Từ thách thức đến cơ hội: Làm thế nào để kinh tế tuần hoàn nông nghiệp phát huy tiềm năng?
Kinh tế tuần hoàn đang được xem là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình này không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh nước ta vẫn đang phụ thuộc nhiều vào các phương thức canh tác truyền thống.
Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế hướng đến tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên nhằm kéo dài vòng đời của nguyên liệu và giảm thiểu phát thải, bằng cách tái chế và tái sử dụng. Theo Ủy ban châu Âu, kinh tế tuần hoàn duy trì giá trị của sản phẩm và nguyên liệu càng lâu càng tốt, đồng thời giảm lượng chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất và tiêu dùng. Đây được xem là giải pháp giúp chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính - chỉ tập trung vào sản xuất và tiêu dùng rồi bỏ đi sang một hệ thống bền vững hơn.
Trong nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn được coi là đặc biệt khả thi. Các chuyên gia như Heshmati (2017) và Jun & Xiang (2011) nhấn mạnh rằng việc tái sử dụng phế phẩm, như phụ phẩm cây trồng hoặc chất thải chăn nuôi, làm nguyên liệu cho các chu kỳ sản xuất khác sẽ giúp tối ưu hóa đầu vào và giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến môi trường. Nông nghiệp tuần hoàn hướng đến mô hình sản xuất khép kín, nơi mà chất thải từ hoạt động này trở thành nguyên liệu cho hoạt động khác, đồng thời giảm lượng khí thải và ô nhiễm.
Khó khăn trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trên các phương diện thể chế, hạ tầng, nhận thức và nguồn lực. Dù xu hướng này được khuyến khích nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, quá trình thực hiện không hề đơn giản.
Dù đã có những bước đầu trong việc xây dựng khung pháp lý, các chính sách cụ thể liên quan đến kinh tế tuần hoàn vẫn chưa đồng bộ. Hệ thống văn bản pháp lý còn phân tán và thiếu tính khả thi để thúc đẩy các mô hình tuần hoàn trong sản xuất và tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp, địa phương và nhất là nông dân vẫn nhận thức mơ hồ, chưa đầy đủ về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, khó khăn trong việc hiểu và áp dụng đúng quy định liên quan.
Các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự coi trọng kinh tế tuần hoàn vì vẫn quen với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống. Về cơ bản vẫn chủ yếu chú trọng đến gia tăng sản lượng thông qua gia tăng đầu vào. Vì vậy, trong sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, sử dụng chất kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ, nên chưa tạo ra động lực để áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
Nhiều vùng nông thôn và các khu vực sản xuất còn thiếu hạ tầng phù hợp để triển khai các quy trình sản xuất theo mô hình tuần hoàn. Các cơ sở tái chế còn nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu và chưa có đủ hệ thống kết nối giữa các ngành để tái sử dụng chất thải từ ngành này làm nguyên liệu cho ngành khác, vẫn chủ yếu quan tâm tới tận thu, tái sử dụng lại phụ phẩm chính trong quá trình sản xuất.Một số địa phương chưa quan tâm đến quản lý chất thải hay đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật đối với các cơ sở sản xuất. Vì vậy, hiện nay mới có khoảng hơn 10% phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm chất đốt tại chỗ, 5% là nhiên liệu công nghiệp, 3% làm thức ăn gia súc, còn hơn 80% chưa được sử dụng và thải trực tiếp ra môi trường hoặc đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường, theo TS Nguyễn Văn Bắc - Phó Trưởng Văn phòng phía Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ.
Thêm vào đó, các dự án kinh tế tuần hoàn đòi hỏi vốn đầu tư lớn và thời gian hoàn vốn dài, điều này gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp. Mặc dù đã có những chương trình hỗ trợ từ chính phủ và tổ chức quốc tế, nhưng chưa đủ để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn. Các ưu đãi về thuế và tín dụng còn ít và chưa hấp dẫn.
Giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp phát triển, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo hình thành hành lang pháp lý minh bạch, ổn định, thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, người dân tham gia. Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo và nâng cao nhận thức cho nông dân bằng cách tổ chức các buổi tập huấn thường xuyên, giúp nông dân hiểu rõ lợi ích của mô hình kinh tế tuần hoàn. Các ví dụ thực tiễn thành công cần được chia sẻ rộng rãi để tạo niềm tin và khuyến khích người dân thay đổi cách canh tác.
Các Bộ, ngành liên quan cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia thực hiện thành công mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, đồng thời, tổng kết và đánh giá các mô hinhg nông nghiệp tuần hoàn đã và đang thực hiện trong nước. Từ đó, xây dựng nên các tiêu chí của kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp để các mô hình này đi nhanh vào cuộc sống.
Nhà nước cần hỗ trơ về vốn, công nghệ, thị trường dành riêng cho nông nghiệp tuần hoàn. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xử lý phụ phẩm tại chỗ, giúp giảm chi phí vận chuyển và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Các doanh nghiệp và hợp tác xã cần phối hợp chặt chẽ với nông dân trong việc thu gom và tái chế phụ phẩm. Ví dụ, nhà máy sản xuất phân hữu cơ có thể hợp tác với trang trại để thu mua phân chuồng và phụ phẩm nông nghiệp.
Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp không chỉ là xu hướng mà còn là giải pháp tất yếu cho tương lai của nền nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để mô hình này được áp dụng rộng rãi và hiệu quả, cần có sự đồng bộ từ nhiều phía: nông dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Bằng cách giải quyết các thách thức về vốn, nhận thức và chuỗi liên kết, kinh tế tuần hoàn sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam.