Bản tin Tiêu dùng: Dâu tây giá cao ngất ngưởng
Những trái dâu tây chín đỏ, căng mọng đang được bán với giá cao ngất ngưởng, có loại lên tới 1 triệu đồng/kg.
Thủ phủ cam Hà Tĩnh vào vụ thu hoạch
Dịp này trên các vườn đồi cam ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) người nông dân đang tất bật thu hoạch quả sau thời gian dài chăm bón. Theo nhiều người trồng cam, năm nay cam được giá, được thương lái thu mua ngay tại vườn nên nông dân rất phấn khởi.
Huyện Vũ Quang được xem là thủ phủ trồng cam của tỉnh. Toàn huyện có gần 2.300 ha cam, trong đó gần 1.700 ha đang cho thu hoạch.
Nhiều hộ dân trồng cam theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học vừa giảm được chi phí đầu tư còn cho quả đẹp, ngon và sạch nên được nhiều khách hàng đặt mua. Hiện tại cam được thương lái thu mua từ 30- 60.000 đồng/kg. Cùng với việc sản phẩm đã tiếp cận một số thị trường lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… nên sức tiêu thụ được mở rộng, giá cam tăng cao hơn so với các năm trước
Dâu tây giá cao ngất ngưởng
Khoảng 2 tuần nay, dâu tây hay còn gọi là dâu hana trồng ở Sơn La “phủ sóng” khắp các chợ online lớn nhỏ. Loại quả chín đỏ, căng mọng này có giá khá đắt đỏ so với mặt bằng giá trái cây trên thị trường hiện nay.
Theo đó, các loại dâu tây Sơn La có giá phổ biến từ 300.000-500.000 đồng/kg tuỳ kích cỡ. Với hàng loại A có giá 600.000-750.000 đồng/kg, loại dâu đặc biệt giá gần 1 triệu đồng/kg.
Hiện dâu hana ở các vườn mới chỉ chín điểm nên các thương lái phải xếp hàng chờ mua. Số lượng dâu tây chín sẽ tăng dần theo ngày, giá cũng hạ nhiệt khi nguồn cung dồi dào.
Giá cà phê tăng nhẹ
Theo khảo sát giacaphe.com ngày 28/11, giá cà phê tăng 200 đồng/kg.
Cụ thể, các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 57.900 - 58.700 đồng/kg.
Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 57.900 đồng/kg. Tiếp đến là Gia Lai với 58.400 đồng/kg.
Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 58.500 đồng/kg.
Tỉnh Đắk Lắk giao dịch ở mức 58.700 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương.
Xuất khẩu cá tra sang khối CPTPP tăng trưởng dương trong tháng 10/2023
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết 10 tháng năm 2023, xuất khẩu cá tra sang khối CPTPP đạt hơn 200 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 13% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Riêng trong tháng 10, xuất khẩu cá tra sang khối CPTPP đạt hơn 23 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là tháng đầu tiên xuất khẩu cá tra sang thị trường này tăng trưởng dương, sau 9 tháng sụt giảm.
Mức tăng trưởng chung trong tháng 10 được đóng góp chủ yếu từ hai thị trường thành viên là Mexico và Canada.
Trong tháng 10, Mexico là thành viên dẫn đầu trong khối CPTPP về tiêu thụ cá tra Việt Nam, với hơn 7 triệu USD, mức cao nhất kể từ đầu năm, tăng 10% so với tháng 10/2022.
Tính chung 10 tháng năm 2023, Mexico chủ yếu mua từ Việt Nam các sản phẩm cá tra phile đông lạnh mã HS 0304, chiếm đến 93% tỷ trọng, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài Mexico, Canada cũng là quốc gia có tăng trưởng ấn tượng trong tháng 10 về nhập khẩu cá tra Việt Nam, kim ngạch đạt 4 triệu USD cá tra, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tôm Việt Nam xuất khẩu tới khoảng 100 quốc gia
Theo lãnh đạo Cục Thủy sản, giai đoạn 2010-2023, Việt Nam có diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 644.000 -737.000 ha, xuất khẩu tôm đến khoảng 100 quốc gia với 5 thị trưởng lớn như: hâu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc Hàn Quốc... Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.
Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam vẫn còn một số khó khăn nhất định như, hộ nuôi ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ còn thấp (đạt 18,9% tổng diện tích thả nuôi), chưa chủ động nguồn giống (phụ thuộc nguồn tự nhiên), liên kết trong chuỗi sản xuất tôm còn lỏng lẻo và giá thành sản xuất cao, năng lực cạnh tranh thấp.