0922 281 189 [email protected]
Thứ năm, 27/03/2025 19:48 (GMT+7)

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi hội nhập thương mại điện tử quốc tế

Theo dõi KT&TD trên

Ghi nhận vai trò quan trọng và sự cần thiết của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã tập trung, quan tâm chỉ đạo, ban hành các định hướng, chủ trương, chính sách quan trọng nhằm đảm bảo quyền lợi và nâng cao vị thế của người tiêu dùng trong xã hội.

Việc hoàn thiện chính sách càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh thương mại điện tử nội địa và thương mại điện tử xuyên biên giới đang phát triển mạnh mẽ, nhiều thách thức đặt ra cho công tác bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng trên môi trường mạng.

Ngày 27/3/2025, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam phối hợp với Tạp chí Công Thương tổ chức Toạ đàm trực tuyến “Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam trong tiến trình hội nhập thương mại điện tử quốc tế”.

Toạ đàm diễn ra sau Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng giữa Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương và Đại sứ quán Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland ngày 25/3.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi hội nhập thương mại điện tử quốc tế
Toạ đàm trực tuyến “Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam trong tiến trình hội nhập thương mại điện tử quốc tế”.

Chia sẻ tại toạ đàm, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương cho biết: “Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 là một dấu mốc quan trọng đánh dấu việc hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cùng với Luật, nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành, đặc biệt còn có những văn bản hướng dẫn chuyên sâu đến từng vấn đề trong Luật, như các chương trình về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng yếu thế, quy định đưa ra những danh mục sản phẩm hàng hóa phải đăng ký theo điều kiện hợp đồng mẫu và điều kiện giao dịch chung... Bên cạnh đó, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố cũng đã ban hành chương trình hành động thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với đó là hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, giám sát…”.

Năm 2025, chủ đề Bộ Công thương lựa chọn cho Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam là “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm”. Để lan tỏa thông điệp này, trong tháng 3, Sở Công thương các tỉnh, thành phố đã tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại địa phương, với hàng loạt hoạt động hưởng ứng thiết thực.

Ngoài ra, hoạt động kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng được quy định cụ thể tại luật và các nghị định liên quan mới được ban hành, để bảo đảm bao trùm được các hình thức vi phạm mới xuất hiện, cũng như mang tính răn đe đối với các đối tượng có ý định vi phạm.

Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh, chúng ta đã có một vòng tròn khép kín từ khung pháp lý, tuyên truyền phổ biến, trao đổi thông tin trong khuôn khổ hợp tác quốc tế đến cuối cùng là xử phạt nếu phát hiện hành vi vi phạm. Hy vọng sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực sẽ có thêm nhiều công cụ để có thể bảo vệ tốt quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Tại toạ đàm, ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ban chấp hành Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, tình trạng này xuất phát từ cả hai phía. Cụ thể, các cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên sàn thương mại điện tử thiếu ý thức, vì mưu cầu lợi ích của mình mà sẵn sàng đưa hàng không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lên sàn thương mại điện tử để thu lợi bất chính.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng chưa hiểu biết đầy đủ, không theo kịp những tình hình diễn biến mới xảy ra, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp, cá nhân chuộc lợi dẫn đến kết quả cuối cùng là người tiêu dùng phải hứng chịu những thiệt hại về vật chất và tinh thần, sức khỏe.

Để hỗ trợ người tiêu dùng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các hội thành viên tỉnh, thành phố xác định công tác tuyên truyền, giáo dục cho người tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng, để cung cấp thông tin về những chủ thể, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, giúp người tiêu dùng tránh tình trạng thiếu thông tin, thiếu hiểu biết.

Hội cũng khuyến khích người tiêu dùng hãy trở thành những người tiêu dùng thông thái trong lựa chọn và lắng nghe ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, hay mạnh dạn lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình kể cả trước những dấu hiệu vi phạm nhỏ nhất.

Chia sẻ kinh nghiệm tại Vương quốc Anh, ông Iain Frew - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam cho biết, mỗi tháng, người tiêu dùng chi tới 90 tỷ bảng Anh (khoảng 100 tỷ USD) cho hàng hóa.

Đại sứ Iain Frew phân tích, vấn đề này không chỉ mang tính chất cốt lõi với người tiêu dùng, mà còn rất quan trọng với các doanh nghiệp, bởi khi ấy các doanh nghiệp có một sân chơi bình đẳng để hoạt động, họ hiểu yêu cầu và nhu cầu của người tiêu dùng và họ biết rằng họ phải tuân thủ luật pháp liên quan. Điều này cũng tạo ra một môi trường đầu tư dễ dự đoán và dễ hiểu cho các doanh nghiệp.

Đại sứ Iain Frew cho rằng, sự phát triển của thương mại điện tử đã và đang mang đến một số thách thức cũng như những cơ hội mới, liên quan đến bảo mật dữ liệu, khiếu nại về sản phẩm, lừa đảo trực tuyến... Việc giải quyết tất cả những vấn đề này là hết sức cấp thiết.

Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2024 sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Bạn đang đọc bài viết Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi hội nhập thương mại điện tử quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phát hiện trên 25 tấn vitamin, collagen không rõ chất lượng tuồn vào Bắc Ninh
Chi cục QLTT tỉnh Bắc Ninh vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Ninh đột xuất kiểm tra, phát hiện và thu giữ trên 25 tấn, tương đương với khoảng 200.000 sản phẩm là vitamin, collagen thuộc lĩnh vực thực phẩm BVSK không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.
Startup đồ uống: Làm gì để bứt phá giữa một thị trường bão hòa?
Thị trường đồ uống Việt Nam đang chứng kiến một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Từ những chuỗi cà phê nổi tiếng đến các quán trà sữa đứng góc phố, từ nước ép trái cây tươi đến đồ uống healthy - thị trường dường như đã bão hòa với vô số thương hiệu lớn nhỏ.

Tin mới

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CK và thị trường chứng khoán đối với CTCP Cơ điện lạnh
Ngày 25/4/2025, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 132/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (Công ty) (Địa chỉ: 364 Cộng Hòa, Phường 13, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh).
Phát hiện trên 25 tấn vitamin, collagen không rõ chất lượng tuồn vào Bắc Ninh
Chi cục QLTT tỉnh Bắc Ninh vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Ninh đột xuất kiểm tra, phát hiện và thu giữ trên 25 tấn, tương đương với khoảng 200.000 sản phẩm là vitamin, collagen thuộc lĩnh vực thực phẩm BVSK không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.
Thái Nguyên: Phát hiện, buộc tiêu hủy gần 1 tấn chân gà rút xương, cá nục không đảm bảo chất lượng
Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 4 thuộc Chi cục QLTT tỉnh Thái Nguyên vừa phối hợp với Công an phường Ba Hàng kiểm tra đột xuất 01 cơ sở kinh doanh L.T.H trên địa bàn phường Ba Hàng, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, phát hiện xử lý gần 1 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.