WB: Mất điện khiến kinh tế Việt Nam thiệt hại 1,4 tỷ USD
Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) ước tính sơ bộ phí tổn thất kinh tế của các đợt mất điện vào tháng 5-6 vừa qua khiến Việt Nam thiệt hại khoảng 1,4 tỷ USD (tương đương 0,3% GDP).
Trong một báo cáo của WB mới đây, cho thấy ngành điện đến nay vẫn tạo thuận lợi cho công cuộc phát triển kinh tế mạnh mẽ và bao trùm ở Việt Nam trong ba thập kỷ qua. Đến cuối năm 2021, 99,8% người dân được tiếp cận điện. Trong giai đoạn 2000-2023, ngành điện có thể phục vụ song song tăng trưởng nhu cầu điện hàng năm ở mức 10%, nhờ tăng công suất điện cao hơn đến 16 lần (5GW trong năm 2000, 81GW trong 2023).
Tuy nhiên, trong tháng 5 và 6 năm 2023, miền Bắc phải chịu cảnh mất điện luân phiên thường xuyên, gây ảnh hưởng đến các hộ gia đình và doanh nghiệp ở quy mô lớn. Trong tháng 5/2023, thiếu hụt nguồn cung để đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh lên đến 5,4GW, theo báo cáo của EVN và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia.
Tình hình được cải thiện trong tháng 6 và đã được giải quyết trong tháng 7 do nguồn nước tăng lên. Thiếu hụt điện trong mùa khô vốn đã diễn ra vào Hè năm 2022, vào thời điểm đó thiếu hụt nguồn cung để đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh rơi vào mức 1,8GW.
Theo báo cáo vận hành của Trung tâm Điều độ điện quốc gia và ước tính của WB, "ước tính sơ bộ cho thấy phí tổn kinh tế của các đợt mất điện vào tháng 5-6 vừa qua rơi vào khoảng 1,4 tỷ USD (tương đương 0,3% GDP)", dựa trên ước tính về nhu cầu chưa được đáp ứng là 36GWh năm 2022 và khoảng 900GWh ước tính cho tháng 5-6/2023.
WB cũng dẫn lại khảo sát ẩn danh do Phòng Thương mại châu Âu và các thành viên thực hiện vào tháng 6/2023 rằng, trong lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp ở miền Bắc cho biết tổn thất về doanh thu lên đến 10%.
Căn cứ vào ước thiếu hụt cung đến tháng 6, nhu cầu năng lượng không được đáp ứng cũng sẽ dẫn đến tổn thất về doanh thu cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ở mức ước khoảng 75 triệu USD.
Theo WB, bất cân đối về cung hiện đang là vấn đề của miền Bắc, nơi nhu cầu đang gia tăng nhanh chóng (10% so với 8,5% trên toàn quốc) và có tính chất mùa vụ, nhất là trong các tháng 5-7. Nguyên nhân do sản xuất điện, đang lệ thuộc vào nguồn thủy điện và điện than, chậm trễ trong đầu tư cho sản xuất và truyền tải điện, trong đó hạn chế về truyền tải gây hạn chế trong việc tiếp cận công suất dư lớn ở miền Nam (khoảng 20 GW).
Thêm vào đó, tác động của El Nino đối với nguồn nước và nhu cầu sử dụng điện, cũng như sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào thủy điện do giá cả nhiên liệu tăng cao, cho thấy nguy cơ dễ tổn thương ngày càng lớn của khu vực đối với tác động của biến đổi khí hậu (nhiệt độ cực đoan và tình trạng bất định gia tăng về điều kiện thủy văn) cũng như rủi ro về giá thương phẩm (cú sốc về giá nhiên liệu toàn cầu).
WB nhìn nhận, vấn đề đặt ra là phải hành động nhanh chóng để giảm nhẹ rủi ro an ninh năng lượng và tổn thất kinh tế trong tương lai. Những can thiệp trong quản lý bên cầu có thể được triển khai ngay để xử lý thiếu hụt điện, chẳng hạn, dịch chuyển phụ tải của các ngành công nghiệp.
Các biện pháp cấp thiết trước mắt như tránh chậm trễ trong lịch biểu vận hành thương mại các nhà máy điện trong năm 2024 và 2025; xử lý nhanh quy trình phê duyệt và triển khai đầu tư về truyền tải; và đa dạng hóa các nguồn cung, chuyển từ cơ cấu năng lượng năm 2025 sang dựa nhiều hơn vào nguồn nhập khẩu trong khu vực.
"Các biện pháp tiết kiệm năng lượng cũng có thể đem lại tác động nếu thiết lập ngay hệ thống theo dõi và chỉ tiêu bắt buộc theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các quy định dưới luật", WB chỉ ra.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, truyền đạt ý chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái liên quan tới kết luận thanh tra của Bộ Công Thương về thực hiện quy định về quản lý và điều hành cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện các nội dung nêu tại kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, đôn đốc xử lý nghiêm vi phạm được phát hiện.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu, Bộ Công Thương có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xử lý sau thanh tra theo quy định pháp luật. Cùng với đó, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo chức năng, thẩm quyền thực hiện kết luận thanh tra.
Diệp Nhung