Tiêu chí phân hạng chung cư được hiểu thế nào?
Trong bối cảnh đô thị hóa phát triển mạnh mẽ, nhu cầu về căn hộ chung cư ngày càng gia tăng, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, khi lựa chọn nơi sinh sống, người mua nhà thường quan tâm đến chất lượng và tiêu chuẩn của các khu chung cư, vì mỗi phân hạng chung cư được chia thành nhiều hạng khác nhau. Vậy tiêu chí phân hạng chung cư là gì, và làm thế nào để hiểu rõ các tiêu chí này?
Theo Phụ lục XII ban hành kèm theo Nghị định 95/2024/NĐ-CP về phân hạng nhà chung cư thì nhà chung cư được phân thành 3 hạng: hạng 1, hạng 2, hạng 3 dựa trên 13 tiêu chí phân hạng nhà chung cư gồm 8 tiêu chí bắt buộc và 5 tiêu chí bổ sung.
Trong đó, chung cư hạng 1 cần đáp ứng thêm điều kiện về khoảng cách đến công viên hoặc khu vui chơi giải trí; trong khuôn viên chung cư hạng này phải có khu dịch vụ giáo dục hoặc y tế thể thao, thang máy chở hàng riêng... Về chỗ đỗ xe, cứ hai căn hộ tại dự án hạng 1 cần có tối thiểu chỗ đỗ ôtô với diện tích tiêu chuẩn 25m2. Chung cư xếp hạng 1 phải có trụ sạc cho xe điện.
Với chung cư hạng 2, cứ 4 căn hộ cần tối thiểu 1 chỗ đỗ (diện tích tiêu chuẩn 25m2). Mức này tương đương quy chuẩn chung từ năm 2021 của Bộ Xây dựng. Còn chung cư hạng 3, mỗi 100m2 diện tích sử dụng có một slot để xe.
Cũng theo nghị định, dựa trên điều kiện bắt buộc chung, các tổ chức có chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng, nhà ở sẽ ban hành các tiêu chí cụ thể và bổ sung (nếu có) để xác định, phân hạng với từng nhà chung cư.
Phân hạng nhà chung cư phản ánh chất lượng xây dựng, tiện ích và dịch vụ đi kèm. Nếu không nắm rõ, người mua có thể chọn phải chung cư có phân hạng thấp hơn mong muốn dẫn đến chất lượng, dịch vụ và tiện ích không tương xứng với kỳ vọng.
Mỗi phân hạng có mức giá khác nhau dựa trên chất lượng và tiện ích. Nếu không hiểu rõ, người mua nhà có thể trả giá cao cho một căn hộ có phân hạng thấp, dẫn đến tình trạng “mua hớ” vì không nhận được giá trị tương xứng với số tiền bỏ ra.
Ai có quyền đề nghị công nhận phân hạng nhà chung cư?
Theo Điều 82 Nghị định 95/2024/NĐ-CP, chủ đầu tư, chủ sở hữu nhà chung cư (bao gồm nhà chung cư thương mại, nhà chung cư xã hội, nhà chung cư để phục vụ tái định cư, nhà chung cư làm nhà ở công vụ) nếu có nhu cầu thì thực hiện việc phân hạng nhà chung cư theo quy định.
Việc phân hạng nhà chung cư được thực hiện đối với từng tòa nhà chung cư trên cơ sở đề nghị của:
Chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu nhà chung cư và do các tổ chức xã hội - nghề nghiệp có chức năng, chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản thực hiện khi nhà chung cư đáp ứng các tiêu chí phân hạng nhà chung cư.
Các tổ chức thực hiện việc phân hạng nhà chung cư phải chịu trách nhiệm về việc phân hạng nhà chung cư.
Nhà chung cư được phân hạng phải đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về xây dựng và các tiêu chí theo quy định tại Điều 83 của Nghị định về tiêu chí phân hạng nhà chung cư (đã nêu ở bảng ở phần nội dung trên)
Ngoài ra, việc công bố thông tin, quảng cáo liên quan đến hạng nhà chung cư khi kinh doanh căn hộ phải đúng với nội dung đã được phân hạng.
Việc phân hạng chung cư giúp người mua có thể dựa vào các tiêu chí rõ ràng để đưa ra quyết định phù hợp với ngân sách và nhu cầu của bản thân. Người mua nhà sẽ dễ dàng so sánh và hiểu rõ giá trị của từng loại chung cư, tránh các rủi ro về giá và chất lượng. Bên cạnh đó, việc phân hạng cũng giúp thị trường bất động sản được minh bạch hơn, giảm thiểu tình trạng quảng cáo quá mức hoặc sai lệch về chất lượng.
Bên cạnh đó, tiêu chí phân hạng chung cư là công cụ quan trọng giúp người mua có cái nhìn rõ ràng và chính xác về các loại hình chung cư trên thị trường. Từ vị trí, thiết kế, tiện ích cho đến mức độ an toàn, mỗi tiêu chí đều đóng vai trò quyết định trong việc phân loại chất lượng của từng hạng chung cư. Qua đó, người mua có thể dễ dàng lựa chọn nơi an cư phù hợp với nhu cầu và ngân sách của mình.
Tiến Hoàng