0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ tư, 07/02/2024 07:20 (GMT+7)

Loạt 'đại gia' vào diện xử lý khi quy định cấm sở hữu ngân hàng vượt 10% có hiệu lực

Theo dõi KT&TD trên

Theo quy định mới của Luật Tổ chức tín dụng, các tổ chức sẽ không được sổ hữu quá 10% cổ phần của ngân hàng. Những cổ đông tổ chức đang sở hữu tối đa trên 10% thì vẫn được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm.

Quy định mới sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025, nhiều đại gia sẽ vào diện phải xử lý, giảm số lượng cổ phần.

Cấm sở hữu ngân hàng vượt trần 10%

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Theo đó, có nhiều điểm mới trong việc giới hạn các cá nhân, tổ chức sở hữu (kể cả gián tiếp) cổ phần tại các ngân hàng hiện nay.

Cụ thể, Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Khi có hiệu lực, tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân là 5% (giữ nguyên so với quy định cũ). Đối với giới hạn cho các cổ đông là tổ chức (gồm cả số cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.

Quy định này không áp dụng cho các trường hợp: Sở hữu cổ phần tại công ty con, công ty liên kết là tổ chức tín dụng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 111 của Luật này; Sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa; Sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi), từ ngày 1/1/2025, cổ đông; cổ đông và người có liên quan vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định được tiếp tục duy trì cổ phần, nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Loạt đại gia vào diện xử lý khi quy định cấm sở hữu ngân hàng vượt 10 có hiệu lực
Theo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, các cá nhân, tổ chức sở hữu (kể cả gián tiếp) cổ phần tại các ngân hàng hiện sẽ bị hạn chế dưới 10%.

Trước đó, tại báo cáo giải, tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ quan điểm cần giảm tỷ lệ sở hữu cổ đông là tổ chức tại ngân hàng.

Phía Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc này sẽ giúp đa dạng cơ cấu cổ đông, tăng tính đại chúng và hạn chế chi phối, thâu tóm ngân hàng.

Đồng thời, Ủy ban thường trực Quốc hội cho rằng tỷ lệ sở hữu của tổ chức giảm từ 15% xuống 10% cũng phù hợp với định hướng đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021-2025.

Loạt 'đại gia' vào diện xử lý

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, có tổng số 17 cổ đông là tổ chức tại 13 ngân hàng thương mại cổ phần, 1 công ty tài chính có mức sở hữu cổ phần vượt 10%.

Cụ thể, tại PGBank, theo danh sách cổ đông tại thời điểm 30-9-2023, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh sở hữu 13,099% vốn; Công ty cổ phần quốc tế Cường Phát 13,51%; Công ty cổ phần thương mại Vũ Anh Đức nắm 13,35% vốn.

Còn tại ABBank, báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023 thể hiện CTCP Tập đoàn Geleximco là cổ đông lớn sở hữu 12,78% vốn. Ông Vũ Văn Tiền - chủ tịch HĐQT Geleximco - cũng nắm 0,366% vốn ABBank.

Ngoài ra, ABBank còn có cổ đông ngoại chiến lược là Ngân hàng Malayan Banking Berhad (Maybank) nắm 16,39% vốn. Cuối năm 2022, vốn điều lệ của ABBank là hơn 9.409 tỉ đồng.

Loạt đại gia vào diện xử lý khi quy định cấm sở hữu ngân hàng vượt 10 có hiệu lực

Còn theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023 của MBBank, Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân Đội sở hữu 14,13% cổ phần ở nhà băng này.

Trong danh sách doanh nghiệp sở hữu trên 10% cổ phiếu có quyền biểu quyết tại Techcombank có Công ty cổ phần Tập đoàn Masan. Ông Nguyễn Đăng Quang - chủ tịch Masan - cũng là phó chủ tịch Techcombank và sở hữu 0,266% cổ phần tại ngân hàng này...

Để tránh xáo trộn, tác động tiêu cực tới hệ thống ngân hàng, Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này đưa ra điều khoản chuyển tiếp.

Cụ thể, từ 1/1/2025 (thời điểm luật này có hiệu lực), cổ đông, cổ đông và người có liên quan vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một cổ đông lớn, một cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại thực hiện nhiệm vụ phục vụ quốc phòng vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu cổ phần phù hợp với quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 55 của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14.

Như vậy, theo quy định mới, những tổ chức đang sở hữu hơn 10% cổ phần tại ngân hàng Việt Nam sẽ không phải giảm tỷ lệ sở hữu. Song các tổ chức này cũng sẽ không thể tăng thêm cổ phần cho đến khi tỷ lệ sở hữu xuống dưới 10%.

Trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc về việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần với tổ chức xuống 10% bởi quy định giảm tỷ lệ sở hữu tối đa không phù hợp với điều kiện hiện nay vì không ngăn cản được gốc rễ của tình trạng sở hữu chéo và có thể gây xáo trộn không cần thiết, cản trở hoạt động của ngân hàng, ngăn cản dòng vốn đầu tư, thậm chí tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

Chẳng hạn, đại biểu Võ Mạnh Sơn, đoàn Đại biểu tình Thanh Hóa cho biết tỷ lệ sở hữu ở mức 5%, 15% và 20% như trong luật hiện hành đã tương đối thấp so với nhiều nước trên thế giới. Tuy vậy, tình trạng cấp tín dụng tập trung cho một số nhóm khách hàng có liên quan vẫn thường xuyên diễn ra.

“Quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa đã không thực sự có tác dụng. Các cổ đông không rơi vào trường hợp người có liên quan theo định nghĩa của luật vẫn liên kết chặt chẽ với nhau để cấp tín dụng rất tập trung”, ông Sơn cho biết.

Đồng quan điểm, bà Đoàn Thị Lê An, đoàn đại biểu tỉnh Cao Bằng cũng cho rằng, điều chỉnh tỷ lệ sở hữu không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo. Điều này chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ, giấy tờ.

Hơn nữa, giới hạn này còn có thể tạo ra rào cản ngăn cản dòng vốn ngoại chảy vào hệ thống ngân hàng. Theo bà An, những nhà đầu tư nắm giữ 15-20% vốn ngân hàng không thể lũng đoạn các hoạt động cho vay của chính tổ chức đó.

Bà Phạm Thị Thúy Vân - Luật sư cấp cao Công ty Luật Baker McKenzie Việt Nam và ông Nguyễn Viết Trung, Luật sư Công ty Luật Baker McKenzie Việt Nam - nhìn nhận, việc giảm tỷ lệ sở hữu sẽ có tác động lớn đến các cổ đông hiện hữu, đặc biệt là các cổ đông chiến lược.

Để đối phó với việc giảm tỷ lệ sở hữu, các cổ đông sẽ phải tìm phương án để đáp ứng được quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, và vì thế tác động lớn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của chính cổ đông đó.

Thêm nữa, việc giảm tỷ lệ sở hữu sẽ làm giảm sức ảnh hưởng của các cổ đông chiến lược trong quản trị nội bộ của tổ chức tín dụng, các cổ đông chiến lược sẽ cần phải tìm phương án để có thể thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông của tổ chức tín dụng khi tiến hành biểu quyết.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính nhận định, khi Luật có hiệu lực thi hành sẽ góp phần giúp hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, ổn định hơn. Điểm đổi mới được quan tâm nhất với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là các quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giảm giới hạn cấp tín dụng, tăng yêu cầu về cung cấp thông tin đối với cổ đông.

“Về cơ bản, các điểm mới này có mục tiêu chính là hạn chế tình trạng sở hữu chéo, cũng như chi phối thao túng ngân hàng, từ đó giúp hệ thống các tổ chức tín dụng trở nên công khai, minh bạch và an toàn hơn”, TS. Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, siết tỷ lệ sở hữu không phải là biện pháp trọng yếu để ngăn sở hữu chéo. Thực tế, nếu cổ đông và nhóm cổ đông sở hữu không quá 15-20% vốn ngân hàng như quy định hiện nay, không ai có thể chi phối được quyền cấp tín dụng của ngân hàng. Nhưng tại nhiều ngân hàng, nhóm cổ đông vẫn sở hữu quá 50% vốn ngân hàng.

Hồng Quang

Bạn đang đọc bài viết Loạt 'đại gia' vào diện xử lý khi quy định cấm sở hữu ngân hàng vượt 10% có hiệu lực. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Thu chi minh bạch với tính năng Quỹ nhóm trên App HDBank
Tập hợp những tiện ích tối ưu như góp và rút quỹ, lịch sử thu chi, thông báo khi có biến động số dư, mời và xóa thành viên tham gia tiện lợi, tính năng Quỹ nhóm của App HDBank là lựa chọn của nhiều khách hàng khi mở quỹ nhóm.
HoREA: Đề xuất chỉ áp thuế 6% với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cho thuê
Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong đó, HoREA đề xuất doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê được áp dụng thuế suất 6% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tăng trưởng tín dụng: 'Nóng' vì phập phù
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 28/6, tín dụng tăng 6%, đến cuối tháng 7 chỉ còn 5,66% nhưng đến 14/8 lại đạt 6,11%. Sự trồi sụt bất thường này cho thấy tăng trưởng tín dụng có rất nhiều vấn đề.

Tin mới

Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.
Câu chuyện hạt cà phê Việt
Nestlé Việt Nam vừa tổ chức thành công chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt” tại nhà máy Nestlé Trị An, một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới của Tập đoàn Nestlé.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.