Việt Nam có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 thế giới
Thị trường nội địa rộng lớn 100 triệu dân với khách du lịch quốc tế ngày càng tăng đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ thịt lợn lớn thứ 6 thế giới.
Tại Hội nghị Triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức sáng 27/7, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam đã được biết đến là quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 về đầu con, thứ 6 về sản lượng thịt so với thế giới.
Trong thời gian qua, tăng trưởng đàn lợn của Việt Nam có sự biến động lớn về tổng đàn và sản lượng. Theo Tổng cục Thống kê, ước tính tổng đàn lợn của cả nước cuối 2022 khoảng 25 triệu con; tính đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2023 tăng khoảng 2,5% so với cùng thời điểm năm 2022. Tốc độ tăng trưởng đàn lợn các tháng năm 2023 thấp hơn năm 2022 ở cùng thời điểm. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 2,3 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, đàn lợn vùng Đông Nam Bộ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước, tăng khoảng 14%, tiếp đến là ĐBSCL khoảng 10%, Tây Nguyên khoảng 9%. Đồng bằng Sông Hồng gần như giữ nguyên số lượng đàn lợn so với năm 2021 khi chỉ tăng 0,5%.
Chăn nuôi lợn cũng đang chuyển dịch mạnh theo xu hướng giảm quy mô nhỏ lẻ ở hộ gia đình, tăng mạnh các quy mô chuyên nghiệp và trang trại lớn. Ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi.
Trong giai đoạn 2019 - 2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15 - 20%. Cùng với đó, sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35 - 40%, các hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 60 - 65%.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước (như Dabaco, Masan, Xuân Thiện, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát...) và các doanh nghiệp FDI (CP, Japfa Comfeed, New Hope, CJ, Sunjin, Emivest...) tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp, hiện đại, tiếp cận theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi khép kín.
Cũng theo ông Dương Tất Thắng, thống kê giai đoạn 2020 - 2023, cơ cấu đàn vật nuôi của Việt Nam được phân bổ, gồm: Chăn nuôi lợn chiếm 60 - 64%; gia cầm 28 - 29%; trâu, bò, dê, cừu chiếm 9%.
Trong khi đó, về cơ cấu sản lượng thịt thế giới giai đoạn này, thịt lợn chiếm 41%, thịt gia cầm 37% và thịt trâu, bò 22%. Như vậy, cơ cấu thịt lợn của Việt Nam cao hơn trung bình chung của thế giới khoảng 20%.
Thông tin về diễn biến ngành chăn nuôi lợn thế giới trong các tháng đầu năm 2023, ông Thắng cho biết, sản lượng giết mổ có dấu hiệu sụt giảm, tồn kho lợn vẫn còn nhiều.
Tổng đàn lợn trên thế giới cuối năm 2023 dự kiến đạt 769,7 triệu con, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, do nhu cầu tái đàn giảm dần và lượng tồn kho thời điểm đầu năm ở mức cao. Sản lượng thịt lợn toàn cầu dự kiến đạt 114,8 triệu tấn, tăng 0,3% so với năm 2022.
Thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn nhất là Trung Quốc
Thông tin về thị trường tiêu thụ, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, Trung Quốc là thị trường có nhu cầu thịt lợn lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ tăng 1,1%, đạt 56 triệu tấn, chiếm 48,8% toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu khoảng 2,3 triệu tấn, tăng 8%.
Trong khi đó, EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất, sản lượng dự kiến 21,7 triệu tấn, giảm 2,8%, xuất khẩu đạt 3,7 triệu tấn, giảm 11,3%. Ông Hòa nhận định, nhu cầu từ Trung Quốc tăng mạnh đã mang lại lợi ích cho các nước xuất khẩu thịt lợn trên thế giới.
Với tiềm năng lớn về thịt lợn, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, Việt Nam đang tìm kiếm hợp tác tại thị trường này
“Việt Nam hiện có 67 nhà máy chế biến quy mô công nghiệp, sản phẩm giá trị gia tăng cao như đồ hộp, hun khói, xúc xích… đạt 15 - 20%; chế biến phụ phẩm sau giết mổ như nước xương, thức ăn chăn nuôi đã được đầu tư. Tuy nhiên, quy mô chế biến chỉ ở mức 1,3 triệu tấn/năm, chiếm 20 - 22% sản lượng sản xuất.
Ông Lê Thanh Hòa đề xuất, cần xác định rõ chính sách để tăng sản lượng, nâng cao chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn các kênh phân phối, tiêu thụ, tổ chức liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, nhập khẩu và hệ thống bán lẻ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu. Đồng thời, cần tổ chức tốt hệ thống phân phối, rút ngắn các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến bán lẻ, giảm các khâu trung gian và kiểm soát thị trường hiệu quả, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Đánh giá ngành chăn nuôi lợn thời gian qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, giá thịt lợn đang tăng lên là tín hiệu vui với nông dân và ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, chăn nuôi lợn vẫn đối diện với nhiều nguy cơ như dịch bệnh bùng phát, các chủng virus cúm và dịch bệnh khác xâm nhiễm, giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao và tình trạng nhập lậu sản phẩm chăn nuôi vẫn diễn ra.
Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị ngành chăn nuôi cần chủ động trước những khó khăn trước diễn biến về dịch bệnh, luồng giá vật tư và giá thực phẩm dự kiến tăng trong 6 tháng cuối năm 2023. Riêng ngành chăn nuôi lợn cần chủ động giải pháp về giống, thức ăn, phương thức nuôi, giải quyết các vấn đề giết mổ, sơ chế, chế biến, nhu cầu thị trường để từng bước chỉ đạo sản xuất tương đối, giúp đảm bảo tăng trưởng và đóng góp của thịt lợn trong giỏ hàng hóa. Đây là giải pháp căn cốt nhất để nâng cao sức tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh cho toàn ngành./.
Dương Định (T/H)