Xuất khẩu Việt Nam giữ đà tăng trưởng cao sang thị trường Singapore 9 tháng đầu năm 2024
Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, theo số liệu thống kê của Cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore, trong tháng 9/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của Singapore với thế giới đạt gần 103,9 tỷ SGD, tăng 0,48% so với cùng kỳ năm 2023,
Trong đó xuất khẩu (XK) đạt hơn 54,5 tỷ SGD, tăng 0,14% và nhập khẩu (NK) hơn 49,7 tỷ SGD, tăng 0.85%.
Trong kim ngạch hàng XK, hàng hoá có xuất xứ từ Singapore đạt hơn 22,2 tỷ SGD (giảm 3,84%) và hàng hoá có xuất xứ từ nước thứ 3 đạt hơn 32,3 tỷ SGD (tăng 3,08%), chiếm lần lượt 40,73% và 59,27% tổng kim ngạch XK của Singapore.
Tính chung cả 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch XNK của Singapore với thế giới đạt gần 953,15 tỷ SGD, tăng 6,73% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó XK hơn 500,2 tỷ SGD (tăng 5,91%) và NK hơn 452,93 tỷ SGD (tăng 7,64%).
Trong 9 tháng đầu năm 2024 (so với cùng kỳ 2023), kim ngạch XNK giữa Singapore với phần lớn các đối tác lớn nhất (12/15 đối tác) tăng trưởng dương, một số đối tác có kim ngạch tăng mạnh như Đài Loan (tăng 21,48%); Hong Kong (tăng 10,79%), Thái Lan (tăng 10,82%)… Trung Quốc, Malaysia, Mỹ và Đài Loan là 4 đối tác thương mại lớn nhất của Singapore với tổng kim ngạch thương mại lần lượt là: 125,5 tỷ SGD; 103,97 tỷ SGD; 98 tỷ SGD và 84 tỷ SGD.
Sau 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam giữ vị trí là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Singapore, với kim ngạch thương mại hai chiều hơn 23,2 tỷ SGD, tăng 6,83%.
Về nhập khẩu, trong 9 tháng đầu năm 2024, các thị trường nhập khẩu chính của Singapore là Đài Loan, Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản... Việt Nam hiện đứng thứ 18 trong số các đối tác nhập khẩu lớn nhất của Singapore. 11/20 đối tác nhập khẩu của Singapore có kim ngạch NK tăng trưởng dương, một số đối tác có mức tăng cao như Đài Loan (tăng 26,21%); Australia (33,16%); Ấn Độ (24,14%).... Đài Loan tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch hơn 61,1 tỷ SGD, tăng 26,21%. Tiếp theo sau là Mỹ (thứ 2) và Trung Quốc (thứ 3) với kim ngạch lần lượt là 55,8 tỷ SGD (tăng 9,89%) và 55,62 tỷ SGD (giảm 3,24%). Việt Nam là thị trường nhập khẩu lớn thứ 18 của Singapore với kim ngạch hơn 6,28 tỷ SGD (tăng 31,55%).
Về xuất khẩu, trong 9 tháng đầu năm 2024, các thị trường xuất khẩu chính của Singapore là Trung Quốc, Hong Kong, Malaysia với kim ngạch lần lượt đạt kim ngạch 69,9 tỷ SGD (tăng 9.62%), 53,38 tỷ SGD (tăng 9,59%) và 53,13 tỷ SGD (tăng 18,57%)…Việt Nam là thị trường xuất khẩu thứ 10 của Singapore với kim ngạch hơn 16,96 tỷ SGD (giảm 0,11%).
Về tổng quan cán cân XNK Việt Nam – Singapore, trong tháng 9/2024, tổng kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 2,19 tỷ SGD, giảm 6,11% so với cùng kỳ năm 2023, XK từ Việt Nam sang Singapore vẫn giữ được mức tăng trưởng cao (35,23%) với giá trị 694,4 triệu SGD, trong khi đó kim ngạch NK giảm mạnh ở mức 17,75%, đạt gần 1,5 tỷ SGD.
Trong cơ cấu hàng hoá từ Singapore xuất sang Việt Nam, hàng hoá có xuất xứ Singapore giảm 9,01%, đạt hơn 433,6 triệu SGD; hàng hoá từ nước 3 qua Singapore xuất sang Việt Nam (chiếm 71% kim ngạch XK) giảm 20,84% đạt hơn 1,06 tỷ SGD. Mặc dù mức thâm hụt giữa NK và XK gần 805 triệu SGD, song nếu chỉ tính riêng cán cân thương mại giữa hàng hóa Việt Nam và hàng hóa có xuất xứ Singapore thì Việt Nam xuất siêu gần 260,76 triệu SGD.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch XNK hai chiều giữa Việt Nam và Singapore đạt gần 23,24 tỷ SGD, tăng 6,83 % so với cùng kỳ năm 2023, trong đó XK tăng mạnh ở mức 31,55%, đạt gần 6,28 tỷ SGD và NK hơn 16,96 tỷ SGD, giảm 0,11%.
Xét về xuất xứ hàng hóa, thì hàng tạm nhập tái xuất qua Singapore vào Việt Nam chiếm gần 70,17% tổng kim ngạch hàng XK từ Singapore vào Việt Nam, tương đương 10,84 tỷ SGD. Trong khi đó, nếu tính riêng hàng hóa có xuất xứ từ Singapore, thì Việt Nam xuất siêu khoảng 1,22 tỷ SGD.
Về nhóm ngành hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore, Trong tháng 9/2024, cả 3 nhóm hàng XK chủ lực của Việt Nam sang Singapore tiếp tục tăng rất mạnh, thậm chí đột biến, cụ thể: nhóm Máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại (tăng 18,54%); Lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên (tăng 160%); Xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ (tăng 962%). Một số nhóm ngành XK khác cũng có mức tăng trưởng rất mạnh như: Hoá chất vô cơ; các hợp chất vô cơ hay hữu cơ của kim loại quý, kim loại đất hiếm, các nguyên tố phóng xạ hoặc các chất đồng vị (tăng hơn 17,7 lần); Máy quang học, dụng cụ đo lường, thiết bị y tế, đồng hồ, nhạc cụ và phụ kiện các loại (tăng hơn 105%)... Ở chiều ngược lại, một số nhóm có mức sụt giảm khá mạnh là Xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ (giảm 71,1%); Dầu thực động vật, chất béo (giảm 56,41%)…
Về nhóm ngành hàng nhập khẩu từ Singapore vào Việt Nam, mặc dù chứng kiến sự tăng mạnh của một số nhóm như Chì và các sản phẩm làm bằng chì (tăng gần 47 lần), Xe cộ và các thiết bị vận tải ngoại trừ xe chạy trên đường ray (tăng 1,18 lần); tuy nhiên sự sụt giảm mạnh của cả 3 nhóm nhập khẩu chủ lực là Máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại (giảm 28,36%); nhóm Lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên (giảm 3,29%); và nhóm Xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ (giảm 41,52%) là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm tổng kim ngạch nhập khẩu từ Singapore vào Việt Nam trong tháng 9.
Thông báo của Bộ Công nghiệp và Thương mại Singapore, nền kinh tế nước này trong quý 3 năm 2024 ước tính tăng trưởng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023, (tiếp nối mức tăng 2,9% trong quý 2). Mức tăng trưởng GDP cao này đạt được do các khu vực kinh tế thành phần đều tăng, cụ thể: lĩnh vực sản xuất tăng trưởng 6,6%, trong khi khu vực dịch vụ cũng đạt mức tăng trưởng 3,3%.
Theo ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore, tình hình thương mại trong tháng 9/2024 của Singapore với thế giới vẫn duy trì sự hồi phục tích cực khi cả 3 chỉ tiêu tổng kim ngạch 2 chiều và kim ngạch XK, NK đều tăng trưởng dương, tuy nhiên mức tăng đã chậm lại (lần lượt là 0,48%, 0,14% và 0,85%).
Kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore trong tháng 9/2024 tiếp tục mạch tăng trưởng tích cực (tăng 35,23%), qua đó giữ vững tốc độ tăng trưởng cao 9 tháng đầu năm 2024 ở 31,55% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, tháng 9 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhập khẩu từ Singapore vào Việt Nam ở ba nhóm ngành hàng quan trọng: Máy móc, thiết bị, điện thoại di dộng, linh kiện và phụ tùng các loại (HS 85) giảm 28,36%; Lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên (HS 84) giảm 3,29%; Xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ (HS 27) giảm 41.52% so với cùng kỳ năm 2023,… Đây là dấu hiệu cần quan tâm về tình hình sản xuất công nghiệp trong nước, nhất là khối doanh nghiệp FDI trong thời gian tới.
Trong thời gian tới, Thương vụ sẽ tiếp tục cập nhật tình hình, cơ chế, chính sách của địa bàn; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối giao thương, trưng bày hàng hóa, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm, tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại địa bàn; hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Singapore; hỗ trợ các đoàn công tác từ Singapore vào Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng, xúc tiến đầu tư công nghiệp, thương mại và dịch vụ vào Việt Nam, cụ thể: đoàn xúc tiến ngành hàng nuôi trồng thủy hải sản, đoàn xúc tiến các sản phẩm thịt và trứng gà trong tháng 10 và tháng 11 năm 2024.