Triệu Sơn: Ngang nhiên san lấp, tập kết kinh doanh VLXD trái phép trên 4.000m2 đất nông nghiệp
Mặc dù chưa được sự cho phép của chính quyền nhưng hộ ông Đào Công Nông, thôn Đô Thịnh, xã An Nông (Triệu Sơn, Thanh Hóa) đã tự ý san lấp trái phép, tập kết vật liệu xây dựng và máy móc trên diện tích 4.000m2 đất chuyên trồng lúa nước (LUC).
Trước vi phạm này, chính quyền địa phương lại chỉ tổ chức làm việc và lập biên bản ghi nhận vụ việc.
Căn cứ trên biên bản kiểm tra của UBND xã, có thể thấy chính quyền xã An Nông đã có sự vào cuộc theo cách “chiếu lệ”. Đáng nói hơn, cách diễn đạt, câu từ trong biên bản lại dường như có ý “bật đèn xanh” làm nhẹ hành vi vi phạm một cách ngang nhiên của chủ hộ.
Theo đúng tính chất vụ việc, lẽ ra UBND xã phải lập biên bản kiểm tra vi phạm hành chính, chứ không phải chỉ lập biên kiểm tra. Kèm theo đó, nếu làm hết trách nhiệm và thẩm quyền, sau khi lập biên bản, chính quyền xã phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “san lấp, tập kết vật liệu xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp” của chủ hộ.
Cụ thể, biên bản kiểm tra ngày 4/9/2023 “về việc sử dụng đất của hộ ông Đào Công Nông” giữa UBND xã và đại diện chủ hộ có nội dung tóm tắt như sau: Hộ gia đình ông Nông đang sử dụng thửa đất LUC số 657 và 658, tại bản đồ số 12… Hai thửa đất trên có nguồn gốc nhận chuyển nhượng của các hộ khác, để làm mặt bằng sản xuất mạ khay, phục vụ nhu cầu của gia đình và nhân dân trên địa bàn, diện tích 4.000m2, đất LUC.
Tại vị trí này, gia đình đã phá bỏ ranh giới giữa hai thửa đất, san lấp mặt bằng để sản xuất mạ khay phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, do chưa đến thời vụ nên gia đình đã tự ý đổ đất, cát, gạch làm điểm tập kết tạm thời do gia đình kinh doanh vật liệu xây dựng”.
Theo ý kiến của chủ hộ: “Gia đình đang có nguyện vọng chuyển đổi để tạo mặt bằng, phục vụ sản xuất mạ khay cung ứng cho gần 20ha đất nông nghiệp của nhân dân trong xã. Do chưa đến thời vụ làm mạ nên có tập kết tạm vật liệu xây dựng để làm điểm trung chuyển, do gia đình có công ty kinh doanh vật liệu xây dựng. Gia đình cũng có nhu cầu chuyển đổi khu đất trên sang đất dịch vụ thương mại, nhưng thủ tục chưa được chấp nhận. Hiện, gia đình đang sử dụng đất chưa đúng mục đích, chưa đảm bảo yêu cầu của pháp luật. Do đó, gia đình cam kết tạm dừng việc tập kết và di dời hết vật liệu xây dựng, trả lại hiện trạng ban đầu. Cam kết chỉ sử dụng đất để làm mạ khay, chủ động làm thủ tục chuyển đổi đất theo đúng quy định của pháp luật”.
Ý kiến của Tổ công tác: Hộ ông Nông sử dụng đất như ý kiến của gia đình là chính đáng theo nhu cầu, nhưng tại thời điểm kiểm tra, chưa hoàn thiện thủ tục và chưa được cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hành vi này đã vi phạm Luật Đất đai về hành vi sử dụng đất sai mục đích theo Điểm D Khoản 1 Điều 57, Luật Đất đai năm 2013. Tổ công tác đề nghị gia đình ông Nông tạm dừng tập kết vật liệu xây dựng trên đất. Di dời hết khối lượng đất, đá, cát, gạch tại khu đất, thời gian 15 ngày kể từ ngày lập biên bản.
Để làm rõ vụ việc, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã trao đổi với lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Triệu Sơn. Đại diện phòng này cho biết: Để sản xuất mạ khay quy mô lớn, hộ gia đình phải lập dự án cụ thể, trình UBND huyện xem xét, phê duyệt và chỉ tổ chức sản xuất khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Về trường hợp hộ gia đình ông Nông, cho đến nay, phòng chưa nhận được bất cứ hồ sơ, thủ tục gì về dự án sản xuất mạ khay.
Như vậy, việc sản xuất mạ khay của hộ ông Nông có dấu hiệu “ngụy trang” cho hành vi san lấp và kinh doanh vật liệu xây dựng trái phép của gia đình này, không phải xuất phát từ “nhu cầu chính đáng” và chỉ “tập kết vật liệu xây dựng tạm thời do chưa đến mùa vụ” như biên bản của UBND xã An Nông ghi nhận?
Cũng trong biên bản làm việc trên, thời gian UBND xã gia hạn cho hộ ông Nông, để di chuyển toàn bộ số vật liệu xây dựng đã tập kết trái phép là 15 ngày. Tuy nhiên, khi trở lại đây vào ngày 20/9, đã qua thời hạn quy định, nhưng trước mắt phóng viên vẫn là những đống đất, cát, đá, gạch nằm ở vị trí cũ. Không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy, chủ nhân sẽ di chuyển số vật liệu xây dựng này đi nơi khác.
Để có thông tin đa chiều, khách quan, sau nhiều lần gọi điện nhưng đều “không liên lạc được”, phóng viên hẹn được lịch làm việc với ông Lê Viết Hùng - Chủ tịch UBND xã An Nông vào sáng 21/9. Tuy nhiên, khi phóng viên có mặt đúng giờ theo lời hẹn tại phòng làm việc của Chủ tịch UBND xã, PV vẫn không gặp được. Liên lạc qua điện thoại, ông Hùng nói “anh thông cảm, tôi lại đang bận họp”.
Qua thực tế của vụ việc trên, có thể nói UBND xã An Nông, đứng đầu là Chủ tịch UBND xã đã không làm tròn trách nhiệm về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai. Không những thế, chính quyền còn có biểu hiện “bao che” cho hành vi vi phạm, biến đất sản xuất nông nghiệp thành bãi kinh doanh vật liệu xây dựng trái phép và thiếu hợp tác với cơ quan báo chí.
Được biết, tình trạng san lấp trái phép, sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp, tình trạng kinh doanh vật liệu xây dựng trái phép tại địa bàn huyện Triệu Sơn, trong thời gian gần đây đang có xu hướng gia tăng, số vụ vi phạm xảy ra ngày càng phổ biến. Ngay tại xã An Nông, ngoài vi phạm của hộ ông Nông, cách đây không lâu, báo chí cũng đã từng lên tiếng về trường hợp kinh doanh vật liệu xây dựng trái phép, gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư tại thôn Đô Quang, vụ việc đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Để giữ nghiêm trật tự kỷ cương trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, trong tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng, đề nghị UBND huyện Triệu Sơn nhanh chóng vào cuộc, làm rõ và xử lý nghiêm vụ việc. Cùng với việc xử lý hành vi vi phạm, UBND huyện cũng cần xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật (nếu có) đối với tổ chức, cá nhân trong bộ máy chính quyền xã An Nông, những người đã thiếu trách nhiệm để xảy ra vụ vi phạm này.
Đào Nguyên