Những yếu tố nào đang cản trở doanh nghiệp tiếp cận thương mại điện tử?
Hơn 1 năm trở lại đây những khó khăn của nền kinh tế thế giới như lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng suy giảm đã ảnh hưởng nặng nề tới doanh nghiệp Việt Nam.
Theo bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, đó là những thách thức đặt doanh nghiệp vào tình thế buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh để duy trì sản xuất, xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trong đó thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới là ưu tiên hàng đầu.
Dù đã tiếp cận với thương mại điện tử xuyên biên giới tuy nhiên doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vẫn gặp nhiều rào cản. Đầu tiên là quy định khắt khe của thị trường nhập khẩu; năng lực của nhân lực trong phát triển sản phẩm và năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong bối cảnh thị trường toàn cầu. Cùng đó là rào cản về chi phí và rào cản về thông tin.
Trước tình trạng cạnh tranh và sự bùng nổ của nền kinh tế số, cùng với thương mại điện tử ngày càng nhanh mạnh, đặc biệt trước áp lực của dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã phần nào nhận thức được vấn đề đẩy nhanh chuyển đổi số và ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động kinh doanh nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế, cũng như tối ưu hóa trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm. Chuyển đổi số thực sự trở nên cấp thiết để các doanh nghiệp trong ngành vượt qua khó khăn và tăng tốc phát triển.
Chia sẻ thêm về điều này, ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho hay: Việt Nam đang ở giai đoạn mới trong quá trình chuyển từ xuất khẩu truyền thống sang xuất khẩu online, do vậy vẫn còn nhiều khoảng hở về chính sách cần khắc phục. Amazon đang tích cực tham chiếu môi trường kinh doanh của các quốc gia có thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển, lắng nghe ý kiến của các nhà bán hàng tại Việt Nam và truyền tải tới các cơ quan Chính phủ của Việt Nam để nghiên cứu và xây dựng chính sách cho thương mại điện tử phù hợp và hoàn thiện, từ đó tạo thuận lợi và thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đồng hành cùng các sàn thương mại điện tử lớn giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, áp dụng hiệu quả thương mại điện tử xuyên biên giới trong kinh doanh, bà Lại Việt Anh cũng cho hay: Chính phủ đã đưa ra các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, mở rộng thị trường thông qua hình thức xuất khẩu trực tuyến, như: Hỗ trợ tới 50% giá trị hợp đồng tư vấn đăng ký thành công tài khoản đăng bán sản phẩm; hỗ trợ 50% chi phí duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế...
Riêng với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số vẫn đang đẩy mạnh triển khai các đề án hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam tham gia thương mại điện tử; ký thoả thuận cùng Amazon triển khai Sáng kiến “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” với mục tiêu hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử xuyên biên giới cho doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026.
Tiến Hoàng