Cần xây dựng cơ sở dữ liệu về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên sàn thương mại điện tử
Để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… tràn lan trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) cần phải quy trách nhiệm đối với các chủ sàn, chủ website TMĐT và xây dựng cơ sở dữ liệu về chống hàng giả nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Số liệu từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho thấy, trong 10 tháng năm 2023, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới còn diễn biến phức tạp, nhất là đối với mặt hàng lợn, đường cát, thuốc lá điếu, hàng điện tử đã qua sử dụng...
Đặc biệt, trong 10 tháng qua, vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục gia tăng; nhiều chủ thể quyền các nhãn hiệu lớn ở các nước như: Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Ý... đã có buổi làm việc, phản ánh với Tổng cục QLTT về việc hàng nhái thương hiệu của họ bày bán công khai trên các sàn TMĐT Lazada, Shopee, TikTok, qua đó các đơn vị cũng đã đề xuất các phương án hợp tác trong phòng, chống và ngăn chặn các hành vi phạm.
Cũng trong 10 tháng năm 2023, lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra 62.338 vụ việc, xử lý 44.554 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 410 tỉ đồng.
Trước thực trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ “bùng nổ” như hiện nay, đặc biệt là trên không gian mạng, lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc ngăn chặn, xử lý nghiêm nhiều đối tượng vi phạm.
Hiện có rất nhiều hình thức vi phạm liên quan đến TMĐT, điển hình là bán hàng giả, hàng nhái của các nhãn hàng lớn. Các loại hàng giả chủ yếu là: Túi, ví, dây lưng, đồng hồ, quần áo, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm...Các sản phẩm này chủ yếu được sản xuất tại nước ngoài nhập lậu về Việt Nam.
Theo đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương), các mặt hàng bị làm giả, làm nhái trên TMĐT rất đa dạng và khó phát hiện, do hình ảnh và thông tin sản phẩm cung cấp trên các trang bán hàng là thật. Người bán hàng lại thường không có kho hàng, chỉ bán online, làm cộng tác viên trung gian... nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, xử lý.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng khẳng định, hàng giả, hàng vi phạm trên mạng “có từ gói thuốc lào đến bao diêm Thống Nhất”. Cơ quan quản lý biết là hàng hóa vi phạm nhưng để xử lý thì không dễ dàng.
Theo đại diện Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, nguồn hàng vũ khí, công cụ hỗ trợ được rao bán trên mạng chủ yếu nhập lậu từ các cửa khẩu như: Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan. Các đối tượng bán hàng thường vận chuyển hàng hóa vi phạm qua xe khách liên tỉnh, giao hàng tiết kiệm, Grab… không ghi địa chỉ người gửi; khai báo không đúng hàng hóa gửi để "qua mặt" lực lượng chức năng. Ngoài ra, dịch vụ làm giấy tờ giả; lôi kéo người dân tham gia đầu tư tài chính, đầu tư ngoại hối với hứa hẹn lãi suất cao, lợi nhuận lớn tại các vùng quê; buôn bán dược phẩm, thực phẩm chức năng; quảng cáo mua bán bóng cười, nước vui, cần sa, ma túy, qua mạng đã xuất hiện.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng, để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên các sàn TMĐT, thì phải coi mạng xã hội, các sàn TMĐT là một trận địa, không gian ảo cũng như đời thật để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới QLTT các địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm.
Mặt khác, các sàn TMĐT, mạng xã hội là không gian vô cùng rộng lớn, xuyên biên giới, do vậy, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống hàng giả trên không gian mạng. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bên cạnh đó, cần quy trách nhiệm đối với chủ sàn, chủ website trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng liên thông giữa các bộ, ngành để kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu nhằm phát hiện sớm, đấu tranh ngăn chặn.
Tiến Hoàng