Đẩy mạnh các chính sách ưu đãi tín dụng để phát triển nhà ở xã hội
Để hiện thực hóa Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, ĐBQH đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo triển khai các biện pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhất là các chính sách thí điểm ưu đãi tích hợp trong huy động vốn, tín dụng.
Góp phần hiện thực hóa Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân đến năm 2030, nhiều ĐBQH đề nghị Chính phủ và các ngành chức năng quyết liệt chỉ đạo triển khai các biện pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, nhà ở phục vụ cho công nhân chỉ mới đáp ứng được khoảng gần 30%. Phần lớn công nhân lao động ngoại tỉnh chiếm khoảng 70% đang thuê trọ của các hộ gia đình tư nhân xây. Các phòng trọ này thì hầu hết đều rất chật hẹp, chỉ từ 3 đến 4m2/người, không đảm bảo những điều kiện tối thiểu như là ánh sáng, vệ sinh diện tích và phòng cháy chữa cháy.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long đề nghị Chính phủ cùng với việc chỉ đạo các ngành hữu quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các dự án luật có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động.
Theo đó, cần chú trọng công tác đẩy mạnh các biện pháp thanh, kiểm tra chủ sử dụng lao động về việc chấp hành chính sách pháp luật về lao động, việc làm. Tăng cường đối thoại với người lao động để kịp thời gỡ khó, đảm bảo sự cân đối, hài hòa về quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp và người lao động.
Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang đề nghị Chính phủ và các ngành chức năng quyết liệt chỉ đạo triển khai các biện pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhất là các chính sách thí điểm ưu đãi tích hợp trong huy động vốn, tín dụng gắn với các chính sách về quỹ đất.
Định hướng quy hoạch sử dụng đất, vị trí triển khai các dự án để đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kiến trúc, góp phần hiện thực hóa Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Đây là một chương trình lớn mang tính nhân văn sâu sắc, giúp người lao động có thu nhập thấp an cư lạc nghiệp.
100 dự án thuộc diện vay gói 120.000 tỷ đồng
Liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, đây là gói tín dụng do 4 ngân hàng thương mại nhà nước tự nguyện tham gia để thực hiện mục tiêu 1 triệu căn hộ cho công nhân cũng như người có thu nhập thấp, triển khai đến năm 2030 chứ không phải chỉ giải quyết trong năm 2022.
Trong đó, nguồn vốn do chính 4 ngân hàng thương mại nhà nước huy động, lãi suất giảm từ 1,5 đến 2% cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay.
“Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cao nhưng nhu cầu vay là một vấn đề bởi quyết định vay để mua một căn hộ là do người dân. Vấn đề này sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong Luật Nhà ở trình Quốc hội kỳ này cho phép các doanh nghiệp mua nhà để bố trí nhà ở cho công nhân. Đây là điểm tích cực để các gói này được tăng dư nợ giải ngân”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin.
Tính đến nay, đã có khoảng 100 dự án thuộc diện vay gói này và các địa phương cũng công bố nhu cầu vay vốn của gói tín dụng. Cụ thể, tỉnh Bình Định công bố nhu cầu vay vốn là 1.832 tỷ đồng, tỉnh Phú Thọ công bố nhu cầu vay 441 tỷ đồng, Đà Nẵng là 545 tỷ đồng, Trà Vinh 420 tỷ đồng, Bắc Giang 4.527 tỷ đồng và Hải Phòng là 3.892 tỷ đồng.
Chương trình mới triển khai được hơn 1 tháng và gói 120.000 tỷ đồng cho cả giai đoạn đến năm 2030 và các địa phương đang trong quá trình tổng hợp công bố, nên chỉ mới có kết quả bước đầu.
Trước đó, báo cáo về việc triển khai gói tín dụng cho nhà ở xã hội, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, sau khi có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ đã có văn bản hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện vay ưu đãi của gói tín dụng.
Đồng thời, ủy quyền cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay.
Trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật như: tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và các pháp luật khác có liên quan để thực hiện đạt mục tiêu đề ra và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ trên.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục làm việc một số địa phương, doanh nghiệp trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc, tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội, công nhân, cải tạo chung cư cũ; thúc đẩy việc triển khai gói hỗ trợ.
Lan Anh