“Trứng gà giả”: Nỗi lo từ tin đồn giả và thiệt hại thật
Gần đây, thông tin về “trứng gà giả” bất ngờ lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội Việt Nam, gây hoang mang cho người tiêu dùng và thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi gia cầm trong nước.
Thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện các video ghi lại hình ảnh trứng có đặc điểm “lạ” như hai lòng đỏ, lòng trắng sệt như thạch, vỏ bóng bất thường được tung lên mạng, kèm theo những lời khẳng định đó là “trứng giả làm từ cao su”. Dù thiếu chứng cứ khoa học hoặc kiểm định chính thức, những nội dung này vẫn thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, chia sẻ.
Sự lan tỏa chóng mặt của các clip giật gân đã khiến người tiêu dùng hoang mang, nghi ngờ chất lượng trứng trên thị trường. Tâm lý e dè khi mua trứng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu thụ sản phẩm.
Không chỉ dừng ở mức tâm lý, tin đồn còn gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Theo Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, giá thu mua trứng tại nhiều trang trại đã rớt từ mức 1.400 - 1.500 đồng/quả xuống chỉ còn 1.200 - 1.300 đồng, thấp hơn cả giá thành sản xuất.
Tình trạng tiêu thụ đình trệ, hàng hóa ứ đọng khiến nhiều cơ sở kinh doanh và hộ chăn nuôi điêu đứng, đối mặt với thua lỗ và nguy cơ phá sản. Hàng triệu hộ dân gắn bó với nghề chăn nuôi gia cầm đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tin đồn này.

Trước tình trạng này, ngày 17/5/2025, Hiệp hội Gia cầm Việt Nam đã gửi kiến nghị khẩn đến Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị điều tra và xử lý các cá nhân, tổ chức phát tán thông tin sai sự thật. Theo khẳng định của Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam chưa từng có bằng chứng nào cho thấy trứng gà giả được sản xuất và lưu hành tại Việt Nam.
Còn theo các chuyên gia giải thích, những hiện tượng như hai lòng đỏ hay lòng trắng đặc là bình thường, do sinh lý tự nhiên của gia cầm. Việc can thiệp để tạo ra trứng có đặc điểm như vậy là không khả thi về mặt kỹ thuật và kinh tế.
Về góc độ thị trường, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai phân tích: Sản lượng trứng trong nước rất lớn, giá lại thấp. Riêng Đồng Nai cung cấp khoảng 111 triệu quả mỗi tháng. Không ai làm giả một sản phẩm rẻ tiền như trứng để thu lợi.
Để ngăn chặn tác động tiêu cực từ tin đồn, việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng là cấp thiết. Mỗi cá nhân cần chọn lọc thông tin một cách tỉnh táo, chỉ tin tưởng các nguồn uy tín và mua sản phẩm có kiểm định rõ ràng.
Các cơ quan chức năng cũng cần nhanh chóng vào cuộc, điều tra và xử lý nghiêm minh hành vi tung tin sai lệch. Việc này không chỉ giúp trấn an dư luận mà còn bảo vệ ngành chăn nuôi khỏi tổn thất không đáng có.
Bên cạnh đó, vai trò phản biện thông tin của báo chí và truyền thông cần được phát huy. Cung cấp thông tin khoa học, minh bạch về sản phẩm nông nghiệp sẽ giúp người tiêu dùng có cái nhìn đúng đắn, góp phần ổn định thị trường và bảo vệ người nông dân.
Câu chuyện “trứng gà giả” là ví dụ điển hình cho tác động tiêu cực của tin đồn trên mạng xã hội đến đời sống kinh tế - xã hội. Sự thật đã rõ: Trứng gà giả không tồn tại về mặt khoa học và không có động lực kinh tế để làm giả ở Việt Nam. Vấn đề cấp bách hiện nay là sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng để xử lý nguồn gốc tin giả, đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân trên không gian mạng để những tin đồn thất thiệt không còn chỗ đứng, bảo vệ người tiêu dùng và những người nông dân chân chính.
Ngoài ra, trước bối cảnh tin đồn lan tràn và gây hậu quả nghiêm trọng, việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng là vô cùng cần thiết. Mỗi cá nhân cần tỉnh táo, chọn lọc thông tin một cách có trách nhiệm trong thời đại bùng nổ thông tin trên mạng xã hội. Thay vì hoang mang và tin theo những đồn đoán chưa được kiểm chứng, người tiêu dùng nên tìm mua trứng gà và các sản phẩm nông nghiệp khác tại những địa chỉ uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và được chứng nhận an toàn thực phẩm.
P.T (t/h)