Vì sao trạm dừng nghỉ cao tốc chậm tiến độ?
Chỉ còn 5 tháng nữa là đến hạn hoàn thành, nhưng nhiều trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông vẫn đang chậm tiến độ. Nguyên nhân chính được xác định là do chậm bàn giao mặt bằng và những thay đổi liên quan đến cơ chế, chính sách.
Thay đổi thể chế, trạm dừng nghỉ chậm tiến độ
Hàng loạt các trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông vẫn đang vướng công tác bàn giao giải phóng mặt bằng, có nguy cơ lỡ tiến độ hoàn thành vào cuối năm nay theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng.
Nhà đầu tư ngóng mặt bằng
Ghi nhận thực tế của PV Báo Xây dựng, mặt bằng vẫn là điểm nghẽn lớn nhất tại các dự án trạm dừng nghỉ dọc các tuyến cao tốc từ TP.HCM - Lâm Đồng, Khánh Hòa.
Trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, tại vị trí Km 47+500 (giáp ranh Đồng Nai, Lâm Đồng) hai trạm dừng nghỉ được quy hoạch nằm song song trên cao tốc. Dự án được khởi công từ giữa tháng 10/2024, đưa vào khai thác tạm từ trước tết Âm lịch 2025.

Ghi nhận ngày 15/7 của phóng viên tại trạm dừng nghỉ bên trái tuyến (hướng Đồng Nai đi Lâm Đồng) cho thấy, trạm này đã tạm đóng lối ra vào. Bên trong, nhiều tổ công nhân đang thi công hoàn thiện các hạng mục như nhà điều hành, trạm xăng, bãi đỗ xe. Trong khi đó, trạm bên phải tuyến (hướng Bình Thuận đi Đồng Nai) vừa thi công vừa khai thác tạm thời để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của tài xế.
Theo Ban Điều hành dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, hai trạm dừng nghỉ có tổng diện tích 11,47ha, hiện địa phương mới bàn giao khoảng 6,39ha. Phần còn lại chủ yếu là đất trồng cao su thuộc địa phận huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
Ông Nguyễn Công Hợp, Phó Giám đốc điều hành dự án cho biết: “Ban đang phối hợp với địa phương để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng, đặc biệt là diện tích đất cao su đang gặp nhiều vướng mắc”.
Công ty TNHH Trạm dừng nghỉ Futa (doanh nghiệp dự án) cho hay, sau gần một năm khởi công, tiến độ thi công hai trạm mới đạt hơn 28%. Đến nay, mặt bằng mới được bàn giao 5/11,47ha (khoảng 44%), phần còn lại thuộc phạm vi quản lý của Công ty CP Cao su Đồng Nai.
“Dự kiến đến cuối năm sẽ đưa vào khai thác. Tuy nhiên, nhiều hạng mục thiết yếu như bãi đỗ xe, trạm xăng dầu, trạm sạc xe điện… vẫn chưa được triển khai do thiếu mặt bằng. Chủ đầu tư phải tự bỏ tiền để vận hành tạm, kể cả cung cấp nước cho nhà vệ sinh. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng và địa phương sớm hoàn tất việc bàn giao mặt bằng,” đại diện nhà đầu tư chia sẻ.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại trạm dừng nghỉ Km 725+500 trên cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ (xã Linh Trường, huyện Gio Linh cũ, tỉnh Quảng Trị). Nhà đầu tư là Liên danh Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Công ty Xăng dầu Thừa Thiên - Huế vẫn chưa thể triển khai thi công do vướng công tác giải phóng mặt bằng.
Trạm gồm hai khu nằm hai bên tuyến, với tổng diện tích khoảng 10,86ha. Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, đến nay mới giải phóng được 4,87ha, phần diện tích còn lại vẫn chưa được địa phương bàn giao.
Tại trạm dừng nghỉ Km 36+500 cao tốc Cam Lộ - La Sơn (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng cũ, tỉnh Quảng Trị), dự án hiện cũng chưa thể triển khai. Dù tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, nhưng vẫn còn một số hộ dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường.
Đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan sớm tháo gỡ vướng mắc để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.
Tại Km 33+930 thuộc xã Cam Hiệp (Khánh Hòa), trạm dừng nghỉ trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm mới chỉ có một khu nghỉ chân tạm thời, gồm vài nhà kinh doanh đơn sơ trên nền đất rải cấp phối, bao quanh là cỏ dại.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, mặc dù phần lớn thủ tục thu hồi đất đã hoàn tất theo báo cáo của huyện Cam Lâm, nhưng do vướng quy định mới của Luật Đất đai 2024 về xác định giá bồi thường, công tác thu hồi đất chưa thể hoàn thành.

Khó xử lý nhà đầu tư chậm tiến độ nếu không có mặt bằng
Liên danh Petrolimex (gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Công ty Xăng dầu Thừa Thiên - Huế) cho biết, đối với các trạm dừng nghỉ thuộc giai đoạn 1, đơn vị cam kết sẽ hoàn thành toàn bộ các công trình dịch vụ trước ngày 31/12 năm nay. Hiện, nhà đầu tư đang huy động tối đa nhân lực, thi công cả ngày đêm, kể cả cuối tuần để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Liên quan đến tiến độ chung của hệ thống trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, ông Ngô Lâm, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Tổng số 24 trạm dừng nghỉ dự kiến được đầu tư mới trên toàn tuyến. Đến nay, đã có 19 trạm được ký hợp đồng với nhà đầu tư, 1 trạm đang trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, 1 trạm phải gia hạn thời gian do chưa có nhà đầu tư tham gia và 3 trạm còn lại đang hoàn tất thủ tục đầu tư.
Về tiến độ thực hiện 21 trạm đang được triển khai, ông Lâm cho hay, hiện có 13 trạm đã được bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà đầu tư. 8 trạm còn lại mới chỉ được bàn giao một phần, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, hệ thống giao thông thông minh và trạm dừng nghỉ là các điều kiện bắt buộc phải hoàn thành để triển khai thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư từ ngày 1/1/2026. Không có trạm dừng nghỉ, chủ trương thu phí cao tốc có nguy cơ lỡ tiến độ.
Ông Ngô Lâm, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ VN.
Theo ông Ngô Lâm, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ VN, mặc dù Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản đôn đốc và Cục Đường bộ VN đã phân công các Phó Cục trưởng phụ trách địa bàn trực tiếp làm việc với các địa phương, nhưng đến nay vẫn còn 8 trạm dừng nghỉ chậm được bàn giao mặt bằng. Cụ thể, các trạm này nằm trên các tuyến: Vạn Ninh - Cam Lộ, Cam Lộ - La Sơn, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Km15), Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Đầu tháng 5/2025, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã yêu cầu các chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án (QLDA) phối hợp với các địa phương hoàn thành GPMB cho 11/21 trạm dừng nghỉ còn lại trong tháng 5.
Đến đầu tháng 6, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và Kiên Giang khẩn trương bàn giao mặt bằng trong tháng 6/2025. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 6 tỉnh gồm: Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Đồng Nai chưa hoàn tất công tác GPMB, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ xây dựng các trạm dừng nghỉ.
Ông Lâm cho biết, theo quy định trong hợp đồng, nhà đầu tư phải khởi công trong vòng 30 ngày kể từ khi ký hợp đồng, nếu không sẽ bị xử lý theo quy định. Tuy nhiên, để áp dụng được quy định này, điều kiện tiên quyết là phải có mặt bằng. “Không thể xử lý nhà đầu tư chậm khởi công nếu chưa được bàn giao mặt bằng,” ông Lâm nhấn mạnh.
Về những khó khăn trong công tác GPMB, ông Lâm phân tích: Ban đầu, các trạm dừng nghỉ chỉ được giải phóng khoảng 1ha mỗi bên tuyến, thậm chí một số được thực hiện GPMB đồng thời với quá trình xây dựng cao tốc.
Sau này, khi mở rộng quy mô lên 3 - 5ha mỗi bên, việc thực hiện thủ tục GPMB bổ sung gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh có nhiều thay đổi từ Luật Đất đai 2024. Việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện cũng mất nhiều thời gian, dẫn đến chậm trễ trong triển khai các thủ tục bồi thường và GPMB.
Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều công điện yêu cầu các nhà đầu tư tăng cường nguồn lực, thiết bị, nhân công, vật tư, tổ chức thi công liên tục để đảm bảo hoàn thành toàn bộ công trình dịch vụ công tại 21 trạm dừng nghỉ vào cuối năm 2025.
Cục Đường bộ VN cũng yêu cầu các Ban QLDA phải thường xuyên bám sát hiện trường, phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư và địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, đề nghị các địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan sớm hoàn tất GPMB để các trạm dừng nghỉ có thể được triển khai đúng tiến độ.
“Cục sẽ tăng cường kiểm tra, phối hợp với địa phương và các Ban QLDA để tháo gỡ khó khăn, tổng hợp báo cáo và tham mưu cho lãnh đạo Bộ làm việc với chính quyền các tỉnh, nhằm hoàn thành dứt điểm công tác GPMB trong tháng 7/2025,” ông Lâm cho biết.