Giá Bitcoin hôm nay 13/1, giá tiền ảo mới nhất
Giá Bitcoin, ETH, USDT, BNB, XRP, SOL, USDC, ADA hôm nay 13/1 tăng hay giảm? Giá tiền ảo hôm nay 13/1 như thế nào?
Ghi nhận vào lúc 8 giờ sáng ngày 13/1, Bitcoin (BTC) được giao dịch trên CoinDesk với mức giá 42.840 USD, giảm 3.551,7 USD (tương đương 7,66%) so với ngày hôm trước.
Trong 24 giờ qua, đồng tiền ảo này được giao dịch thấp nhất ở mức 41.595 USD và cao nhất ở mức 46.401 USD.
Tổng khối lượng giao dịch của Bitcoin trong 24 giờ qua đạt 43,463 tỷ USD. Giá trị vốn hoá hiện tại là 837,159 tỷ USD, chiếm 50,18% giá trị vốn hoá của trị trường tiền điện tử.
Còn trên Vicuta, sàn giao dịch tiền ảo được nhiều người Việt quan tâm, giá Bitcoin giảm 7,4%. Giao dịch ở chiều mua vào là 1 tỷ 098 triệu đồng/BTC và bán ra là 1 tỷ 044 triệu đồng/BTC.
Theo dữ liệu trên Coinmarketcap.com, top 10 đồng tiền điện tử có giá trị lớn nhất thị trường hôm nay đa số đều giảm, như: BTC (giảm 7,51%), ETH (giảm 3,14%), USDT (giảm 0,01%), BNB (giảm 4,73%), XRP (giảm 4,92%), SOL (giảm 8,64%), USDC (tăng 0,05%), ADA (giảm 6,35%), DOGE (giảm 5,43%), AVAX (giảm 9,68%).
Vốn hoá thị trường tiền điện tử toàn cầu ngày hôm nay đạt 1,67 nghìn tỷ USD, giảm 5,67% so với ngày qua. Tổng khối lượng giao dịch trong 24 giờ qua đạt 99,64 tỷ USD, giảm 4,88% so với ngày trước.
Tổng khối lượng trong DeFi hiện là 7,18 tỷ USD, chiếm 7,21% tổng khối lượng thị trường tiền điện tử trong 24 giờ. Khối lượng của tất cả các đồng tiền ổn định hiện là 87,97 tỷ USD, chiếm 88,28% tổng khối lượng thị trường tiền điện tử trong 24 giờ.
Sự biến động cao trong 24 giờ qua đã khiến Bitcoin gần như chạm mốc 49.000 USD trước khi giảm mạnh xuống dưới mốc 44.000 USD.
Theo CoinDesk, giá Bitcoin nhảy múa và có phần chưa thực sự bứt phá là do các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ mức vốn mà 11 quỹ sẽ thu hút trong ngày đầu.
Số liệu từ Tập đoàn Giao dịch chứng khoán London (LSEG) cho thấy, các quỹ ETF Bitcoin ghi nhận lượng giao dịch trị giá 4,6 tỷ USD tính đến chiều hôm qua. Trong số 11 quỹ, sản phẩm của hai "ông lớn" quản lý tài sản BlackRock và Fidelity thống trị khối lượng giao dịch. Mức này được các chuyên gia đánh giá là tương đối mạnh so với thông lệ của một quỹ ETF mới ra đời.
Ý kiến của giới chuyên gia đối với quỹ ETF Bitcoin cũng trái chiều, phần nào ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Nhiều người đồng tình bước ngoặt trên cho phép các nhà đầu tư tận dụng sự biến động giá không ổn định của tiền số để kiếm lời mà không gặp rắc rối khi phải tìm hiểu hàng tá khái niệm của thị trường này như tự lưu ký (self-custody), chuỗi khối (blockchain), khóa bảo mật riêng tư (private keys)...
Erik Voorhees - một trong những doanh nhân đầu tiên thành công từ tiền số, cho biết kết quả quan trọng nhất của các quỹ ETF Bitcoin là ngăn cản chính phủ "đối xử hà khắc" với tiền số. Theo ông khi hàng chục triệu người lớn tuổi vẫn có thể sở hữu Bitcoin một cách thụ động, thiệt hại về mặt chính trị và kinh tế từ lệnh cấm sẽ ít hơn đáng kể. "Bitcoin giờ không chỉ là tài sản dành cho những siêu lập trình viên trong bóng tối", ông nói thêm.
Tuy nhiên một số bên vẫn lo ngại rằng quỹ ETF xuất hiện đồng nghĩa Bitcoin đang hợp tác với "kẻ thù" ban đầu của tiền số - tài chính truyền thống (TradFi), các ngân hàng lớn và cả phố Wall. Điều này có nguy cơ phá vỡ "lời hứa nguyên thủy" của Bitcoin về việc phân cấp, trao quyền và mang lại sự tự do lưu thông tiền cho mọi người mà không cần dính líu đến các tổ chức tài chính truyền thống.
Nicky Gomez - chuyên gia tại công ty tư vấn tiền số XReg Consulting, cảnh báo rằng việc các quỹ ETF hút vốn từ các định chế tài chính truyền thống sẽ khiến thị trường Bitcoin tập trung hóa nhiều hơn, trong khi bản chất của nó là phi tập trung. Điều này khiến tài sản kỹ thuật số này "xa rời giá trị và tiềm năng thực sự của nó". Ông cũng cảnh báo về việc gây ra sự chia rẽ lớn hơn giữa những người theo chủ nghĩa tiền số thuần túy với nhóm ủng hộ ETF Bitcoin.
Các nhà phân tích của đơn vị xếp hạng tín dụng Moody's cho biết, việc phê duyệt các quỹ ETF Bitcoin là một thời điểm mang tính bước ngoặt đối với ngành công nghiệp tiền số, có khả năng thu hút sự quan tâm của các tổ chức lớn. Tuy nhiên, tác động của nó đến thị trường đầu tư chung không đáng kể vì tiền số vẫn là một loại tài sản nhỏ.
"Bitcoin chiếm một phần tương đối nhỏ trong danh mục của các nhà đầu tư và việc phê duyệt ETF không nhất thiết là lý do để họ tăng phân bổ cho loại tài sản này", Cristiano Ventricelli - Phó chủ tịch khối tài sản kỹ thuật số tại Moody's, nhấn mạnh.
H.A