0922 281 189 [email protected]
Thứ tư, 10/04/2024 20:12 (GMT+7)

Triệu Sơn (Thanh Hóa): Khai thác đất trái phép quy mô lớn, ai phải chịu trách nhiệm?

Theo dõi KT&TD trên

Từ thông tin phản ánh của bạn đọc về việc khai thác đất trái phép quy mô lớn, xảy ra tại khu vực dự án trang trại gà xã Thọ Tân, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) và qua ghi nhận thực tế PV Báo điện tử Xây dựng nhận thấy,

Hoạt động khai thác này đã diễn ra công khai trong một thời gian dài với khối lượng đất bị thất thoát rất lớn.

Triệu Sơn (Thanh Hóa): Khai thác đất trái phép quy mô lớn, ai phải chịu trách nhiệm?
Hiện trường khai thác đất trái phép tại khu vực dự án trại gà.

“Đất tặc” hoành hành

Tại hiện trường cho thấy, hành vi khai thác đất trái phép chỉ vừa diễn ra, khu vực khai thác kéo dài tới vài trăm mét. Dọc theo con đường bê tông (từ nhà văn hóa thôn 2 đến khu nghĩa trang) tới khu vực dự án trại gà, cả dãy đồi sừng sững bị đào khoét, khai thác nham nhở, biến dạng. Có điểm phạm vi đào bới, múc đất (theo chiều ngang) từ mép con đường bê tông kéo ra lên tới cả chục mét. Thậm chí có chỗ gần như xóa sổ hẳn cả quả đồi lớn.

Bên trong khu đất thuộc dự án trại gà, chủ khai thác còn “tận thu” bằng cách đào sâu xuống bên dưới, hạ độ cao mặt đồi tới gần 2 mét để lấy đất. Ngoài ra, việc khai thác đất trái phép còn diễn ra tại khu vực bãi rác ngay gần đó, với số lượng không nhỏ. Đáng chú ý, dấu vết để lại tại đây đều còn mới nguyên với những vệt máy xúc, vết bánh xe hằn rõ và màu nâu tươi của đất đồi mới bị xáo trộn…

Triệu Sơn (Thanh Hóa): Khai thác đất trái phép quy mô lớn, ai phải chịu trách nhiệm?
Cả quả đồi lớn tại khu vực dự án trại gà gần như biến mất do khai thác trái phép.

Làm việc với PV, Chủ tịch UBND xã Thọ Tân Lê Đình Thương và Phó Chủ tịch Lương Thanh Tuấn cho biết, tình trạng vi phạm khai thác đất đã diễn ra từ năm 2018. Tiếp đó, năm 2020, chủ thầu thi công lại lợi dụng việc mở rộng đường từ thôn 2 tới khu nghĩa địa xã để khai thác đất trái phép. Sau đó, huyện về kiểm tra, yêu cầu dừng việc thi công và Chủ tịch UBND xã thời điểm đó đã bị xử lý kỷ luật tạm đình chỉ chức vụ 15 ngày để làm rõ trách nhiệm.

Hành vi khai thác đất trái phép vì thế tạm lắng ít lâu, nhưng sau đó lại tái diễn. Ngày 23/12/2023, UBND xã đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính vụ việc. Tiếp đó, ngày 25/01/2024, Chủ tịch UBND xã đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Lê Anh Phương (được cho là người của Công ty TNHH Việt Lào) số tiền 5.000.000 đồng vì hành vi “vi phạm Luật Đất đai: Đã tự ý san múc đất, làm biến dạng thửa đất thuộc quy hoạch trại gà tại một phần thửa đất số 130, tờ bản đồ số 17, bản đồ đo đạc năm 2011. Diện tích vi phạm 450m2, sử dụng sai mục đích được giao. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc ông Phương khôi phục lại hiện trạng của đất trước khi vi phạm”.

Cũng về nội dung này, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Triệu Sơn cho hay, sau khi nắm bắt vụ việc, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra về công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản tại Thọ Tân. Qua kiểm tra, phát hiện một số vi phạm, trong đó có việc khai thác đất trái phép nêu trên. Đoàn đã lập biên bản, yêu cầu UBND xã xử lý nghiêm các vụ việc, tổ chức kiểm tra, rà soát, đo đạc xác định khối lượng đất bị khai thác trái phép, báo cáo về UBND huyện trước ngày 4/4, sau đó gia hạn báo cáo trước 15/4.

Triệu Sơn (Thanh Hóa): Khai thác đất trái phép quy mô lớn, ai phải chịu trách nhiệm?
Cả dãy đồi lớn dọc con đường từ thôn 8 tới khu vực nghĩa địa (giáp ranh khu vực trại gà) đã bị đào bới, lấy đi hàng nghìn m3 đất.

Dự án chưa hoàn thiện pháp lý đã múc đất đem bán, trục lợi?

Theo thông tin PV có được, Dự án trang trại gà Thọ Tân tại xã Thọ Tân, huyện Triệu Sơn, được UBND tỉnh ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (đồng thời chấp thuận nhà đầu tư) ngày 11/10/2023. Chủ đầu tư là Công ty TNHH PR Group Thọ Tân. Mục tiêu đầu tư: Xây dựng trang trại chăn nuôi gà. Diện tích đất thực hiện dự án khoảng 32.138m2. Tại điểm a mục 1 thuộc Điều 2 “Tổ chức thực hiện” của quyết định nêu rõ trách nhiệm của nhà đầu tư là “phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước để thực hiện, hoàn thành các hồ sơ, thủ tục về đầu tư (bao gồm cả thủ tục đảm bảo thực hiện đầu tư), xây dựng, bảo vệ môi trường, sử dụng đất, đấu nối giao thông và các thủ tục khác có liên quan. Trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thỏa thuận theo quy định trước khi thi công xây dựng dự án…”.

Cũng tại Điều 2 thuộc mục 2 điểm a có nêu “giao UBND huyện Triệu Sơn: Chỉ đạo UBND xã Thọ Tân quản lý nguyên trạng, không cho phép thực hiện bất kỳ hoạt động nào trên khu đất (thuộc dự án – PV) khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất”.

Mặc dù quyết định của UBND tỉnh đã có những điều, khoản quy định rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm của chủ đầu tư, của chính quyền huyện, xã. Nhưng theo tìm hiểu của PV, chủ đầu tư chỉ đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý của dự án, nhưng tại khu vực dự án đã diễn ra tình trạng khai thác đất trái phép với quy mô, số lượng lớn.

Theo phản ánh của một số người dân và cán bộ xã Minh Sơn (giáp với xã Thọ Tân), có thời điểm đoàn xe chở đầy đất, từ phía Thọ Tân chạy rầm rập qua các khu dân cư thuộc địa bàn Minh Sơn, vận chuyển đất san lấp phục vụ cho dự án khu đô thị mới tại thị trấn đang được xây dựng hạ tầng.

Một cán bộ xã Minh Sơn cho biết, do xe chở đất chạy trên địa bàn, ông đã có vài lần nhận điện thoại của cấp trên, yêu cầu kiểm tra xem trên phạm vi xã có tình trạng khai thác đất lậu hay không? Ngoài việc bị hiểu lầm, tình trạng xe chở đầy đất không được che chắn kỹ, chạy qua địa bàn khiến bụi, đất vương khắp nơi, gây mất an toàn giao thông, hư hỏng đường và ảnh hưởng vệ sinh môi trường nghiêm trọng.

Theo tìm hiểu của PV, nguồn gốc đất thực hiện dự án trại gà vốn là đất trồng rừng, do ông Lê Đình Phú - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Việt Lào (Công ty Việt Lào), trụ sở tại phố Tô Vĩnh Diện, thị trấn Triệu Sơn mua lại của người dân. Về hồ sơ pháp lý của dự án này, theo thông tin của lãnh đạo xã Thọ Tân, dự án trại gà chỉ mới được UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương, chấp thuận nhà đầu tư, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có quyết định giao đất cũng như các thủ tục, điều kiện cần thiết khác.

Chính quyền địa phương có buông lỏng quản lý?

Như đã nêu ở trên, hành vi khai thác đất trái phép tại Thọ Tân đã diễn ra công khai trong một thời gian dài, chỉ tạm dừng ít lâu khi chính quyền vào cuộc, rồi lại bùng phát trở lại với quy mô lớn, khối lượng đất bị khai thác lên tới vài nghìn m3. Đồng nghĩa với việc đem lại cho “đất tặc” nguồn lợi tới vài tỷ đồng, còn ngân sách Nhà nước thất thu, tài nguyên khoáng sản bị thất thoát và hủy hoại nghiêm trọng.

Đáng chú ý, trước vụ việc này, UBND xã Thọ Tân chỉ vào cuộc một cách “chiếu lệ”, xử phạt kiểu “gãi ngứa” rồi cho qua, không tiếp tục kiểm tra, ngăn chặn khiến cho tài nguyên tiếp tục bị khai thác vô tội vạ.

Triệu Sơn (Thanh Hóa): Khai thác đất trái phép quy mô lớn, ai phải chịu trách nhiệm?
Xe tải chở đất từ hướng xã Tân Thọ qua xã Minh Sơn, theo đường đồi 30 chạy về địa bàn thị trấn Triệu Sơn.

Về phía UBND huyện cũng thiếu sâu sát, không kịp thời xác minh, làm rõ, để cho “đất tặc” tiếp tục lộng hành, coi thường pháp luật. Không những không chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả “khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất”, mà còn tiếp tục đưa xe, máy tới hiện trường để khai thác đất một cách công khai, rầm rộ.

Được biết, Triệu Sơn là vùng bán sơn địa, có trữ lượng đất san lấp dồi dào. Nhiều năm qua, bên cạnh những mỏ đất được cấp phép khai thác đang hoạt động, tình trạng “đất tặc” đã từng diễn ra nhiều lúc, nhiều nơi, có thời điểm kéo dài gây ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, tác động tiêu cực đến môi trường, tình hình an ninh trật tự và thất thu ngân sách Nhà nước…

Về vụ việc trên tại xã Thọ Tân, UBND huyện cần khẩn trương chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan có thẩm quyền vào cuộc, kiểm tra làm rõ những câu hỏi dư luận đặt ra. Công ty Việt Lào và chủ đầu tư dự án trại gà có cùng chủ? Tổ chức, cá nhân nào là thủ phạm khai thác đất trái phép? Tại sao việc khai thác được tổ chức rầm rộ, diễn ra công khai, kéo dài nhưng không được xử lý dứt điểm? Khối lượng đất “khủng” khai thác trái phép đã được đem đi đâu? Có hay không “lợi ích nhóm” trong vụ việc này? Và ai phải chịu trách nhiệm trong vụ “chảy máu” tài nguyên nghiêm trọng này?

Bạn đang đọc bài viết Triệu Sơn (Thanh Hóa): Khai thác đất trái phép quy mô lớn, ai phải chịu trách nhiệm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghệ An: Đầu tư hơn 363 tỷ đồng vào 3 dự án trọng điểm
Tỉnh Nghệ An vừa thông qua Nghị quyết về việc bổ sung hơn 363 tỷ đồng vào kế hoạch đầu tư công năm 2024 từ nguồn ngân sách Trung ương. Quyết định này nhằm triển khai ba dự án trọng điểm, bao gồm cả lĩnh vực y tế, hạ tầng cơ bản và phát triển du lịch.
Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc–Nam với tổng vốn đầu tư khoảng trên 67 tỷ USD sẽ xóa “điểm nghẽn” về vận tải bằng đường sắt vốn đã quá lạc hậu như hiện nay và cũng tạo cơ hội cho các DN Việt Nam từ cơ khí chế tạo, công nghệ đến tài chính tham gia để tự “vươn mình” lớn lên trong kỷ nguyên mới.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến triển khai xây dựng vào năm 2027, hoàn thành vào năm 2035, với chiều dài 1.541km, tốc độ thiết kế 350km/h, dự kiến tổng vốn hơn 67 tỉ USD.
Khám phá lễ hội chè Việt Nam: Nét đẹp văn hóa từ những đồi xanh
Việt Nam không chỉ nổi tiếng với những đồi chè bát ngát mà còn thu hút du khách bởi các lễ hội chè mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương. Những sự kiện này không chỉ tôn vinh người trồng chè mà còn góp phần quảng bá hình ảnh chè Việt trên thị trường quốc tế.

Tin mới

Kim Oanh Group lần thứ hai được vinh danh TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, Kim Oanh Group tiếp tục được xướng tên trong TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024. Đây là lần thứ 2 liên tiếp Kim Oanh Group được Anphabe – đơn vị tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc – trao tặng giải thưởng quan trọng này.
Những loại đồ uống giúp tăng cường miễn dịch khi giao mùa
Thời tiết giao mùa là thời điểm mà hệ miễn dịch của cơ thể thường suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cảm cúm, viêm họng và mệt mỏi. Để bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn này, việc bổ sung các loại đồ uống tăng cường miễn dịch là rất quan trọng.
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ 14/11/2024 - 20/11/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc không đạt kỳ vọng của nhà đầu tư, xung đột tại khu vực Trung Đông vẫn tiếp diễn, xung đột quân sự giữa Nga với Ucraina có dấu hiệu leo thang...
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10, tín dụng đã tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023. Nhiều ngân hàng thương mại đã đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 10%-17% trong 9 tháng đầu năm, tăng cao hơn tín dụng chung toàn ngành.
Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc–Nam với tổng vốn đầu tư khoảng trên 67 tỷ USD sẽ xóa “điểm nghẽn” về vận tải bằng đường sắt vốn đã quá lạc hậu như hiện nay và cũng tạo cơ hội cho các DN Việt Nam từ cơ khí chế tạo, công nghệ đến tài chính tham gia để tự “vươn mình” lớn lên trong kỷ nguyên mới.