Thời Trump 2.0: Bitcoin tăng sốc, đe dọa vị thế của vàng?
Giá Bitcoin gần đây tăng mạnh. Nhiều quan điểm cho rằng Bitcoin sẽ đe dọa vị thế của vàng vật chất trong tương lai. Nhưng các chuyên gia cho rằng hai loại tài sản này vẫn có rất nhiều sự khác biệt và có thể cùng tồn tại.
Bitcoin lập đỉnh cao nhất mọi thời đại và dự báo còn tăng cao
Bitcoin đang trên đà tăng mạnh và lập mức giá kỷ lục mới ngay trong quý I/2025, khi các chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được kỳ vọng sẽ tạo môi trường thuận lợi hơn cho tiền kỹ thuật số.
Ngày 20/1, giá Bitcoin đã tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại, vượt mốc 109.000 USD/BTC.
Động lực tăng giá của Bitcoin đến từ nhiều yếu tố. Trong đó, quan trọng nhất là sự tin tưởng ngày càng tăng của nhà đầu tư vào một chính sách tiền điện tử cởi mở hơn dưới thời chính quyền Trump.
Trước đây, ông Trump từng gọi tiền kỹ thuật số là “trò lừa đảo”. Nhưng quan điểm của ông đã thay đổi trong chiến dịch tranh cử, khi ông trở thành một người ủng hộ mạnh mẽ tài sản kỹ thuật số.
Đáng chú ý, vào cuối tuần qua, ông Trump đã ra mắt loại tiền kỹ thuật số riêng mang tên $TRUMP. Sự kiện này gây sốt trên thị trường, giúp giá trị vốn hóa thị trường của đồng tiền này đạt hàng tỷ USD.
Thực tế, Bitcoin liên tục tăng giá kể từ sau chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm ngoái.
Một yếu tố khác thúc đẩy Bitcoin tăng giá là quyết định của ông Trump trong việc bổ nhiệm Paul Atkins, một người ủng hộ tài sản kỹ thuật số, làm chủ tịch mới của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ vào đầu tháng 12/2024. Ngay sau quyết định này, giá Bitcoin lần đầu tiên vượt 100.000 USD/BTC.
Việc nới lỏng quy định cũng góp phần đáng kể vào đà tăng của Bitcoin. Năm 2024, thị trường tiền điện tử hưởng lợi từ việc Mỹ chấp thuận các quỹ ETF Bitcoin giao ngay, cho phép giao dịch trên các sàn giao dịch truyền thống thay vì chỉ giới hạn trong các nền tảng tiền điện tử. Điều này giúp dòng vốn đổ vào các quỹ ETF Bitcoin tăng nhanh.
Ngoài yếu tố chính sách, Bitcoin còn hưởng lợi từ yếu tố cung - cầu. Bitcoin là một tài sản kỹ thuật số được hàng trăm triệu người sử dụng nhưng vẫn giữ tính khan hiếm tuyệt đối. Tổng số Bitcoin đang lưu hành là 19,6 triệu và tổng cộng khoảng 21 triệu Bitcoin sẽ được khai thác đến năm 2140.
Nguồn cung của Bitcoin bị giới hạn trong khi nhu cầu tiếp tục gia tăng. Điều này tạo ra áp lực tăng giá khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư và tổ chức tài chính quan tâm đến việc nắm giữ Bitcoin như một tài sản lưu trữ giá trị.
Từ khi ra đời năm 2008, Bitcoin luôn là tâm điểm chú ý. Dù còn nhiều tranh cãi, Bitcoin vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm và ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường tài chính toàn cầu.
Bitcoin đã tăng 150% trong năm 2024, trở thành một trong những tài sản có hiệu suất tốt nhất thị trường. Sang năm 2025, các nhà phân tích dự đoán đồng tiền điện tử này có thể còn nhiều dư địa tăng trưởng hơn nữa.
Trong bối cảnh chính quyền mới của Mỹ dự kiến sẽ có cách tiếp cận cởi mở hơn với tiền điện tử, giới phân tích nhận định Bitcoin có thể tiếp tục đạt những cột mốc mới trong thời gian tới.
Hơn nữa, với việc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất vào năm 2025, tâm lý chấp nhận rủi ro nhiều khả năng sẽ hỗ trợ thêm đà tăng của Bitcoin.
Nhiều nhà phân tích dự báo giá bitcoin có thể đạt mức từ 200.000-250.000 USD/BTC vào năm 2025.
Bitcoin có đe dọa vị thế của vàng?
Giá vàng đã tăng 25,5% vào năm 2024. Giá vàng được hỗ trợ của nhiều yếu tố như nhu cầu tăng mạnh từ các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư; rủi ro địa chính trị gia tăng...
Năm 2025, giá vàng được dự báo tiếp tục tăng, dù tốc độ có thể chậm hơn so với những năm trước. Những yếu tố như chính sách tiền tệ, bất ổn địa chính trị và tâm lý nhà đầu tư đang tạo nên nền tảng vững chắc cho kim loại quý.
Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được cho là có thể sẽ duy trì lãi suất ở mức thấp hoặc giảm nhẹ trong năm 2025 nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sẽ làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, khiến kim loại quý tiếp tục hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, bất ổn địa chính trị trên thế giới cũng là nhân tố then chốt thúc đẩy nhu cầu vàng. Nếu căng thẳng địa chính trị không hạ nhiệt, giá vàng có thể còn tăng cao hơn dự báo.
Dự báo từ các tổ chức tài chính lớn đưa ra các con số ấn tượng về giá vàng năm 2025.
Theo Ngân hàng J.P. Morgan, giá vàng có thể đạt mốc 3.000 USD/ounce vào cuối năm, với mức trung bình cả năm là 2.950 USD/ounce.
Còn State Street Global Advisors (một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, thuộc sở hữu của tập đoàn State Street Corporation) cho rằng giá vàng sẽ duy trì trong khoảng 2.600-2.900 USD/ounce, tùy thuộc vào các biến số địa chính trị và chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, kịch bản rủi ro cũng cần được cân nhắc. Nếu nền kinh tế toàn cầu phục hồi nhanh hơn dự kiến hoặc lãi suất tăng, nhu cầu về vàng có thể giảm. Cùng với đó, sự hấp dẫn của các kênh đầu tư khác như bất động sản và cổ phiếu cũng có thể khiến dòng vốn đầu tư vào vàng bị phân tán.
Một yếu tố cần lưu ý là sự cạnh tranh từ thị trường tiền điện tử. Bitcoin và các loại tiền số khác đang ngày càng phổ biến, đặc biệt trong giới đầu tư trẻ tuổi.
Trong bối cảnh giá Bitcoin tăng chóng mặt như thời gian qua, nhiều quan điểm cho rằng đồng tiền điện tử này sẽ đe dọa vị thế của vàng vật chất trong tương lai.
Theo Bloomberg, sự phát triển mạnh mẽ của tiền điện tử có thể làm giảm sức hấp dẫn của vàng trong vai trò lưu trữ giá trị.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng vàng và tiền điện tử có thể cùng tồn tại, mỗi loại tài sản phục vụ một nhóm nhà đầu tư khác nhau. Hai loại tài sản này vẫn có rất nhiều sự khác biệt.
Chuyên gia Elman Mehdiyev cho biết, là một phương tiện dự trữ thì tiền điện tử nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng tài sản này chỉ có thể được sử dụng để tiết kiệm nếu nó được chấp nhận ở mọi nơi, mọi lúc.
Còn nhà phân tích Nikolai Dudchenko lưu ý rằng Bitcoin không phải là đối thủ cạnh tranh chính thức với vàng, vì thị trường vàng đơn giản là lớn hơn nhiều.
Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm giám đốc Ngân hàng Trung ương toàn cầu tại Hội đồng vàng thế giới (WGC), cho biết Bitcoin và vàng thường được so sánh với nhau, nhưng thật ra chúng là những loại tài sản rất khác nhau.
Theo ông Shaokai Fan, Bitcoin là tiền điện tử, còn vàng là kim loại quý. Hai loại tài sản này có chức năng và đặc điểm tài chính khác biệt. Bề ngoài, chúng có một số điểm tương đồng, chẳng hạn như cả hai đều giới hạn về số lượng và là lựa chọn thay thế cho các loại tiền tệ pháp định (tiền giấy). Nhưng nếu bỏ qua những điểm tương đồng bề ngoài này thì sự khác biệt giữa chúng thực sự nhiều hơn những điểm tương đồng.
Sự khác biệt rõ ràng nhất là bitcoin hoàn toàn là một tài sản tài chính, vì vậy sẽ lên xuống theo tâm lý của nhà đầu tư. Còn vàng sẽ không chỉ phản ứng hoàn toàn theo tâm lý của nhà đầu tư mà còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác.
Vàng chỉ một phần là tài sản tài chính và thực sự có nhiều vai trò khác nhau. Khoảng 30-40% nhu cầu về vàng là để đầu tư. Phần còn lại làm đồ trang sức hoặc vàng làm nguyên liệu công nghiệp.
Minh Anh