Thanh Hóa: Các doanh nghiệp tại Khu kinh tế Nghi Sơn tạo việc làm cho gần 35.000 lao động
Tỉnh Thanh Hóa hướng tới xây dựng KKT Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước, với các tổ hợp công nghiệp mũi nhọn là: lọc hóa dầu, nhiệt điện, luyện cán thép, xi măng, chế biến hàng xuất khẩu...
KKT Nghi Sơn là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ giao lưu, trao đổi hàng hóa kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế thông qua hệ thống đường bộ và cảng biển Nghi Sơn. Nơi đây thực sự là môi trường đầu tư nhiều tiềm năng đối với nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Những năm qua, nhiều dự án lớn đổ về KKT Nghi Sơn đã biến nơi này thành khu công nghiệp thành công nhất cả nước.
Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách quốc gia, góp phần giảm bội chi ngân sách, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà nước đầu tư cho các dự án trọng điểm và những địa bàn dân cư còn gặp nhiều khó khăn có cơ hội phát triển.
Từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng của tình hình thế giới và trong nước đã tác động tiêu cực lên nhiều ngành sản xuất trọng điểm tại đây như lọc hóa dầu, thép, xi măng, bao bì... Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã nỗ lực bằng nhiều giải pháp để duy trì hoạt động, ổn định việc làm cho người lao động; đồng thời nắm bắt tình hình, tín hiệu mới để gia tăng sản xuất khi thị trường tiêu thụ ấm lên.
Với hơn 300 dự án đầu tư tại KkT Nghi Sơn, hiện đã có 143 dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm cho gần 35.000 lao động.
Năm 2023, KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp phấn đấu mục tiêu tổng giá trị sản xuất của các doanh nghiệp đạt 265.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 26.000 tỷ đồng và giải quyết việc làm thêm cho khoảng 10.000 lao động.
Được biết, 8 tháng năm 2023, trong bối cảnh khó khăn cả thị trường đầu vào và đầu ra của sản xuất, ngành công nghiệp của tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng. Trong đó, một số sản phẩm công nghiệp tại các doanh nghiệp trong KKT Nghi Sơn tăng cao với cùng kỳ như: xăng động cơ (12%), dầu nhiên liệu (18%), dầu mỡ (70%), benzen (26%), sản xuất điện (74%), dầu ăn (3,9%)... đã trở thành động lực chính và bù đắp sự thiếu hụt của một số sản phẩm truyền thống, đưa chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 7,14% so với cùng kỳ.
Hiện nay, hai dự án công nghiệp chủ lực, quy mô lớn là Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn có đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cũng đều đã nỗ lực vượt khó để sản xuất ổn định trong thời gian qua.
Ông Hồ Văn Trung, Giám đốc Nhà máy sản xuất bao bì Đại Dương, cho biết: "Nhà máy đang tập trung sản xuất 2 đơn hàng lớn cho Nhà máy xi măng Long Sơn và Tập đoàn xi măng Vissai. Để duy trì việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 600 lao động không phải là điều dễ dàng, tuy nhiên nhà máy sẽ nỗ lực để thu nhập của công nhân đạt trung bình 6 - 7 triệu đồng/tháng".
Ông Lê Đức Thái, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Văn Lang YUFUKUYA chia sẻ: “Hiện nay, thị trường Hoa Kỳ và EU kiểm soát chặt với nguồn nguyên liệu gỗ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong khi đó các mặt hàng này của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu qua đối tác trung gian Trung Quốc trước khi đi tới thị trường Hoa Kỳ và châu Âu. Tuy vậy, Công ty đã tìm kiếm thêm các đối tác tiêu thụ là nhà máy nhiệt điện và đã xuất bán được một số đơn hàng, đáp ứng được gần 2/3 kế hoạch doanh thu và giữ ổn định việc làm cho 50 lao động, với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng”.
Cùng với nỗ lực duy trì sản xuất của các doanh nghiệp, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các Khu công nghiệp cũng đang theo sát diễn biến hoạt động của doanh nghiệp để kịp thời tham mưu cho các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đơn vị cũng đang tập trung đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư sớm đi vào hoạt động, gia tăng thêm năng lực sản xuất và sản phẩm mới.
Với mục tiêu xây dựng và phát triển KKT Nghi Sơn thành một khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản. Vì vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại đây luôn được tỉnh và các sở, ngành, địa phương đồng hành, với nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để vận hành hiệu quả.
Hoài Thanh