0922 281 189 [email protected]
Thứ năm, 01/06/2023 10:41 (GMT+7)

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội hiệu quả

Theo dõi KT&TD trên

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Một số đại biểu đề cập đến các vấn đề của ngành Xây dựng. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã trực tiếp trả lời một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội hiệu quả
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trực tiếp trả lời một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Cần đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà ở xã hội

Các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội ở trong nước thời gian qua và các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra trong thời gian tới, cũng như với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung; đồng thời đóng góp ý kiến nhằm thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Đại biểu Đặng Xuân Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết: Qua thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội đều băn khoăn, trăn trở về việc hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5%.

Đại biểu cho rằng, trong công tác chỉ đạo, điều hành vĩ mô của Chính phủ, cần kiên trì quan điểm đã được Đảng ta đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII. Đó là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công; cơ cấu lại phát triển lành mạnh các loại thị trường, trong đó quan trọng nhất là cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai và các tài nguyên khác theo hướng sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

Cần tập trung nguồn lực cho giải quyết nhu cầu ăn ở, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và nhu cầu học tập cho tầng lớp công nhân, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là của những người trẻ tuổi mới đi làm. Đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cho các cơ sở hạ tầng quốc gia như các công trình giao thông vận tải trọng điểm.

Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh bày tỏ sự đồng thuận với giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho doanh nghiệp, gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho công nhân lao động. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc giải ngân các gói hỗ trợ còn giải ngân rất thấp nên cần đẩy nhanh tiến độ...

Theo đại biểu, năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Tiếp đó, năm 2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hội và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 với các cái gói hỗ trợ giảm lãi suất 2% cho doanh nghiệp vay xây nhà cho công nhân, 15.000 tỷ đồng cho công nhân vay mua nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách.

Mới đây, năm 2023, tại Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước trên thị trường…

Như vậy, chỉ trong vòng có hơn 1 năm thì đã có 3 gói hỗ trợ dành cho người thụ hưởng chính là công nhân lao động. Điều này thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ đối với công nhân lao động trong cả nước. Tuy nhiên, hai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 thì hiện đang giải ngân rất thấp, gói giảm lãi suất 2% hiện mới giải ngân được gần 1% và 15.000 tỷ đồng thì được trên 34%.

Đại biểu đặt câu hỏi: “2 gói tín dụng trước chúng ta còn chưa hấp thụ hết thì liệu gói 120.000 tỷ đồng có khả thi hay không”? Trong khi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở thì đang được sửa đổi và quy hoạch tỉnh của các địa phương chưa phê duyệt xong.

Trước thực tế trên, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị Chính phủ gộp 3 gói hỗ trợ thành 1 và đề xuất cho kéo dài đến hết năm 2025, có như vậy mới hoàn thành mục tiêu của Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội mà Chính phủ đề ra.

Đề xuất tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc những quy định về phòng cháy, chữa cháy

Đại biểu Nguyễn Phi Thường - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội thì đề xuất rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng; Quốc hội cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến mô hình TOD trong các luật như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng… để đảm bảo tính đồng bộ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị cần tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc những quy định về phòng cháy, chữa cháy, tiêu chuẩn, quy chuẩn ban hành.

Tương tự, đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cũng đề nghị các Bộ, ngành rà soát thực hiện Công điện của Chính phủ để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến Quy chuẩn 06 về an toàn cháy cho nhà và công trình.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trực tiếp trả lời một số vấn đề

Tại phiên thảo luận hội trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã trực tiếp giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy và việc thực hiện gói hỗ trợ nhà ở xã hội, triển khai dự án nhà ở cho công nhân...

Về quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: 09 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về PCCC; 25 Tiêu chuẩn về nhà và công trình; 28 Tiêu chuẩn về phương tiện, thiết bị PCCC.

Các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy được biên soạn và ban hành bởi các Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo chức năng nhiệm vụ, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn 06 về an toàn cháy cho nhà và công trình để phòng cháy, chữa cháy cho công trình và bộ phận công trình.

Theo quy định của pháp luật, Bộ Xây dựng và các Sở Xây dựng địa phương không có chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền trong công tác quản lý Nhà nước trong thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm định, đào tạo và bồi dưỡng về phòng cháy, chữa cháy.

Các nội dung, ý kiến phản ánh khác liên quan đến Quy chuẩn 06 đã được Bộ Xây dựng tổng hợp, có ý kiến tiếp thu, giải trình, hướng dẫn cụ thể và đã công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội hiệu quả
Toàn cảnh phiên thảo luận hội trường ngày 31/5.

Bộ trưởng nhận định: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình là một quy chuẩn kỹ thuật khó, với những nội dung kỹ thuật phức tạp, chuyên môn sâu, đồng thời phải nghiên cứu, khảo nghiệm, thực nghiệm trên cơ sở khoa học và kiến thức chuyên môn sâu. Bộ Xây dựng lắng nghe, cầu thị và sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện Quy chuẩn. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có Quyết định giao nhiệm vụ cho Viện Khoa học công nghệ xây dựng rà soát tổng thể để xem xét sửa đổi bổ sung Quy chuẩn QCVN 06:2022 đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, trên cơ sở khoa học, có tham khảo kinh nghiệp quốc tế, đồng thời phù hợp với tình hình, điều kiện Việt Nam.

Cùng với đó, Bộ tăng cường tập huấn, hướng dẫn, biên soạn tài liệu để hiểu và áp dụng Quy chuẩn phù hợp.

Đối với việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một số nội dung cụ thể. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản hướng dẫn về nguyên tắc và thời gian triển khai, thời gian ưu đãi, lãi suất. Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng và điều kiện vay ưu đãi cho gói tín dụng này.

Bộ Xây dựng cũng đã ủy quyền cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư để công bố công khai, rộng rãi trên các trang thông tin điện tử của tỉnh, từ đó các ngân hàng sẽ có cơ sở để áp dụng cho vay.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc các địa phương triển khai các nhiệm vụ đã giao tại Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp và công nhân ở các khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030. Bộ cũng đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án này.

Qua báo cáo của các địa phương, đến nay có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng của gói 120.000 tỷ đồng và các địa phương đã công bố các nhu cầu vay vốn như Bình Định 1.832 tỷ đồng, Phú Thọ 441 tỷ đồng, Đà Nẵng 545 tỷ đồng, Trà Vinh 420 tỷ đồng, Bắc Giang 4.527 tỷ đồng và Hải Phòng 3.842 tỷ đồng…

Thực tế cho thấy, các địa phương mới triển khai chương trình hơn 1 tháng và gói 120.000 tỷ đồng cho cả giai đoạn đến năm 2030, các địa phương vẫn đang trong quá trình tổng hợp, công bố kết quả nên đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Trong thời gian tới sẽ có nhiều dự án tham gia gói 120.000 tỷ đồng như nhu cầu công bố của các địa phương.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ở khu công nghiệp đạt mục tiêu đề ra và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật, như tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và các chính sách pháp luật liên quan, từ đó thúc đẩy triển khai hiệu quả phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ở khu công nghiệp.

Bộ sẽ tiếp tục làm việc cùng một số địa phương và doanh nghiệp trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc việc tạo nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ, thúc đẩy việc triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.

Trong quá trình sửa đổi Luật Nhà ở và các chính pháp luật có liên quan, Bộ Xây dựng cơ bản khắc phục các khó khăn, vướng mắc như ý kiến của các đại biểu đề cập, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.

Liên quan đến việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, Bộ trưởng xin phép Quốc hội để Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo rõ hơn vào ngày mai, 1/6.

Quý Anh

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội hiệu quả. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Người dân không mặn mà với việc vay vốn giá rẻ để mua nhà
Dù lãi suất cho vay mua nhà duy trì mức thấp suốt hơn 1 năm qua, nhưng nghịch lý là không có nhiều người dân lựa chọn vay ngân hàng để mua nhà. Thực tế là giá chung cư tại Hà Nội liên tục leo thang, lãi suất cho vay mua nhà lại ở mức thấp nhất từ trước đến nay.

Tin mới

Kim Oanh Group lần thứ hai được vinh danh TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, Kim Oanh Group tiếp tục được xướng tên trong TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024. Đây là lần thứ 2 liên tiếp Kim Oanh Group được Anphabe – đơn vị tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc – trao tặng giải thưởng quan trọng này.
Những loại đồ uống giúp tăng cường miễn dịch khi giao mùa
Thời tiết giao mùa là thời điểm mà hệ miễn dịch của cơ thể thường suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cảm cúm, viêm họng và mệt mỏi. Để bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn này, việc bổ sung các loại đồ uống tăng cường miễn dịch là rất quan trọng.
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ 14/11/2024 - 20/11/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc không đạt kỳ vọng của nhà đầu tư, xung đột tại khu vực Trung Đông vẫn tiếp diễn, xung đột quân sự giữa Nga với Ucraina có dấu hiệu leo thang...
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10, tín dụng đã tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023. Nhiều ngân hàng thương mại đã đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 10%-17% trong 9 tháng đầu năm, tăng cao hơn tín dụng chung toàn ngành.
Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc–Nam với tổng vốn đầu tư khoảng trên 67 tỷ USD sẽ xóa “điểm nghẽn” về vận tải bằng đường sắt vốn đã quá lạc hậu như hiện nay và cũng tạo cơ hội cho các DN Việt Nam từ cơ khí chế tạo, công nghệ đến tài chính tham gia để tự “vươn mình” lớn lên trong kỷ nguyên mới.