Cảnh báo hàng loạt thực phẩm BVSK quảng cáo lừa dối NTD có công dụng như thuốc chữa bệnh
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa phát đi cảnh báo hàng loạt thực phẩm chức năng gồm: Lehutra-curcumin, Zamasstu-new, Xavakamit, Botalyzil, Castodi, Xmpow12 đang quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.
Theo Cục An toàn thực phẩm, trong thời gian vừa qua trên một số website, đường link như: https://www.facebook.com/1022888391221042/posts/1224480551061824, https://nhathuocgiabao.vn/xavakamit; https://thegioithuoc.net/bo-than-tang-cuong-sinh-ly/botalyzil-bo-than-trang-duong; http://trungtamthuoc.com/xmpow-12... đã quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Zamasstu-new, Xavakamit, Botalyzil, Castodi, XMPOW12 với nội dung gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.
Thực phẩm BVSK Zamasstu-new, Xavakamit, Botalyzil, Castodi, XMPOW12 do Công ty Cổ Phần Dược Phẩm Linh Đạt, địa chỉ trụ sở chính: Khu đô thị Lạc Hồng Phúc, Phường Nhân Hòa, Thị xã Mỹ Hào, Tỉnh Hưng Yên, Việt Nam công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Botalyzil do Công ty Dược phẩm và Thương mại Phương Đông (TNHH), địa chị trụ sở chính: TS 509, tờ bản đồ số 01, cụm CN Hạp Lĩnh, Phường Hạp Lĩnh, Thành phố Bắc Ninh, Tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam công bố, sản xuất.
Theo Cục An toàn thực phẩm, Công ty đã có văn bản số 221123/CV-CPLĐ ngày 22/11/2023 khẳng định việc quảng cáo nêu trên không phải do Công ty thực hiện và Công ty không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe khỏe Zamasstu-new, Xavakamit, Botalyzil, Castodi, XMPOW12 tại các đường link nêu trên.
Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Zamasstu-new, Xavakamit, Botalyzil, Castodi, XMPOW12 trên các đường link nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Đối với các thông tin quảng cáo về các sản phẩm nêu trên hay các sản phẩm thực phẩm chức năng nói chung trên Internet, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi quyết định mua để tránh tình trạng 'tiền mất, tật mang'.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã đưa ra rất nhiều giải pháp xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, tuy nhiên, hành vi vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi. Các hình thức vi phạm phổ biến là sử dụng hình ảnh, bài viết của nhân viên y tế hoặc bài viết, phản hồi của người tiêu dùng nhằm ám chỉ thực phẩm là thuốc chữa bệnh hoặc có công dụng như thuốc chữa bệnh, là trái quy định pháp luật.
Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân còn có hành vi quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm; dùng hình ảnh bác sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, hoặc logo các đài truyền hình để lồng ghép nội dung quảng cáo trái phép, gần như lừa dối người tiêu dùng về công dụng của các thực phẩm bảo vệ sức khỏe...
Do đó, trước khi sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng cần đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.
Trước cảnh báo từ Cục An toàn thực phẩm: Khách hàng cần tìm hiểu kỹ về chất lượng cũng như công dụng của các sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe trước khi đưa ra quyết định mua và sử dụng.
* Một số hình ảnh các sản phẩm TPBVSK được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, do Cục An toàn thực phẩm cung cấp:
Thanh Phong