VIPA: Không tiêu thụ "giải cứu" trứng gà không rõ nguồn gốc
Hiệp hội Gia cầm Việt Nam (VIPA) khuyến cáo doanh nghiệp không vận chuyển, buôn bán tiểu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam
Thông tin từ Bộ NN&PTNT, trong thời gian gần đây tại Campuchia đã phát hiện ca tử vong trên người do virus cúm gia cầm A/H5N1. Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát đường mòn, lối mở ở biên giới, cảng biển, đường sông để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam, ngăn cúm A/H5N1 xâm nhập.
Ngay sau khi nhận thông tin từ Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Gia cầm Việt Nam (VIPA) đã có văn bản gửi các doanh nghiệp về việc phòng chống dịch cúm gia cầm về việc chấp hành chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.
Đồng thời, VIPA khuyến cáo doanh nghiệp không vận chuyển, buôn bán tiểu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam; không tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kể cả trứng gia cầm được bày bán tràn lan trên các hè phố dưới danh nghĩa “giải cứu” của các tư thương.
Ngoài ra, VIPA yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng trong và xung quanh trại, phương tiện vận chuyển ra vào trại chăn nuôi, đặc biệt những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.
“Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học khác như giám sát chặt chẽ các phương tiện, khách ra vào trại, thực hiện tốt việc cách ly, bảo hộ lao động trước khi ra vào trại; tiêm phòng đầy đủ, kịp thời vắc xin cúm gia cầm và các loại vắc xin khác phòng bệnh cho đàn vật nuôi”, văn bản nêu rõ.
Trường hợp có hiện tượng gia cầm ốm chết bất thường, doanh nghiệp và chủ trang trại cần thông báo kịp thời với cơ quan chức năng và thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định của Luật Thú y.
Trong thời gian vừa qua, ghi nhận các tuyến đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Phùng Hưng (Hà Đông) hay Cầu Diễn, Nhổn (Bắc Từ Liêm) xuất hiện hơn 20 điểm bày bán trứng gà trên vỉa hè với băng rôn "giải cứu giúp bà con nông dân".
Trứng được chất trên các xe tải, bán rong cho người đi đường, mỗi túi 30 quả, giá 60.000-65.000 đồng. Riêng những quả bị dập, vỡ được đặt ở khay riêng, giá 1.000-1.200 đồng một quả.
Chị Hà Như, ở quận Cầu Giấy, mua 90 quả trứng tại một điểm bán trên đường Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy) tặng bạn bè, đồng nghiệp.
So với các loại trứng gà bán 35.000-40.000 đồng một chục tại chợ truyền thống hoặc trong siêu thị, chị Mai nói giá trứng tại vỉa hè rẻ bằng một nửa. "Lòng đỏ nhỏ nhưng ăn vẫn thơm, quả đều, vỏ nhẵn bóng nên tôi mua, dù vẫn băn khoăn về nguồn gốc xuất xứ", chị nói.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, khẳng định việc bày bán, căng băng rôn kêu gọi giải cứu "chỉ là chiêu trò của tiểu thương", "làm hạ giá trị của nông sản Việt". Đến nay, các cơ sở sản xuất của Hiệp hội cũng như các trang trại của nông dân chăn nuôi gà trứng vẫn tiêu thụ ổn, chưa hộ nào phải kêu gọi từ thiện, hảo tâm của người tiêu dùng.
Theo ông Sơn, trên thị trường giá trứng giảm từ 200-300 đồng mỗi quả so với trước Tết, nhưng đây là điều bình thường diễn ra hàng năm. "Nhiều tiểu thương lợi dụng thời điểm giá trứng giảm để đi thu gom tại các trang trại có quy mô vừa và nhỏ ở nhiều khu vực, bán lẻ với giá chỉ 2.000-2.100 đồng. Trong khi giá bán buôn trên thị trường dao động 1.800-2.100 đồng. Giá bán quá rẻ nên người tiêu dùng cần cảnh giác", ông nói.