Bạc Liêu: Vì sao dự án đầu tư hàng trăm tỷ đồng không thể hoạt động?
Theo lý giải của địa phương, do vướng tên gọi nên hơn 5 năm qua, dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu không thể hoạt động. Nhiều nhà đầu tư đến thuê đất, nhưng lại ra đi tìm nơi khác.
Khu công nghệ cao thành khu… “trầm ê”
Ngày 12/4, chúng tôi tìm đến “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu”, tọa lạc tại xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu. Khu trụ sở hoàn thành, nhiều hạng mục đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, khu vắng lặng không bóng người.
Một nhân viên giải thích, từ khi thành lập đến nay có hoạt động ngày nào đâu. Nhà đầu tư tìm đến rồi đi do vướng thủ tục. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu được thành lập theo Quyết định số 694/QĐ TTg, ngày 24/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Dự án được triển khai trên diện tích gần 420ha, thuộc địa bàn xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Tổng vốn đầu tư gần 370 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo địa phương, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu đã hoàn thành giai đoạn 1 gồm các hạng mục: Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao, trụ sở điều hành, trung tâm kiểm nghiệm, khu xử lý nước thải, kênh cấp nước và kênh thải…với vốn đầu tư 175 tỷ đồng.
Hiện đang triển khai đầu tư giai đoạn 2 bằng nguồn vốn từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với tổng mức đầu tư của dự án trên 194 tỷ đồng gồm: Nhà quản lý, điều hành; nhà kiểm nghiệm; nhà nghiên cứu khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; khu xử lý nước thải tập trung; hạ tầng giao thông và các công trình hạ tầng khác…
Tháng 10/2023, các hạng mục Nhà quản lý, điều hành; nhà kiểm nghiệm; nhà nghiên cứu khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; khu xử lý nước thải tập trung; hạ tầng giao thông…hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ngay sau khi thành lập, khu nông nghiệp công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu có 30 doanh nghiệp đăng ký đầu tư với số vốn đăng ký trên 2.600 tỷ đồng. Hiện tại, Hội đồng tuyển chọn được 9 doanh nghiệp, nhưng tất cả đều không thể hoạt động vì vướng thủ tục.
Theo Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, các đơn vị hầu hết đầu tư vào các phân đoạn trong chuỗi giá trị ngành Tôm như: Tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn tôm, nuôi tôm theo nhiều mô hình, chế biến tôm, các ngành công nghiệp bổ trợ cho ngành tôm (lọc, xử lý nước, bạt lót đáy ao, nhà màng, men vi sinh, chế phẩm sinh học…); kiểm định, xét nghiệm...
Vướng do… tên gọi
Theo Quyết định 694/QĐ-TTg thành lập của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/5/2017 tại khoản 1 Điều 3 có nêu: “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu là khu công nghệ cao tập trung thực hiện hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào ngành Tôm”. Trong khi đó, Công văn số 7448 năm 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường lại nêu: “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu không phải là khu công nghệ cao”.
Mặt khác, điểm b khoản 2 Điều 7 của Quyết định số 694 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ chỉ ra “Được giao đất để tổ chức xây dựng, phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bạc Liêu theo quy hoạch được phê duyệt, cho thuê đất cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Trong khi đó, khoản 2 Điều 173 của Luật Đất đai năm 2013 “Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất”.
Nhằm thu hút các doanh nghiệp vào khu nông nghiệp công nghệ cao này, tỉnh Bạc Liêu cho phép một số đơn vị thuê đất. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai thực hiện, theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước khu vực V, việc Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu quyết định cho các tổ chức kinh tế thuê đất; tính tiền thuê đất và quyết định miễn, giảm tiền thuê đất trong khu là chưa phù hợp.
Trả lời với báo chí, ông Nguyễn Bình Thuận, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu cho biết, dự án được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng, căn cứ theo Luật Công nghệ cao năm 2008. Tuy nhiên, khi lập thủ tục đất đai, Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định về đất cho khu kinh tế, khu công nghiệp và khu công nghệ cao (đất phi nông nghiệp). Trong khi đó, khu công nghệ cao của Bạc Liêu lại là đất nông nghiệp. Do đó, Sở đã tham mưu UBND tỉnh Bạc Liêu xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn. Sau nhiều lần họp bàn tháo gỡ, phải đến tháng 9/2023, Bộ Tài Nguyên và Môi trường mới có văn bản cho dự án này áp dụng là đất khu công nghệ cao (đất công nghiệp).
Tuy nhiên, thời điểm này, theo Quyết định phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất của Chính phủ thì Bạc Liêu không có khu nghệ cao. Do đó, tỉnh lại phải làm văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu Chính phủ phân bổ đất công nghệ cao cho tỉnh, để tỉnh có cơ sở đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố Bạc Liêu. Vì căn cứ giao đất phải theo quy hoạch sử dụng đất. Theo ông Thuận, tới nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa có ý kiến, dù tỉnh đã có nhiều văn bản đề nghị “gỡ vướng”.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, trước đây, tỉnh chọn được 9 doanh nghiệp vào cho thuê đất tại Khu nông nghiệp công nghệ cao này. Tuy nhiên, tỉnh bị cơ quan kiểm toán “tuýt còi” vì không có căn cứ pháp lý để cho thuê đất.
Chỉ vì cái tên gọi mà hơn 5 năm qua, dự án vẫn chưa được gỡ vướng thì liệu có lãng phí một công trình xây dựng bằng tiền thuế của người dân?