Thừa Thiên Huế từng bước phát triển thành đô thị tăng trưởng xanh
Thừa Thiên Huế đang từng bước chuyển dịch mô hình kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh, hiệu quả, bền vững, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.
Thừa Thiên - Huế đang từng bước chuyển dịch mô hình kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh, hiệu quả, bền vững. Điều này góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nâng cao năng lực chống chịu và ứng phó biến đổi khí hậu của hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Hải Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Phóng viên: Thừa Thiên - Huế có lợi thế gì để có thể phát triển đô thị tăng trưởng xanh,thưa ông?
Ông Hoàng Hải Minh: Thừa Thiên - Huế là Cố đô còn nguyên vẹn nhất tại Việt Nam, là nơi gìn giữ một “gia tài” văn hóa tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam và toàn nhân loại. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quy hoạch là khai thác tốt các giá trị di sản để phục vụ cho phát triển, cũng như xử lý tốt mối quan hệ giữa phát triển và bảo tồn.
Thừa Thiên - Huế có bề dày lịch sử là một trong những trung tâm đô thị, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ quan trọng của khu vực miền Trung cũng như cả nước. Đây là những lợi thế quan trọng của tỉnh trong hình thành nền kinh tế tri thức, lấy lực lượng lao động chất lượng cao làm chủ thể và là trung tâm của các chiến lược tăng trưởng kinh tế.
Với các lợi thế đặc trưng về hệ thống sông, biển và đầm phá thì vấn đề khai thác tối đa yếu tố cảnh quan, môi trường luôn được đặt lên hàng đầu trong quy hoạch và chiến lược phát triển của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Điều này vừa góp phần tạo dựng hình ảnh đô thị giàu bản sắc, sinh thái, cảnh quan, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân, đồng thời cũng là thế mạnh để tỉnh thu hút, đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế du lịch.
Định hướng xây dựng đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiên môi trường là định hướng xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo, xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt sau khi Bộ Chính trị ban hành nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019.
Nhằm đảm bảo môi trường, cảnh quan đô thị và khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày càng xanh, sạch, sáng, hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế theo hướng đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã luôn chú trọng thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quy hoạch, đầu tư xây dựng, kiến tạo hạ tầng xanh, nạo vét kênh mương, quy hoạch và xây dựng mới hệ thống kênh mương, hồ tiêu năng đặc biệt trong khu đô thị mới An Vân Dương, tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việc theo đuổi tăng trưởng xanh trong thời gian qua của tỉnh có tính nhất quán và tạo thuận lợi trong việc hướng đến mục tiêu trở thành đô thị du lịch sinh thái giai đoạn tới, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu phát thải khí nhà kính Net Zero 2050 của Việt Nam.
Phóng viên: Để phát triển đô thị tăng trưởng xanh ở Thừa Thiên - Huế những yếu tố nào mang tính chất quyết định, thưa ông?
Ông Hoàng Hải Minh: Như chúng ta đã biết ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề ra mục tiêu: “Đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”.
Do đó, tỉnh luôn xác định việc áp dụng các giải pháp mô hình kinh tế xanh thay thế cho mô hình kinh tế truyền thống nhằm thúc đẩy chuyển dịch mô hình kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh, hiệu quả, bền vững, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nâng cao năng lực chống chịu và ứng phó biến đổi khí hậu của hệ thống đô thị trên địa bàn.
Đặt mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững lên hàng đầu, chính vì vậy thời gian qua tỉnh đã cân nhắc kỹ trong kêu gọi các dự án đầu tư (không ưu tiên kêu gọi đầu tư các lĩnh vực có ảnh hưởng môi trường). Điều này mang lại một lợi thế về cảnh quan tự nhiên, môi trường sống còn được bảo tồn một cách tương đối nguyên vẹn.
Hiện nay, UBND tỉnh đang tổ chức lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 trong giai đoạn tiến hành các bước cuối để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó đã xây dựng các phương án liên quan đến bảo vệ môi trường; khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học; lồng ghép các mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh; phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đưa các giá trị xanh và bền vững trở thành động lực cho phát triển.
Phóng viên: Trong thời gian tới, Thừa Thiên - Huế sẽ tiếp tục làm gì để phát triển thành đô thị tăng trưởng xanh, thưa ông?
Ông Hoàng Hải Minh: Để phát triển thành đô thị tăng trưởng xanh trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung như sau:
Tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng khu đô thị mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị hiện hữu đảm bảo về giao thông, cảnh quan, vệ sinh môi trường và chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu; Xây dựng kế hoạch và đầu tư không gian công cộng đô thị, xanh hóa cảnh quan đô thị: Đầu tư đồng bộ về hạ tầng, các trung tâm không gian công cộng đô thị (như: quảng trường; công viên cây xanh; các trung tâm sinh hoạt văn hóa;…)
Tăng cường công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông đô thị: Quá trình triển khai thẩm định, tham mưu trình phê duyệt thực hiện lồng ghép xanh hóa cảnh quan đô thị trong công tác quy hoạch xây dựng đô thị, đảm bảo không gian xanh, diện tích cây xanh theo quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành; Xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ công trình xanh vào quá trình quy hoạch, thiết kế thi công công trình; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển đô thị tăng trưởng xanh; Triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư số 01/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng về chỉ tiêu đô thị tăng trưởng xanh; Đồng thời chủ động phối hợp các sở ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ quản lý được giao trong quá trình tổng hợp, thu thập số liệu, tổ chức lập báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.
Hàng năm các địa phương xây dựng kế hoạch rà soát, đánh giá hiện trạng đô thị theo các tiêu chí phân loại đô thị. Qua đó, kịp thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ các địa phương phát triển hạ tầng, từng bước chú trọng đến chất lượng đô thị theo hướng lĩnh vực phát triển đô thị tăng trưởng xanh; Thường xuyên đôn đốc việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo đảm cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, “xây dựng Thừa Thiên - Huế sáng - xanh - sạch”; “Ngày Chủ nhật xanh” và phong trào “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”; “Toàn dân xây dựng Thừa Thiên - Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải”, thành phố 4 mùa hoa,../.
Phóng viên: Trân trọng cám ơn ông!
Nguyễn Trọng (Thực hiện)