Cho vay tăng tốc, tăng trưởng tín dụng chạm mốc 15%
Cuối năm, tín dụng tăng mạnh khi cầu vốn tăng. Do đó, nhiều khả năng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% của ngành ngân hàng trong năm nay sẽ đạt được.
Cho vay tăng tốc, tín dụng khởi sắc
Cuối năm thường là thời điểm kinh doanh sôi động nhất trong năm, do nhu cầu tiêu dùng và sản xuất tăng cao. Đây là giai đoạn mà các doanh nghiệp đều tất bật hoàn thành các dự án cũng như mục tiêu kinh doanh đề ra.
Do đó, nhu cầu vốn vào cuối năm thường tăng cao đột biến. Khi cầu vốn tăng, tăng trưởng tín dụng cũng cải thiện rõ nét trong quý cuối năm. Trong giai đoạn này, các ngân hàng thường đẩy mạnh vốn vào lĩnh vực ưu tiên (sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu…). Các nhà băng cũng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong giai đoạn cuối năm để góp phần đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành.
Các chuyên gia tài chính dự đoán, nhu cầu vay tiêu dùng cuối năm 2024 và năm sau sẽ tăng trở lại nhờ kinh tế tăng trưởng khả quan, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực, thị trường bất động sản phục hồi.
Nhu cầu vốn tăng lên khiến tình hình tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng khởi sắc.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 13/12 đạt 12,5%. Lượng tiền mà NHNN bơm ra thị trường từ đầu năm đến nay khoảng 1,696 triệu tỷ đồng.
Theo đại diện NHNN, tăng trưởng tín dụng năm nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái, dù ngay từ đầu năm đã bộc lộ nhiều khó khăn. Thời điểm này của năm ngoái, tín dụng mới tăng được khoảng 9%, còn năm nay đã tăng đến 12,5%.
Lý giải nguyên nhân tăng trưởng tín dụng năm nay tăng nhanh hơn năm ngoái, đại diện NHNN cho biết, nền kinh tế năm nay có nhiều điểm tích cực, xuất khẩu tăng nhanh, các doanh nghiệp nhìn chung đã trở lại guồng quay tăng trưởng. Đây là điều đáng mừng khi môi trường vĩ mô chung tích cực, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế cũng như tăng trưởng tín dụng.
Tổng dư nợ của nền kinh tế đến thời điểm hiện tại đạt khoảng 15,3 triệu tỷ đồng, huy động vốn đạt 14,8 triệu tỷ đồng, tốc độ gia tăng huy động vốn đạt 7,36%.
Có thể thấy, tốc độ tăng dư nợ khá lớn so với tốc độ huy động vốn. Do đó, ngoài nỗ lực huy động vốn của các nhà băng, NHNN cũng hỗ trợ vốn cho các ngân hàng bằng các công cụ điều hành chính sách.
Theo nhà điều hành, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ. Một số chương trình đạt hiệu quả nên đã nhiều lần được nâng quy mô như chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh và tiến hành mở rộng thêm sang một số lĩnh vực quan trọng khác như thị trường chứng khoán, bất động sản. Ngoài ra, tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại nợ phù hợp với dòng tiền (đặc biệt là những đối tượng chịu ảnh hưởng do cơn bão số 3)..., từ đó tạo điều kiện cho khách hàng được tiếp tục vay mới nhằm duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tín dụng sẽ cán đích 15%
Mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay được duy trì ổn định ở mức tương đối thấp, nên cả doanh nghiệp và ngân hàng đều đang tận dụng thời điểm này để đẩy mạnh vay và cho vay.
Tốc độ cho vay của các ngân hàng gần đây khá nhanh, mỗi tuần bơm ra thị trường vài chục nghìn tỷ đồng.
Với việc giải ngân tích cực vào cuối năm và mức tăng trưởng tín dụng hiện chỉ còn cách vạch đích 2,5%, các chuyên gia cho rằng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm nay có thể đạt được.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, đánh giá mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% nằm trong tầm tay khi mà doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân đang tìm mọi nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình trong năm 2024.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, tín dụng đưa tiền ra nền kinh tế rất tốt và hoàn toàn có khả năng đến hết năm nay có thể đạt được 15%, cho thấy là cuối năm, nền kinh tế hấp thụ vốn và phát triển mạnh.
Chuyên gia tài chính Trần Công Danh nhìn nhận mục tiêu về tăng trưởng tín dụng hiện nay rất khả quan. Theo ông Danh, kinh tế Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt là trong giai đoạn quý III, quý IV.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% đòi hỏi nhiều nỗ lực và quan trọng nhất là đảm bảo được chất lượng tín dụng, chứ không chỉ đạt được con số bằng mọi giá.
PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, lưu ý, để đạt được mục tiêu 15% là không quá khó nhưng việc giải ngân ồ ạt trong thời gian ngắn cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, cần cẩn trọng trong việc quản lý chất lượng dòng vốn để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Ông Huân cho rằng phải có những quy định để hạn chế dòng vốn chảy vào những kênh đầu cơ như là bất động sản, chứng khoán. Bởi với các kênh này, hệ số rủi ro với các ngân hàng sẽ cao hơn so với những kênh phục vụ cho sản xuất vào nền kinh tế thật.
Một số chuyên gia tài chính khác cũng cho hay, nếu để chạy đua chỉ tiêu mà các ngân hàng nới lỏng tiêu chuẩn cấp tín dụng, các khoản vay có thể tiềm ẩn rủi ro, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán...
Hoặc nếu dòng vốn tín dụng tập trung quá mức vào các lĩnh vực tiêu dùng hoặc đầu cơ, có thể đẩy giá cả leo thang, gây áp lực lên mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Vì thế, để tín dụng thực sự trở thành động lực, điều cần nhất là chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu.
Minh Dũng