Ngân hàng cấp tập đẩy vốn, cuối năm lãi suất cho vay giảm?
Theo nhận định của các chuyên gia, lãi suất cho vay không có nhiều dư địa để giảm thêm trong cuối năm 2024 trước loạt áp lực đang bủa vây ngành ngân hàng.
Ngân hàng tích cực đẩy vốn ra nền kinh tế
Bước vào những tháng cuối cùng của năm, nhiều ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động nhằm hút nguồn tiền trong bối cảnh nhu cầu vốn dự kiến sẽ tăng.
Hiện tại, lãi suất huy động dao động từ 4,25% - 5,85%/năm đối với kỳ hạn 3 – 12 tháng. Một số ngân hàng, đơn cử như MB, Agribank, ABBank và VIB, thậm chí đã có tới 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất huy động trong tháng 11 này.
Làn sóng tăng lãi suất huy động trong những tháng cuối năm 2024 làm dấy lên lo ngại về việc lãi suất cho vay cũng sẽ leo thang, đẩy chi phí tài chính lên cao. Nếu kịch bản này xảy ra, gánh nặng chi phí sẽ khiến nhiều doanh nghiệp và cá nhân đang vay vốn phải cân nhắc lại các kế hoạch đầu tư và sản xuất. Đặc biệt, vào thời điểm cuối năm – mùa cao điểm cần vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh – việc lãi suất cho vay trở nên "đắt đỏ" có thể làm giảm khả năng tiếp cận tín dụng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank, dù đã được điều chỉnh tăng nhẹ song mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang ở mức thấp. Ngoài ra, ngành ngân hàng hiện đã qua giai đoạn khó khăn về thanh khoản và hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay.
Theo thống kê của NHNN, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm mạnh trong thời gian qua. Tính đến ngày 20/10, lãi suất cho vay giảm 0,76% so với cuối năm 2023. Sau 4 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành trong năm 2023, NHNN tiếp tục giữ nguyên ở mức thấp trong 10 tháng năm 2024.
Hiện không ít ngân hàng cũng đang triển khai các gói cho vay ưu đãi nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tăng cường sản xuất, kinh doanh. Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, Agribank đã tung ra gói tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng với lãi suất 2,6%/năm cùng 2 gói tín dụng với tổng quy mô 110.000 tỷ đồng với lãi suất từ 3,5%/năm dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, nông, lâm, thủy, hải sản,…
Các ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao trong 3 quý đầu năm 2024 như ACB hay HDBank cũng không đứng ngoài cuộc đua tăng ưu đãi, giảm lãi suất cho vay. HDBank – ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng 16,6% đã triển khai gói tín dụng với quy mô 10.000 tỷ đồng cùng lãi suất cho vay thấp hơn từ 1 – 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.
ACB cũng đã triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng lãi suất thấp và sẽ tiếp tục nâng quy mô gói vốn này lên 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp trong dịp cuối năm 2024.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đạt 10,08% tính đến ngày 31/10/2024. “So với mục tiêu tăng trưởng 15%, các ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa để cấp vốn trong 2 tháng cuối năm. Các ngân hàng đều đang nỗ lực giảm lãi suất cho vay đối với cả khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp”, bà nói.
NHNN mới đây cũng đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2024 và những năm tiếp theo, trong đó nhấn mạnh việc đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình cho vay để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Khó có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay
Mặc dù ngành ngân hàng đang tích cực đẩy vốn rẻ ra thị trường song các chuyên gia cho rằng lãi suất cho vay khó có dư địa để giảm thêm. Trước đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, với nền lãi suất cho vay thấp như hiện nay, các ngân hàng thương mại khó có thể giảm thêm vì rủi ro của nền kinh tế và tỷ giá.
Ngoài ra, việc giảm thêm lãi suất cho vay sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng khi trong 3 quý đầu năm 2024, tỷ lệ NIM của nhiều ngân hàng đã thu hẹp đáng kể.
Theo báo cáo ngành ngân hàng mới đây của VIS Ratings, tỷ lệ NIM thu hẹp trong 9 tháng năm 2024, nhất là ở các ngân hàng nhỏ khi phải chịu thêm ảnh hưởng từ chi phí tín dụng cao. Tính đến ngày 20/10/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,88%/năm, tăng 0,36% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,33%/năm, giảm 0,76%/năm so với cuối năm 2023.
Việc lãi suất cho vay chưa bắt kịp với đà tăng của lãi suất huy động khiến NIM tại nhiều ngân hàng giảm theo quý, kéo lùi tăng trưởng lợi nhuận của toàn ngành trong 9 tháng năm 2024.
Một yếu tố khác hạn chế dư địa giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng là tỷ lệ nợ xấu vẫn đang neo ở mức cao. Tính đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đạt mức 4,55%, gần bằng mức cuối năm 2023, nhưng tăng gấp đôi so với năm 2022. Nhiều ngân hàng chứng kiến nợ xấu “phình to” như LPBank, MB, BIDV, Nam Á Bank, BVBank,… Chưa kể, cơ cấu nợ xấu cũng ngày càng “xấu hơn” khi nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh ở nhiều ngân hàng.
Trước tình trạng này, nhiều ngân hàng đã phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để bù đắp cho khả năng mất vốn từ các khoản vay không thu hồi được. Trích lập dự phòng rủi ro của nhiều ngân hàng trong 9 tháng năm 2024 tăng bằng lần. Điều này trực tiếp làm giảm lợi nhuận của ngân hàng và việc thêm giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh nợ xấu tăng trở thành một thách thức lớn.
Nhận định về hướng đi của lãi suất cho vay trong thời gian tới, các chuyên gia VCBS cho rằng: “Chất lượng tín dụng và lãi suất cho vay vẫn được NHNN theo dõi sát sao. Theo đó, kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay được duy trì ở mức thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp theo định hướng của Chính phủ. Tuy vậy, lãi suất cho vay vẫn sẽ có sự phân hóa giữa từng ngành nghề và doanh nghiệp, cũng như khẩu vị rủi ro giữa các ngân hàng thương mại hiện nay”.
Khánh Tú