Thuốc lá điện tử- Mối nguy hại tiềm ẩn cần ngăn chặn vì sức khoẻ của thế hệ trẻ Việt Nam
Trong thời gian gần đây trên thị trường đã xuất hiện các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và việc sử dụng các sản phẩm này có nhiều diễn biến phức tạp, tỉ lệ sử dụng có xu hướng tăng nhanh trong cộng đồng.
Đặc biệt đã xuất hiện trong các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở và ngay cả các trường tiểu học do các sản phẩm này được thiết kế đa đạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn thu hút giới trẻ.
Trong Nghị quyết của Quốc hội vừa thông qua tại kỳ họp thứ 8 có nêu rõ nội dung: Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội. Điều đó có nghĩa, từ đầu năm tới, thuốc lá điện tử sẽ bị coi là hàng cấm nên người sản xuất, kinh doanh, sử dụng mặt hàng này có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là một quyết định rất quan trọng, nhận được sự hoan nghênh, ủng hộ của toàn xã hội.
Thuốc lá điện tử là loại mô phỏng hình dạng và chức năng của thuốc lá thông thường, hoạt động bằng cách sử dụng thiết bị điện tử có hệ thống pin sạc làm nóng dung dịch điện tử (e-liquid) tạo thành khói có hương thơm cho người dùng hít vào. Thuốc lá điện tử rất đa dạng về hình thức và kích thước. Thành phần chính gồm: nicotin là chất gây nghiện cao, còn có propylene, glycol, các chất tạo hương vị và ít nhất 60 loại hợp chất hóa học khác.
Thuốc lá nung nóng là sản phẩm sử dụng thiết bị điện tử để nung nóng điếu thuốc đến nhiệt độ đủ để tạo ra sol khí có thể hít vào, có chứa nicotine - chất gây nghiện cao và các chất hóa học khác, các chất phụ gia không phải thuốc lá và có nhiều hương vị.
Tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Chứa nhiều chất độc hại, gây nghiện, gây bệnh tật và dẫn đến tử vong. Theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á đa phần thuốc lá điện tử có chứa Nicotine - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Sử dụng Nicotine quá liều gây ngộ độc. Nghiện nicotine là một trong những nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, đột quỵ. Đối với trẻ em và phụ nữ mang thai: Nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em vì não bộ của trẻ đang trong giai đoạn phát triển, Nicotine cũng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kì, gây ra sinh non và thai chết lưu. Đối với thanh thiếu niên: Những thay đổi do Nicotine gây ra trong hệ thần kinh trong não khiến người dùng ở nhóm tuổi trẻ dễ bị nghiện Nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.
Trong dung dịch thuốc lá điện tử còn có: glycerin, propyleneglycol và hương liệu. Propyleneglycol có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Glycerin gốc thực vật: khi được đun nóng và hóa hơi, tạo thành acrolein, gây kích ứng đường hô hấp trên.
Các chất độc hại trong thuốc lá điện tử còn liên quan đến nhồi máu cơ tim, gây tổn thương phổi. Thời gian gần đây, số liệu từ các quốc gia cho thấy sử dụng thuốc lá điện tử gây các ca viêm phổi cấp nguy kịch; động kinh, các bệnh về răng miệng, ngộ độc; gây tai nạn thương tích do nổ pin gây bỏng, chấn thương, gãy xương...
Thuốc lá điện tử tiện dụng với các ống dung dịch được đóng gói cho hàng trăm hơi hút, hầu như không có định lượng về nồng độ nicotine trong mỗi ml. Điều này dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng, mức độ dung nạp nicotine và gây nguy cơ ngộ độc cấp tính. Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Tại Việt Nam, tình trạng tội phạm ma túy trộn các loại ma túy vào các sản phẩm thuốc lá điện tử và hướng vào đối tượng học sinh, sinh viên và giới trẻ đang rất phức tạp.
Đối với thuốc lá nung nóng, khói tỏa của các sản phẩm này chứa các chất độc hại tương tự như khói thuốc lá điếu thông thường, nhiều chất trong số đó có thể gây ung thư, bệnh tim mạch và hô hấp. Một số chất độc hại trong thuốc lá nung nóng có thể có hàm lượng thấp hơn trong thuốc lá điếu thông thường, nhưng một số chất khác lại có hàm lượng cao hơn và một số chất chỉ xuất hiện trong các sản phẩm thuốc lá nung nóng. Không có bằng chứng nào cho thấy các sản phẩm này ít gây tác hại về sức khỏe hơn so với thuốc lá điếu thông thường.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện có xu hướng nhắm tới đối tượng là giới trẻ thông qua hình ảnh, phong cách tạo gu thẩm mỹ, xu hướng của giới trẻ, bán hàng qua mạng là hình thức mà giới trẻ thường sử dụng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ. Đặc biệt, nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến giới trẻ, nguy cơ sử dụng ma túy và các chất kích thích khác đồng thời với thuốc lá điện tử nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường. Do đó, cần phòng ngừa việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng ở những người chưa hút, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên.
Phát huy vai trò lực lượng Quản lý thị trường
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, các đối tượng buôn bán thuốc lá thế hệ mới nhập lậu chủ yếu là các đối tượng buôn bán nhỏ lẻ qua Internet hoặc bán kèm theo thuốc lá trong nước tại các cửa hàng; qua công tác giám sát, nắm bắt thì hiện nay Thái Nguyên chưa phát hiện là địa bàn nóng, nổi cộm trong việc vận chuyển, buôn bán thuốc lá thế hệ mới nhập lậu từ các cửa khẩu về, mà chủ yếu các vụ việc phát hiện, kiểm tra được đưa từ các thành phố lớn trên cả nước vào tiêu thụ.
Tuy nhiên trước những hệ lụy mà thuốc lá điện tử để lại đối với người sử dụng, nhất là giới trẻ, và trước thông tin về tình hình tội phạm ma túy "núp bóng" thuốc lá điện tử; căn cứ vai trò, chứng năng và nhiệm vụ, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên luôn chú trọng đẩy mạnh công tác kiểm tra kiểm soát các mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng,… với tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm…
Cụ thể trong năm 2024, Bám sát sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT và UBND tỉnh Thái Nguyên, Cục QLTT tỉnh đã ban hành: Công văn số 218/QLTTTNG-NVTH ngày 16/5/2024 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; Công văn số 382/QLTTTNG-NVTH ngày 14/8/2024 về việc tăng cường phối hợp trong quản lý nhà nước đối với thuốc lá thế hệ mới; Công văn số 383/QLTTTNG-NVTH ngày 14/8/2024 về việc tăng cường phối hợp trong quản lý nhà nước đối với thuốc lá thế hệ mới... Qua đó chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan; triển khai lực lượng kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá thế hệ mới. Đồng thời, kết hợp công tác kiểm tra kiểm soát với việc thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật; vận động các tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá.
Kết quả trong năm 2024 đã phát hiện và xử lý 7 vụ việc vi phạm về mặt hàng thuốc lá thế hệ mới. Tổng số tiền xử phạt VPHC hơn 30 triệu đồng, buộc tiêu hủy 232 máy làm nóng tinh dầu và 80 lọ tinh dầu có tổng trị giá hơn 70 triệu đồng.
Lực lượng QLTT kiểm tra, xử lý các cơ sở, cá nhân kinh doanh thuốc lá điện tử
Trong thời gian tới, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện các chỉ đạo của chính quyền các cấp, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan; tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai lực lượng kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá thế hệ mới; giám sát các đối tượng, địa bàn trọng điểm; tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép mặt hàng thuốc lá nói chung và thuốc lá thế hệ mới nói riêng, nhất là trên môi trường thương mại điện tử, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, ký cam kết với các cơ sở kinh doanh; vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá; không quảng cáo nhằm kinh doanh, tàng trữ thuốc lá thế hệ mới, đặc biệt là trong môi trường giáo dục. Từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, không bao che tiếp tay cho những hành vi vi phạm.
Ngày 31/5 hàng năm được chọn là Ngày thế giới không thuốc lá nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của thuốc lá. Thông qua chiến dịch tuyên truyền giúp sinh viên, học sinh, thanh thiếu niên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động đặc biệt là giới trẻ hiện nay nâng cao nhận thức để mọi người hiểu biết đúng và đầy đủ về mối nguy hại của thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng,…gây hại đến sức khoẻ để có biện pháp phòng tránh cho bản thân, gia đình, cộng đồng; mỗi chúng ta hãy hành động vì một xã hội không có khói thuốc, bằng việc thẳng thắn từ chối, nói không với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng./.
Ngân Hà
Cục QLTT Thái Nguyên