Tiêu thụ cà phê nội địa tăng mạnh, số lượng nhà hàng, quán cà phê vẫn tăng bất chấp khó khăn
Sự gia tăng của số lượng nhà hàng, quán cà phê cho thấy nhu cầu tiêu thụ cà phê nội địa của người Việt vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp những khó khăn của nền kinh tế. Điều này cho thấy cà phê đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt.
Theo báo cáo thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam do iPOS thực hiện, đến hết năm 2022, Việt Nam có 338.600 nhà hàng, quán cà phê, tăng khoảng 2% so với năm 2021. Đáng chú ý, so với năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19) thị trường đã có thêm 18.000 nhà hàng, quán cà phê mới.
TP.HCM là tỉnh thành sở hữu nhiều nhà hàng, quán cà phê nhất, chiếm gần 40% số lượng trên toàn quốc, gấp gần 3 lần so với Hà Nội. Quy mô doanh thu ngành F&B Việt Nam trong 2022 ước tính đạt gần 610.000 tỉ đồng.
Nhu cầu đi cà phê của người Việt
Kết quả khảo sát cho thấy, nam giới có xu hướng đi cà phê mỗi ngày nhiều hơn so với nữ giới. Khoảng 13% nam giới tham gia khảo sát, cho biết họ ngồi quán cà phê mỗi ngày, trong khi tỷ lệ nữ lui đến các quán cà phê mỗi ngày chỉ nhỉnh hơn một nửa so với con số đó, khoảng 7%. Nếu lấy tần suất theo tuần làm thang đo, thì mức độ đi quán cà phê của nam giới trong tuần cũng thường xuyên hơn so với nữ.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy chi phí người Việt thường dành để đi uống cà phê từ 41.000 - 70.000 đồng/lần. Cụ thể, 58% thực khách sẵn sàng dành từ 40.000 đồng cho mỗi lần sử dụng đồ uống. Trong đó, 44% sẵn sàng chi tiêu từ 41.000 - 70.000 đồng và 14% sẵn sàng chi tiêu từ 70.000 đồng trở lên cho mỗi lần đi quán cà phê.
Đáng chú ý, khảo sát cũng cho thấy phụ nữ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho việc đi cà phê. Cụ thể, 48% phụ nữ cho biết họ sẵn sàng chi 41.000 - 70.000 đồng cho mỗi lần cà phê, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các mức chi tiêu đối với nữ. Trong khi đó, nam giới có xu hướng chi tiêu cho cà phê thấp hơn nữ. Đối với nam giới, mức giá 20.000 - 40.000 đồng cho mỗi lần cà phê là phổ biến nhất.
Các tiêu chí lựa chọn quán cà phê
Khảo sát cũng thấy một loạt các tiêu chí được người Việt ngầm tự đặt ra khi quyết định sử dụng các loại đồ uống bên ngoài như cà phê, trà sữa…
Yếu tố không gian quán được đề cao, với 51,4% đáp viên lựa chọn ở vị trí tiếp theo. So với việc lựa chọn quán ăn, yếu tố hàng quán sạch sẽ chỉ đạt 50% người Việt đi cà phê lưu tâm.
Các chuyên gia trong lĩnh vực F&B cho rằng đi uống cà phê, trà sữa là hoạt động giải trí của bất kỳ cá nhân nào. Vì vậy các yếu tố liên quan đến trải nghiệm vẫn được người Việt đề cao hơn.
Sự gia tăng của số lượng nhà hàng, quán cà phê cho thấy nhu cầu tiêu thụ cà phê nội địa của người Việt vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp những khó khăn của nền kinh tế. Điều này cho thấy cà phê đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt.
Bảo Anh