Cần tăng chế tài xử lý hành vi vi phạm an toàn thực phẩm
Thực phẩm bẩn và nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn luôn là vấn đề nhức nhối dù hệ thống pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này được đánh giá là cơ bản hoàn thiện. Vậy, đâu là nguyên nhân? Cần có những biện pháp gì để ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng nói trên.
PV: Thưa Luật sư, tiện tượng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm vẫn có chiều hướng gia tăng dù đã có Luật An toàn thực phẩm và nhiều chế tài giám sát, xử lý. Theo Luật sư, đâu là nguyên nhân?.
LS Đào Hồng Sơn: Trước hết, cần hiểu thế nào là thực phẩm bẩn. Theo đó, thực phẩm bẩn là các gọi chung chỉ những thực phẩm chứa các chất gây hại cho sức khỏe người dùng. Chúng thường là những chất hóa học và thuốc kháng sinh vượt quá mức an toàn cho phép trong quá trình nuôi, trồng, chế biến. Ngoài ra, thực phẩm bẩn còn có thể chứa những chất gây hại từ việc xâm nhập và phát triển của vi khuẩn, nấm mốc, thậm chí là vi rút trong quá trình sơ chế, chế biến và bảo quản thực phẩm không đúng cách, mà khi người dùng ăn, uống phải có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc tích tụ các chất độc trong cơ thể theo thời gian và gây ra một số bệnh mãn tính.
Để ngăn chặn thực phẩm bẩn, chúng ta đã có hệ thống pháp luật điều chính hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm khá hoàn thiện. Có thể kể đến Luật an toàn thực phẩm 2010 Số 55/2010/QH12; Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế;… hay như Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BYT năm 2022 của Bộ Y tế hợp nhất nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm do bộ y tế ban hành;…
Trong các văn bản quy phạm pháp luật nói trên đã quy định rất rõ ràng, từ định nghĩa về thực phẩm, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm đến các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm…
Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn diễn ra và có chiều hướng ngày càng phức tạp với nhiều vụ việc có số lượng người ngộ độc thực phẩm đông, giá trị hàng hóa là thực phẩm vi phạm ngày càng lớn.
Theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân. Trước hết, cần phải khẳng định, nguyên nhân đến từ lợi ích kinh tế. Ví dụ, để nâng cao năng suất, người nuôi trồng đã lạm dụng thuốc, hóa chất, các chất kích thích tăng trưởng… trong khi người chế biến, kinh doanh không chỉ bỏ qua các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh mà còn sử dụng các hóa chất độc hại nhằm kéo dài thời gian bảo quản, tạo mầu, mùi, vị hấp dẫn hơn cho thực phẩm…
Ở góc độ quản lý, dù đã có nhiều cố gắng, song chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng công tác quản lý, thanh kiểm tra và phòng chống thực phẩm bẩn của các cơ quan hữu quan còn chồng chéo, bất cập. Trên thực tế, để quản lý thực phẩm từ cánh đồng, từ trang trại đến bàn ăn được giao cho ba ngành là Nông nghiệp, Y tế và Công thương, xong, hiệu quả công tác phối hợp chưa đượt như kỳ vọng.
PV: Còn trên góc độ pháp luật thì sao, thưa Luật sư?
LS Đào Hồng Sơn: Trong khi đó, chế tài xử phạt, xử lý hành vi vi phạm ATTP chưa đủ sức răn đe. Tôi lấy ví dụ, theo Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BYT năm 2022 hợp nhất nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm do Bộ Y tế ban hành quy định mức phạt tiền tối đa về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức. Tôi cho rằng mức phạt này còn rất thấp nếu so sánh với giá trị hàng hóa vi phạm trong rất nhiều trường hợp.
Bên cạnh đó, mặc dù trong Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, tại Ðiều 317 về Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng quy định:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;
b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;
c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;
d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Song trên thực tế, việc điều tra nguyên nhân các vụ việc vi phạm ATTP thường rất khó khăn bởi những nguyên nhân như tôi đã nói ở trên, nên rất ít vụ vi phạm ATTP được điều tra, xử lý theo Bộ Luật hình sự.
PV: Luật sư có kiến nghị gì trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản lý, xử lý tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm?
LS Đào Hồng Sơn: Luật An toàn thực phẩm được ban hành một thời gian khá lâu nhưng chưa có ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung. Tôi cho rằng, từ kết quả các cuộc Giám sát của Quốc hội, kết quả thực thi của các ngành, địa phương, chúng ta cần sớm có tổng kết để kịp thời có những sửa đổi, bổ sung theo hướng tiệm cận với thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, cũng cần có những phân tích, đánh giá để có những biện pháp đối phó phù hợp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi của các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm pháp luật vì mục đích lợi nhuận.
Việc sửa đổi, bổ sung này, theo tôi, cần đồng bộ, không chỉ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về ATTP mà còn cần phải đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động nuôi, trồng, xuất nhập khẩu, kinh doanh… thực phẩm.
Bên cạnh đó, nhằm ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về ATTP, tôi cho rằng, chúng ta cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định trọng Bộ Luật hình sự theo hướng tăng nặng hình phạt và cụ thể hóa, đơn giản hóa các quy định trong quá trình điều tra, xác mình của cơ quan chức năng.
Cụ thể với quy định: Phải chứng minh là người phạm tội phải biết rõ đó là thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, đây thực sự là điều khó khăn cho các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, phải có hậu quả ngay, tức là “ngộ độc thực phẩm, phải lăn ra chết mới xử lý được, tuy nhiên, thực tiễn hiện nay là có nhiều người kinh doanh sử dụng các chất cấm trong thực phẩm, không gây hậu quả ngay mà phải nhiều năm sau mới gây hậu quả qua quá trình tích luỹ, vì vậy, lúc đó rất khó xác định nguyên nhân, cấn sửa đổi quy định này theo hướng chỉ cần có dấu hiệu của hành vi phạm tội là thỏa mãn cấu thành tội phạm chứ không cần phải có hậu quả xảy ra.
PV: Trân trọng cảm ơn Luật sư!
Hoàng Châu