cổ phần cho phép theo quy định mới. Theo một Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, có tổng số 17 cổ đông là tổ chức tại 13 ngân hàng thương mại cổ phần, 1 công ty tài chính có mức sở hữu cổ phần vượt 10%.

Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) với Tập đoàn Geleximco –CTCP nắm 12,78% vốn. Bên cạnh đó, ngân hàng này còn có 2 cổ đông ngoại là Ngân hàng Malayan Banking Berhad (Maybank) - 16,39% và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) - 8,2%.

Nếu tính thêm ông Vũ Văn Tiền – Chủ tịch HĐQT Geleximco (ông nắm 0,366% vốn ABBank) và người nhà gồm vợ ông là bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai (0,143%), em ruột là ông Vũ Văn Hậu (1,958%), em rể Đào Mạnh Khánh (0,801%) và CTCP Chứng khoán An Bình (0,57%), tổng tỷ lệ nhóm này lên đến 16,618%, vượt qua mức giới hạn 15% của cổ đông và các bên liên quan.

Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) với Tập đoàn Công nghệ Viễn Thông Quân Đội sở hữu 14,1%.

Điểm danh các ngân hàng phải siết tỷ lệ sở hữu trên 10 vốn của cổ đông lớn
Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank) ghi nhận nhiều cổ đông tổ chức nắm trên 10% vốn nhất.

Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank) ghi nhận nhiều cổ đông tổ chức nắm trên 10% vốn nhất, bao gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh (13,099%), Công ty CP Quốc tế Cường Phát (13,541%), Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức (13,359%). Đây đều là các pháp nhân tham gia mua đấu giá cổ phiếu PGBank của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SGB) với 3 cổ đông nắm trên 10% vốn là Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) - 14,081%, Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa - 16,352% và Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận (Nhà Phú Nhuận) - 16,640%. Trong đó, Saigon Petro và Nhà Phú Nhuận là 2 cổ đông với 100% vốn thuộc sở hữu Nhà nước.

Ngân hàng TMCP Việt Á (UPCoM: VAB) là CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (nắm 12,21%).

Điểm danh các ngân hàng phải siết tỷ lệ sở hữu trên 10 vốn của cổ đông lớn
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SGB) với 3 cổ đông nắm trên 10% vốn.

Tương tự, còn có Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (HOSE: SSB) với tổng tỷ lệ sở hữu của các pháp nhân/thể nhân liên quan đến bà Nguyễn Thị Nga – Phó Chủ tịch HĐQT thường trực là 16,536%, gồm: Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Phú Mỹ (5,065%), bà Nguyễn Thị Nga (3,535%), Lê Hữu Bảo (3,386%), Lê Tuấn Anh (2,195%), Lê Thu Thủy (2,355%).

Thống kê cũng cho thấy một nhà băng khác ghi nhận tỷ lệ sở hữu của một nhóm cổ đông gia đình vượt mức 10% là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HoSE - TPB) với cổ đông lớn bà Đỗ Vũ Phương Anh – tính đến tháng 10/2023 (con gái ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch TPBank) nắm 1,11% vốn, cùng với người nhà là ông Đỗ Minh Minh Đức 1,11%, Bùi Quang Tuyển 0,002%, ông Đỗ Anh Tú 3,71% và Trung Thị Lâm Ngọc 0,09%.

Đáng chú ý, báo cáo nhiều ngân hàng cho biết không có cổ đông lớn như Ngân hàng TMCP Bắc Á, Ngân hàng TMCP Bản Việt, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng TMCP Kiên Long, Ngân hàng TMCP Quốc Dân, hay Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín.

Công khai danh sách cổ đông để tránh cho vay "sân sau"

Để tránh xáo trộn tới hệ thống ngân hàng, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã đưa ra điều khoản chuyển tiếp. Từ ngày luật có hiệu lực thi hành, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ quy định được tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, các cổ đông này sẽ không được tăng thêm cổ phần đến khi tuân thủ quy định về tỉ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Trên thực tế, tỷ lệ cá nhân, tổ chức nắm giữ cổ phần tại ngân hàng hoặc vay vốn có thể dễ dàng được thống kê, theo dõi, song các ông chủ thực sự nắm quyền chi phối lại không lộ diện trên hồ sơ, nếu họ nhờ hoặc thuê người đứng tên hộ cổ phần hoặc lập doanh nghiệp “ma” để vay vốn, như thực tế tại SCB.

NHNN cũng nhìn nhận, khó có quy định nào xử lý triệt để, mà cần phải xử lý tổng thể, trong đó có các nội dung trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), các giải pháp khác như kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký kinh doanh, cũng như sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán có liên quan.

Một chuyên gia kinh tế - tài chính đánh giá, sở hữu chéo là một mục tiêu tàng hình, các chủ nhà băng dù chỉ nắm vài phần trăm cổ phần, nhưng vẫn có thể chi phối nhà băng dễ dàng. Thực tế, điều này đã xảy ra tại SCB, khi bà Trương Mỹ Lan chỉ đứng tên hơn 4% cổ phần, trong khi 80% còn lại nhờ 74 người khác đứng tên, nhằm tránh quy định một cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% cổ phần của một ngân hàng theo Luật Các tổ chức tín dụng. Đến năm 2018, bà Lan sở hữu 91,5% cổ phần SCB dưới danh nghĩa của 27 pháp nhân, cá nhân.

TS. Lê Đạt Chí cũng cho rằng, các quy định về tỷ lệ sở hữu trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chưa thể ngăn chặn hoàn toàn sở hữu chéo, đầu tư chéo tại các ngân hàng, bởi hệ sinh thái các công ty “ma”, các cá nhân đứng thay cổ phần sẽ tăng lên, tinh vi hơn.

Các chuyên gia cho rằng, vẫn có nhiều cách “lách” luật, nên cần sự phối hợp của nhiều khâu, đặc biệt là sự giám sát từ NHNN.

Cùng với đó, việc chi phối ngân hàng cũng có thể cho vay "sân sau" qua đầu tư trái phiếu. Cụ thể, Ông Phan Duy Hưng - giám đốc, chuyên gia phân tích Visrating, cho rằng giải quyết vấn đề sở hữu chéo trở nên khó khăn hơn do mối quan hệ giữa ngân hàng và các công ty liên quan đến cổ đông/các cá nhân liên quan thường rất phức tạp.

"Có thể thấy những sự kiện gần đây đã phản ánh rõ ràng về vấn đề quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng tư nhân", ông Hưng nói với Tuổi Trẻ Online.

Theo ông Hưng, cổ đông cá nhân có thể trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu, chi phối hoạt động của ngân hàng, cung cấp nguồn vốn cho các bên liên quan của mình (đa số là các nhà phát triển bất động sản). Có thể thông qua nhiều kênh như cho vay trực tiếp từ ngân hàng, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, phân phối trái phiếu cho khách hàng cá nhân của ngân hàng hoặc thông qua công ty con của ngân hàng (công ty chứng khoán).

Việc tăng cường sử dụng nợ vay thông qua các phương thức trên những năm gần đây, kết hợp với điều kiện tín dụng nới lỏng, đã tạo ra những rủi ro tín dụng như ở giai đoạn vừa qua. Do vậy, ông Hưng cho rằng mối liên kết chặt chẽ giữa một số ngân hàng tư nhân và các tập đoàn lớn có liên quan là điểm yếu của hệ thống ngân hàng và cần được giải quyết dựa trên chính công tác quản lý rủi ro của từng ngân hàng.

Ngoài ra, hoạt động giám sát từ các cơ quan quản lý để thường xuyên đánh giá hoạt động cho vay vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, xây dựng... sẽ góp phần giảm bớt rủi ro tài sản tại các ngân hàng.

Hồng Quang

Bạn đang đọc bài viết Điểm danh các ngân hàng phải "siết" tỷ lệ sở hữu trên 10% vốn của cổ đông lớn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tăng trưởng tín dụng: 'Nóng' vì phập phù
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 28/6, tín dụng tăng 6%, đến cuối tháng 7 chỉ còn 5,66% nhưng đến 14/8 lại đạt 6,11%. Sự trồi sụt bất thường này cho thấy tăng trưởng tín dụng có rất nhiều vấn đề.
Lãi vay mua nhà đang có chiều hướng gia tăng
Trong bối cảnh kinh tế đầy biến động, lãi suất vay mua nhà đang có xu hướng tăng cao, đẩy nhiều người mua nhà vào tình thế khó khăn. Khi chi phí vay tăng, khả năng hiện thực hóa giấc mơ sở hữu nhà của nhiều người trở nên xa vời hơn.

Tin mới

Đầu tư công cho cao tốc Quy Nhơn - Pleiku: Giải pháp tài chính bền vững?
Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku đang trở thành tâm điểm chú ý với đề xuất chuyển từ hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Quyết định này đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về tính bền vững tài chính và hiệu quả của phương án đầu tư công trong việc triển khai các dự án giao thông
Giá vàng đắt nhất lịch sử: Thị trường nhiều ẩn số, cẩn trọng khi đầu cơ
Cùng với triển vọng tăng giá của vàng thế giới, giá vàng trong nước tuần qua cũng đã có nhiều phiên bật tăng và chinh phục mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, người mua vẫn phải đối mặt với rủi ro trong một thị trường vàng còn nhiều "ẩn số".
Nestlé hỗ trợ sản phẩm thực phẩm và dinh dưỡng cho các tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi bão lũ
Trước những thiệt hại nặng nề mà bão số 3 (Yagi) gây ra tại các tỉnh miền Bắc vào đầu tháng 9/2024, Nestlé Việt Nam đã nhanh chóng huy động các nguồn lực của công ty cũng như cán bộ nhân viên để kịp thời chung tay với các cùng các đối tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Liên danh 3 nhà thầu trúng gói thầu xây lắp 156 tỷ đồng tái định cư sân bay Long Thành
Gói thầu số 57 là gói thầu xây dựng và đảm bảo an toàn giao thông, cung cấp và lắp đặt thiết bị của Dự án thành phần xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn (thuộc Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành).