Cơ hội cho hàng Việt xuất khẩu qua thương mại điện tử
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chuyển dần sang kỷ nguyên số hóa, thương mại điện tử (ĐTTM) đang trở thành cây cầu vững chắc giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiến gần hơn với thị trường quốc tế. Đây là cơ hội lớn để hàng Việt nâng cao vị thế và gia tăng giá trị trên bàn cờ xuất khẩu.
Hiện nay, thị trường TMĐT toàn cầu đang bùng nổ với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Theo các báo cáo gần đây, quy mô thị trường này dự kiến đạt tới 8.1 nghìn tỷ USD vào năm 2026. Sự tăng trưởng đặc biệt được ghi nhận tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu khai thác các nền tảng như Amazon, Alibaba, Shopee để mở rộng thị trường. Các nền tảng này cung cấp các giải pháp giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí truyền thống như mở showroom hay quảng cáo trực tiếp, trong khi đảm bảo sự kết nối nhanh chóng đến khách hàng quốc tế.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp hàng Việt cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế là sự đồng bộ về chất lượng và mức giá. Việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, một hệ thống quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm, được áp dụng trong ngành chế biến thực phẩm và ISO, bộ tiêu chuẩn bao gồm nhiều lĩnh vực như chất lượng (ISO 9001) hay quản lý môi trường (ISO 14001) đã tăng lòng tin từ khách hàng ở nhiều quốc gia. Hơn nữa, sản phẩm hữu cơ và thủ công của Việt Nam đang được khách hàng quốc tế đánh giá cao nhờ xu hướng tiêu dùng xanh.
Theo một khảo sát được Cục Thương mại điện tử - Bộ Công Thương triển khai mới đây, 60% doanh nghiệp nghiệp được hỏi cho biết giá trị hàng xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử chiếm 10-30%. Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc là các thị trường xuất khẩu trực tuyến lớn nhất của doanh nghiệp, lần lượt chiếm tỷ trọng 45%, 40% và 38%.
Khoảng 53% doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tuyến (online) qua sàn thương mại điện tử. Còn lại, 47% sử dụng website hoặc ứng dụng do họ tự xây dựng.
Thương mại điện tử xuyên biên giới có tốc độ phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Số liệu từ Amazon Global Selling Việt Nam cho thấy năm 2023, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt được xuất khẩu qua nền tảng này. Số này tăng 50% về giá trị so với năm trước đó. Số đối tác bán hàng qua kênh này cũng tăng 40%.
Song song với đó, số lượng sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam bán ra trên Amazon tăng hơn 300% trong 5 năm qua. Hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện đang xuất khẩu thông qua Amazon, với số lượng doanh nghiệp đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD tăng vọt gần gấp 10 lần. Thông qua nền tảng của Amazon, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận trực tuyến với hơn 2 tỷ người mỗi năm ở các thị trường khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và rất nhiều quốc gia khác như Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ...
Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhưng các chuyên gia, doanh nghiệp nhận định mức độ tham gia xuất khẩu qua thương mại điện tử của doanh nghiệp còn hạn chế.
Nguyên nhân là do phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu gia công theo đơn hàng và mẫu mã của các nhà phân phối nước ngoài. Đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu; sức chống chịu kém trước các biến động bất ngờ và liên tục từ thị trường.
Ngoài ra, một hạn chế cố hữu của doanh nghiệp vừa và nhỏ - khối doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cộng đồng doanh nghiệp là hạn chế trong công tác xây dựng thương hiệu.
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, hiện nay, Bộ Công Thương đang nỗ lực phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, hoàn thiện những nền tảng số tương ứng đối với những hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp để có thể kịp thời hỗ trợ cho những doanh nghiệp, hợp tác xã và những hộ kinh doanh kinh doanh hiệu quả trên môi trường số.
Tiến Hoàng