Cẩn trọng với các chiêu lừa đảo mùa du lịch
Mỗi khi hè đến nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của người dân trên cả nước bắt đầu tăng cao, đặc biệt là vào dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5. Đây cũng là thời điểm những cạm bẫy du lịch được tội phạm lừa đảo giăng ra…
Chiêu trò tinh vi
Theo tìm hiểu, thủ đoạn thường xuyên nhất là các đối tượng tạo ra các trang fanpage “mạo danh” khách sạn, nhà nghỉ, resort để chiếm đoạt tiền đặt cọc hoặc tiền phí dịch vụ của người dân. Cụ thể, các đối tượng sử dụng trang Facebook có giao diện gần giống với trang web, fanpage của khách sạn, resort, homestay.
Có nhiều du khách bị mất từ vài triệu đồng tới vài chục triệu đồng khi đặt phòng qua các trang fanpage giả mạo, điển hình như vụ việc xảy ra vào hồi tháng 2 vừa qua tại một khu du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình...
Kẻ lừa đảo tinh vi sao chép y hệt thông tin của các nhà nghỉ, khách sạn, resort nổi tiếng, từ logo thương hiệu, hình ảnh quảng cáo chuyên nghiệp cho đến giao diện trang web. Thậm chí, một số trang fanpage còn được Facebook cấp tích xanh khiến nạn nhân dễ rơi vào bẫy mà không hề biết.
Để tăng “uy tín”, các đối tượng còn chạy quảng cáo trang Facebook với hàng chục nghìn lượt theo dõi, có cả số điện thoại hotline để liên hệ, tư vấn, tạo các bình luận “ảo” khen ngợi các trang Facebook “mạo danh”, tự đưa ra các chương trình khuyến mại với mức giá hấp dẫn.

Với chiêu trò tinh vi, các đối tượng lừa đảo tung ra những ưu đãi hấp dẫn, quảng cáo mức giá tốt, kèm theo khuyến mãi cực “khủng” khi đặt phòng online. Khi phát hiện khách hàng có dấu hiệu “lung lay”, chúng đánh vào tâm lý “cao điểm sẽ không còn phòng tốt, khó giữ phòng”, yêu cầu khách chuyển khoản ngay. Không ít người chỉ phát hiện bị lừa khi đến nơi, hoặc bị dụ chuyển thêm tiền nhiều lần với lý do sửa lỗi giao dịch, cuối cùng mất trắng...
Là một nạn nhân của chiêu trò lừa đảo, chị Hoàng Thị Thu Linh (trú tại Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cách đây 1 tháng, chị và chồng đã không ngần ngại chi tiền cho chuyến du lịch 4 ngày 3 đêm ở Phan Thiết với giá 5.000.000/người vào đúng dịp nghỉ lễ 30/4. Combo này được quảng cáo là khách nghỉ ở khách sạn 4 sao tại Mũi Né, Phan Thiết.
Chị Linh mua vé cho cả 2 vợ chồng với giá là 10.000.000 đồng. Tuy nhiên, để nhận được ưu đãi giá này, phía tư vấn yêu cầu chị cần chuyển khoản ít nhất 50% số tiền để đặt cọc. Sau khi chuyển khoản 5.000.000 đồng và nhận được email xác nhận đăng ký thành công, khoảng 30 phút sau, chị Linh gọi điện kiểm tra lại thì đã bị chặn điện thoại và Zalo. Fanpage chị vừa đặt combo du lịch cũng không còn.
“Trước khi quyết định chuyển tiền, đặt vé tôi đã cẩn thận xem các bình luận trên trang cá nhân của người này. Do thấy có nhiều phản hồi tích cực của khách hàng nên tôi chốt luôn. Nhưng khi tôi liên hệ với một công ty du lịch tương tự thì mới biết không có đơn vị nào bán voucher với mức giá như trên”, chị Linh chia sẻ.
Theo Giám đốc Công ty Lữ hành AZA Nguyễn Tiến Đạt, các đối tượng lừa đảo thường đánh vào tâm lý ham rẻ nên tung chiêu lừa như đưa hình ảnh, thông tin, mạo danh các đơn vị du lịch lâu năm, lập nick ảo, tạo tương tác để thu hút khách. Nhiều đối tượng lấy tên website gần giống tên miền các công ty du lịch uy tín nên nhiều người bị lừa. Nhiều người kém may mắn không thể liên lạc được với người bán sau khi chuyển tiền. Người may mắn hơn thì bỏ tiền mua gói du lịch theo quảng cáo là dịch vụ 5 sao nhưng nhận được dịch vụ 2 sao.
Cẩn trọng thôi là chưa đủ
Với thâm niên làm việc hơn 10 năm trong ngành Du lịch, chị Nguyễn Minh Thúy (phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội) cảnh báo, các đối tượng lừa đảo rất tinh vi như lập website quảng cáo tour, gửi văn bản giấy tờ đầy đủ như giấy phép kinh doanh có dấu đỏ, chữ ký... Khi khách hàng gọi video call kiểm tra thì đối tượng nghe ngay nhưng cố tình quay lướt văn phòng, nhân viên… để tạo niềm tin.
Để tránh bị lừa, khách hàng không nên giao dịch với cá nhân lạ bán hàng trôi nổi trên mạng, không có lịch sử bán hàng uy tín. Khách hàng hãy tìm đến các đơn vị du lịch uy tín để ký hợp đồng hoặc tự liên hệ đặt vé máy bay tại hãng, đặt phòng với khách sạn nơi mình muốn đến.
“Cần có hợp đồng, chứng từ chuyển tiền, chụp lại ảnh căn cước công dân của người giao dịch với mình. Còn nếu muốn mua gói giá rẻ thì tìm đại lý, công ty hoặc người thân quen bán hàng. Khách hàng không nên mạo hiểm tiền túi của mình”, chị Thúy cảnh báo.

Về vấn đề này, Thiếu tá Ngô Quang Thạch, cán bộ Bộ Công an cho biết, các đối tượng nắm bắt tâm lý ham rẻ nên lập tài khoản, website giả mạo các công ty, cá nhân uy tín để thu hút khách. Do vậy, người dân trước khi lựa chọn các gói du lịch, cần tìm hiểu kỹ thông tin công ty cung cấp dịch vụ du lịch, nên lựa chọn dịch vụ của những công ty uy tín để tránh bị lừa đảo và có đầu mối để phản ánh, khiếu nại khi có sai phạm. Để yên tâm hơn, người dân có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề… của công ty lữ hành, du lịch.
Đồng thời, người dân nên cảnh giác khi nhận được lời mời chào mua gói du lịch với mức giá quá rẻ (rẻ hơn 30 - 50% so với giá chung của thị trường); đặc biệt thận trọng khi đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp.
Thiếu tá Ngô Quang Thạch cũng khuyến cáo người dân không nên đặt phòng qua mạng xã hội, nên gọi trực tiếp đến khách sạn để xác nhận, đừng vội tin vào số điện thoại trên fanpage, hãy kiểm tra trên website chính thức. Các website tin cậy thường có chứng chỉ bảo mật (biểu tượng khóa ở góc trên bên trái của trình duyệt) và có địa chỉ rõ ràng. Tránh những website có tên miền lạ hoặc không có chứng nhận bảo mật. Tham khảo ý kiến của những người đã từng lưu trú tại khách sạn bạn muốn đặt thông qua các trang như TripAdvisor, Google Reviews, hoặc các trang đặt phòng uy tín thường có những đánh giá chi tiết của du khách trước đó.
Chủ động liên hệ trực tiếp với khách sạn trước khi thanh toán thông qua các thông tin liên hệ trên trang chính thức như số hotline hoặc gửi email trực tiếp để xác minh thông tin về phòng và dịch vụ. Có thể thông qua bạn bè, người thân đang sinh sống tại các khu vực dự kiến du lịch để lấy thông tin liên hệ với khách sạn, nhà nghỉ chính xác nhất.
Không chuyển khoản 100% khi chưa xác thực, nếu cần đặt cọc hãy yêu cầu hợp đồng hoặc hóa đơn xác nhận; cảnh giác khi giá quá rẻ, cần đặt dấu hỏi lớn khi một resort 5 sao nhưng giá chỉ bằng homestay bình dân; kiểm tra kỹ tài khoản nhận tiền, nếu tài khoản mang tên cá nhân hoặc không trùng với tên khách sạn hãy dừng giao dịch ngay...