Bảng giá đất điều chỉnh mới tại Hà Nội là cơ sở tạo ra sự đồng thuận giữa doanh nghiệp và người dân
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, giá đất mới sẽ giúp tạo ra sự đồng thuận giữa doanh nghiệp và người dân, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, giảm chi phí đội vốn cho các dự án. Đây là lợi ích chung cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Giá cao nhất gấp gần 3,7 lần bảng giá cũ
Ngày 20/12/2024, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 71/2024/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 31/12/2019. Đây là văn bản quan trọng trong việc quy định và điều chỉnh bảng giá các loại đất trên địa bàn Thành phố.
Theo quyết định mới, bảng giá đất hiện hành sẽ được điều chỉnh và tiếp tục có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2025. Vị trí đất được xác định dựa trên khả năng sinh lợi, điều kiện cơ sở hạ tầng và khoảng cách tiếp cận đường, phố có tên trong bảng giá đất.
Tại bảng giá mới, thửa giáp mặt đường tại loạt tuyến đường của quận Hoàn Kiếm như Bà Triệu (đoạn từ Hàng Khay đến Trần Hưng Đạo), Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng (đoạn từ Lê Thánh Tông đến Quán Sứ) là nơi giá đất ở có mức cao nhất, hơn 695,3 triệu đồng/m2.
Mức giá này cũng được áp dụng cho các tuyến đường Hàng Đào, Hàng Khay, Hàng Ngang, Lê Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Nhà Thờ và Trần Hưng Đạo (đoạn Trần Thánh Tông đến Lê Duẩn).
Tuyến đường Hàng Ngang, Hàng Đào là nơi có giá đất ở đắt nhất tại bảng giá ban hành năm 2019, với gần 188 triệu đồng một m2. Như vậy, giá cao nhất tại bảng vừa ban hành gấp gần 3,7 lần bảng giá cũ.
Bảng giá đất mới tác động như thế nào?
Việc bảng giá điều chỉnh đưa ra với mức cao hơn trước đây dẫn tới lo ngại sẽ làm tăng thuế, phí về đất đai. Tức là, hộ gia đình, cá nhân khi được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sẽ phải nộp nghĩa vụ tài chính cao hơn trước.
Về vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, bảng giá mới giúp giảm bớt chênh lệch, đưa giá đất ở Thủ đô dần tiếp cận với thị trường. Điều này giúp thiết lập chính sách đồng bộ trong quản lý đất và hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng và người có nhu cầu sử dụng đất thực hiện dự án. Nhờ đó, thu ngân sách tăng qua thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất của người dân, doanh nghiệp.
Qua 2 năm khảo sát, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, giá mua bán thực tế cao hơn bảng giá đất bình quân 250%, nên bảng điều chỉnh trên cùng với mục đích đưa giá về sát thị trường. Bảng giá điều chỉnh cũng giúp cho quyền lợi của người bị thu hồi đất được đảm bảo tốt hơn, khuyến khích người dân chấp hành chính sách giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng: Việc công bố bảng giá đất mới sẽ tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong quản lý đất đai. Trước đây, việc định giá đất thường không sát với giá trị thực, dẫn đến nhiều khó khăn trong đàm phán bồi thường và thực hiện nghĩa vụ tài chính. Khi có bảng giá đất mới, các vướng mắc này sẽ được tháo gỡ.
Bảng giá đất mới được kỳ vọng sẽ bảo đảm tính ổn định, phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn chuyển tiếp trước khi xây dựng bảng giá đất mới.
Việc bổ sung và sửa đổi các quy định liên quan đến nguyên tắc xác định vị trí đất, giá đất theo chiều sâu thửa đất và mức giá giảm dần theo khoảng cách không chỉ bảo đảm tính công bằng trong quản lý đất đai, mà còn phản ánh chính xác giá trị sử dụng của đất ở từng khu vực.
Đặc biệt, bảng giá đất nông nghiệp trong khu dân cư được bổ sung quy định linh hoạt. Giá đất nông nghiệp trong khu dân cư có thể cao hơn giá đất nông nghiệp ngoài khu dân cư, nhưng không vượt quá 50% giá đất nông nghiệp tương ứng tại các khu vực khác. Điều này, nhằm khuyến khích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư hiệu quả, đồng thời bảo đảm lợi ích cho người sử dụng đất.
Đặc biệt, các thửa đất nằm ngoài phạm vi 200m từ các tuyến đường phố có tên trong bảng giá sẽ áp dụng mức giá giảm tương ứng với quy định về khoảng cách. Việc gia hạn và điều chỉnh bảng giá đất lần này, nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, đây cũng là bước đệm quan trọng để Thành phố chuẩn bị cho việc xây dựng bảng giá đất mới trong giai đoạn 2026-2030, phù hợp với Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ năm 2024.