Bình Dương: Cần làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm sai phạm về quản lý, bảo vệ rừng
Sau khi phát hiện sai phạm về quản lý, bảo vệ rừng tại tỉnh Bình Dương, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị UBND tỉnh Bình Dương cần tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định.
Theo Kết luận thanh tra số 785/KL-TTCP ngày 22/3/2023 của Thanh tra Chính phủ, trong thời gian qua, UBND tỉnh Bình Dương thực hiện công tác quản lý, bảo vệ đất rừng theo Quy hoạch 3 loại rừng theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Luật bảo vệ rừng và phát triển rừng và Luật Lâm nghiệp.
Hiện tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương là 10.633,86 ha; được giao cho 7 đơn vị làm chủ rừng. UBND tỉnh Bình Dương đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho các đơn vị chủ rừng với tổng diện tích 9.442,05 ha/10.633,86 ha (đạt 88,79%).
Còn 1.191,81 ha đất lâm nghiệp chưa cấp giấy chứng nhận QSDĐ, bao gồm: Diện tích giao cho UBND các huyện Bắc Tân Uyên (102,04 ha), thị xã Tân Uyên (5,47 ha) và huyện Phú Giáo (435,63 ha) và diện tích giao cho Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng (648,67 ha).
Qua thanh tra Thanh tra Chính phủ đã phát hiện một số hạn chế, thiếu sót trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp cần kiểm tra, rà soát để kịp thời chấn chỉnh, bảo đảm công tác quản lý sử dụng đất lâm nghiệp được hiệu quả, đúng quy định trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng, một số đơn vị được giao đất lâm nghiệp để quản lý sử dụng, nhưng chưa làm tốt trong công tác quản lý đất đai, vi phạm quy định trong giao khoán theo Nghị định 01/CP ngày 04/01/1995 và Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 08/01/2005 của Chính phủ.
Điển hình như BQL rừng Tân Uyên giao khoán cho 05 hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán có hộ khẩu thường trú ngoài địa bàn Huyện là vi phạm quy định tại khoản 2.3 mục 1 Thông tư 102/2006/TT-BNN ngày 13/11/2006 của Bộ NN&PTNT về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương cần chỉ đạo các chủ rừng khẩn trương tổ chức rà soát, phân loại đối tượng khoán, nội dung khoán đã thực hiện khoán theo quy định tại Nghị định số 01/CP, Nghị định số 135/2005/NĐ-CP và giải quyết, xử lý theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp nhà nước.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn còn tình trạng xâm canh, lấn chiếm đất rừng tại một số đơn vị được giao quản lý rừng diễn ra, như BQL rừng Tân Uyên đã để 34 hộ gia đình, cá nhân xâm canh với diện tích 107,5 ha. Mặc dù, UBND tỉnh đã kiểm tra, xử lý các trường hợp xâm canh, lấn chiếm này, nhưng UBND tỉnh Bình Dương theo thẩm quyền cần phải kiểm tra, rà soát theo diện rộng trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh tình trạng này.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng đã từng chia sẻ, khi chuyển đổi rừng chính là đánh đổi giá trị về môi trường sinh thái để lấy một mục tiêu khác. Mục tiêu ấy nếu là kinh tế thì phải xem cái lợi về kinh tế đến mức nào mà quyết định đánh đổi. Còn nếu đó là mục tiêu xã hội thì phải suy nghĩ khác vì xã hội cũng là một mục tiêu ưu tiên, dù không bằng môi trường.
Tình trạng chuyển đổi cây trồng và xây dựng nhà ở trên đất rừng đã nhận giao khoán, như tại diện tích do BQL rừng Tân Uyên quản lý để xảy ra tình trạng dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, xây nhà trên diện tích lớn 474,41 ha; vi phạm Quy chế quản lý rừng sản xuất ban hành kèm theo Quyết định 49/2016/QĐ-TTg ngày 01/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ;
Tại Kết luận thanh tra số 785/KL-TTCP cũng nêu, theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2011 - 2019 diện tích đất rừng đã chuyển đổi sang mục đích khác thuộc diện phải lập phương án trồng rừng thay thế theo quy định Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ, Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 06/5/2013 của Bộ NN&PTNT, Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 24/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ là 57,5 ha (9 dự án).
Trong đó, 5 dự án (với diện tích 40,8 ha) có chuyển mục đích đất rừng sang mục đích khác đã thực hiện phương án trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam theo quy định.
4 dự án (với diện tích 16,7 ha) có chuyển mục đích đất rừng sang mục đích khác thuộc diện phải trồng rừng thay thế nhưng chưa lập phương án trồng rừng thay thế theo quy định Điều 29 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Điều 2 Thông tư số 24/2013/TT- BNNPTNT ngày 06/5/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và khoản 4 Điều 19 Luật Lâm nghiệp.
Thanh tra Chính phủ cũng đã thanh tra việc UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận dự án “Trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng kết hợp với phát triển tổ hợp du lịch, phát triển vườn thú bán hoang dã tại khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu và bán đảo Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương” do Công ty Cổ phần Đầu tư Xuân Cầu Bình Dương (Công ty Xuân Cầu Bình Dương) làm chủ đầu tư. Qua kiểm tra phát hiện trình tự, thủ tục và quá trình thực hiện dự án có vi phạm.
Cụ thể, ngày 21/9/2015, UBND tỉnh Bình Dương có Quyết định 2431/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư với diện tích 797 ha, thời gian thực hiện dự án 50 năm, tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Dương đã ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng là 535,85 ha và đã bàn giao cho Công ty Xuân Cầu Bình Dương quản lý diện tích này, thời hạn 50 năm, số tiền thuê đất rừng là 158.505.500 đồng.
Đến nay, Công ty Xuân Cầu Bình Dương chưa nộp tiền thuê môi trường rừng, thuộc diện phải thu hồi dự án theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Lâm nghiệp.
Qua Thanh tra, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện, quy trình thực hiện cho thuê môi trường rừng của UBND tỉnh Bình Dương đối với dự án cho thuê môi trường rừng chưa đúng quy định; không có hồ sơ thẩm định năng lực của nhà đầu tư, không thực hiện ký quỹ bảo đảm đầu tư theo quy định của Luật đầu tư.
Tiến độ thực hiện dự án chậm (Phê duyệt chủ trương tại Quyết định 2431/QĐ-UBND ngày 21/9/2015 cho đến thời điểm thanh tra là 5 năm nhưng Công ty Xuân Cầu Bình Dương chưa triển khai dự án).
Theo Kết luận thanh tra, sau khi Đoàn Thanh tra của Thanh tra Chính phủ kết thúc thanh tra trực tiếp, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 911/QĐ-UBND ngày 15/2/2022 về việc thu hồi chủ trương dự án “Trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng kết hợp với phát triển tổ hợp du lịch, phát triển vườn thú bán hoang dã tại khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu và bán đảo Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương” với lý do Dự án được phê duyệt chưa phù hợp quy định về trình tự, thủ tục và các quy định của pháp luật hiện hành.
Thanh tra Chính phủ nhận thấy, việc UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định thu hồi chủ trương đầu tư dự án nêu trên chủ yếu là khắc phục hậu quả sau thanh tra, nhưng để xảy ra vi phạm trong quá trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, vi phạm trong thực hiện dự án là trách nhiệm của UBND tỉnh Bình Dương, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thế nên Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Bình Dương cần tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định.
Theo Thanh tra Chính phủ, tại tỉnh Bình Dương một số đơn vị được giao đất lâm nghiệp để quản lý sử dụng nhưng chưa làm tốt trong công tác quản lý đất đai, vi phạm quy định trong giao khoán theo Nghị định 01/NĐ-CP ngày 4/1/1995 và Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 8/1/2005 của Chính phủ; khoản 2.3 mục 1 Thông tư 102/2006/TT-BNN ngày 13/11/2006 của Bộ NN&PTNT về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 135/2005/NĐ-CP.
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn để xảy ra tình trạng xâm canh, lấn chiếm đất rừng; tình trạng chuyển đổi cây trồng và xây dựng nhà ở trên đất rừng đã nhận giao khoán, vi phạm Quy chế quản lý rừng sản xuất ban hành kèm theo Quyết định 49/2016/QĐ-TTg ngày 1/11/2016 của Thủ Tướng Chính phủ.
Sở NN&PTNT Bình Dương tham mưu UBND Tỉnh giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng sang mục đích khác khi chủ đầu tư chưa lập phương án trồng rừng thay thế đối với diện tích rừng chuyển sang mục đích khác trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là chưa đủ điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP; Điều 2 Thông tư 24/2013/TT-BNNPTNT và khoản 4 Điều 19 Luật Lâm nghiệp.
Công tác quản lý nhà nước đối với dự án “trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng kết hợp với phát triển tổ hợp du lịch, phát triển vườn thú bán hoang dã tại khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu và bán đảo Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương” xẩy ra nhiều vi phạm trong quá trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, vi phạm trong thực hiện dự án là trách nhiệm của UBND tỉnh Bình Dương, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Phạm Thạch