Xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Nhật Bản tăng mạnh
Mặc dù không tránh khỏi tăng trưởng âm trong xu hướng sụt giảm chung của xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhưng so với các sản phẩm thủy sản chính xuất khẩu khác của Việt Nam, giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc vẫn ghi nhận mức giảm nhẹ hơn.
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam từ đầu năm tính tới 15/7/2023 đạt 318 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù không tránh khỏi tăng trưởng âm trong xu hướng sụt giảm chung của xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhưng so với các sản phẩm thủy sản chính xuất khẩu khác của Việt Nam, giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc vẫn ghi nhận mức giảm nhẹ hơn.
Riêng tháng 6/2023, xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt hơn 51 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ. xuất khẩu mực, bạch tuộc giảm mạnh ở các thị trường chính như Hàn Quốc, Trung Quốc, EU. Xuất khẩu sang một số thị trường châu Á ghi nhận tăng trưởng dương như Thái Lan, Đài Loan, Philippines.
Quý 2/2023, xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt gần 154 triệu USD, giảm 18% so với cùng kỳ. Xuất khẩu mực, bạch tuộc trong quý 2 năm nay ghi nhận mức giảm mạnh hơn so với quý 1. Trong 3 tháng của quý 2 năm nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc liên tục tăng trưởng âm và tháng 6 ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất.
Nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu và chi phí đầu vào
Theo nhận định của bà Kim Thu- chuyên gia thị trường tại VASEP, tác động của lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu, người dân thắt chặt chi tiêu khiến nhu cầu nhập khẩu mực, bạch tuộc từ các thị trường tiêu thụ lớn trên thế giới sụt giảm.
Các DN xuất khẩu mực, bạch tuộc tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu và chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao. Xung đột Nga-Ukraine làm xáo trộn thương mại toàn cầu, giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí cho các chuyến biển của bà con ngư dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thẻ vàng IUU chưa được gỡ bỏ vẫn là thách thức cho hoạt động xuất khẩu mực, bạch tuộc.
Trong cơ cấu các sản phẩm mực, bạch tuộc xuất khẩu, mực chiếm 57,5%, còn lại bạch tuộc chiếm 42,5%. Hai quý đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu mực giảm 13%, xuất khẩu bạch tuộc giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022.
Bạch tuộc khô/muối/sống/tươi/đông lạnh là sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất 34% trong cơ cấu các sản phẩm mực, bạch tuộc xuất khẩu. Đây cũng là nhóm hàng mực, bạch tuộc ghi nhận mức giảm sâu nhất trong nửa đầu năm nay, giảm 21% đạt 99 triệu USD.
Trong số các sản phẩm mực, bạch tuộc xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ bạch tuộc chế biến ghi nhận tăng nhẹ 2%, các sản phẩm mực, bạch tuộc còn lại đều giảm từ 8%-21% so với cùng kỳ.
Sáu tháng đầu năm 2023, các sản phẩm mực, bạch tuộc của Việt Nam được xuất khẩu sang 48 thị trường, so với 53 thị trường so với cùng kỳ năm 2022.
Top 10 thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc&HK, Italy, Mỹ, Malaysia, Đài Loan, Tây Ban Nha, Philippines, Pháp và Australia, chiếm 95% tổng xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam.
Nửa đầu năm 2023, trong cơ cấu các thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc chính của Việt Nam, tỷ trọng thị trường Thái Lan, CPTPP tăng nhẹ, tỷ trọng thị trường Hàn Quốc, EU, Trung Quốc &HK giảm.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan là 3 thị trường nhập khẩu mực lớn nhất của Việt Nam, lần lượt chiếm tỷ trọng 24%, 18% và 17%. Xuất khẩu mực sang Nhật Bản trong nửa đầu năm 2023 tăng 10% trong khi xuất khẩu mực sang Hàn Quốc giảm 4%.
Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc&HK là 3 thị trường nhập khẩu bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, lần lượt chiếm tỷ trọng 57%, 30% và 3%. Xuất khẩu bạch tuộc sang 3 thị trường này đều tăng trưởng dương trong 2 quý đầu năm 2023 trong đó xuất khẩu bạch tuộc sang Hàn Quốc và Trung Quốc&HK tăng lần lượt 23% và 44%, xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 4%.
Nhật Bản là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc đơn lẻ lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 19%. Trong top 4 thị trường nhập khẩu lớn nhất mực, bạch tuộc của Việt Nam, xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang Nhật Bản có tín hiệu tích cực nhất. 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật Bản tăng 3% đạt 77 triệu USD.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc năm 2023 dự kiến tăng khoảng 15%
Mức tăng trưởng dương được dự báo cho xuất khẩu mực, bạch tuộc trong năm 2023 là do vẫn giữ được nhu cầu ổn định từ thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, VASEP cho rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa có hồi kết, sẽ tiếp tục ảnh hưởng làm giảm sản lượng khai thác nội địa của Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như sản lượng tại các nguồn cung cấp chính cho 2 thị trường này như Morocco, Peru trong năm 2023.
Thông tư 06/2022 của Bộ NN và PTNT bỏ kiểm dịch đối với thủy sản đông lạnh nhập khẩu để gia công, chế biến SXXK sẽ tiếp tục giúp cho các DN mực, bạch tuộc đa dạng nguồn nguyên liệu trong năm 2023. Các sản phẩm mực, bạch tuộc chế biến ăn liền, tiện lợi với giá phải chăng của Việt Nam sẽ tiếp tục được ưa chuộng trong bối cảnh người tiêu dùng thế giới tiếp tục đối mặt với lạm phát và nền kinh tế đình trệ trong năm 2023.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mực, bạch tuộc trong năm 2023 dự báo không cao như năm 2022 (với mức tăng 25%) do DN tiếp tục phải đối mặt với thách thức về nguồn nguyên liệu và chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao, ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine làm xáo trộn thương mại toàn cầu, giá xăng dầu tăng cao, thẻ vàng IUU chưa được gỡ bỏ và lạm phát toàn cầu.
Trung Anh