Thị trường hàng hóa 3/8: Sắc đỏ tiếp tục bao trùm trên bảng giá
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, chốt ngày giao dịch hôm qua (02/08), sắc đỏ tiếp tục bao trùm trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới. Đáng chú ý, toàn bộ các mặt hàng kim loại và năng lượng đồng loạt đóng cửa giảm giá trong ngày hôm qua.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu ghi nhận mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ cuối tháng 6 cho đến nay. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 02/08, giá dầu WTI giảm 2,31%, đánh mất mốc 80 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 2,01% xuống còn 83,2 USD/thùng, bất chấp dữ liệu tồn kho dầu giảm mạnh của Mỹ.
Bên cạnh áp lực từ đồng USD mạnh lên, tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư trước thềm Cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) diễn ra vào ngày 4/8, đã thúc đẩy các giao dịch chốt lời sau giai đoạn giá tăng mạnh lên vùng kháng cự quan trọng.
Các thông tin này đã hoàn toàn lấn át tác động của báo cáo hàng tuần từ Cơ quan quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), khi công bố tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm hơn 17 triệu thung trong tuần kết thúc ngày 28/07, đánh bại dự báo của thị trường và cao hơn dữ liệu từ Viện dầu khí Mỹ (API).
Trong khi xuất khẩu dầu thô của Mỹ cũng tăng gần 700.000 thùng trong tuần trước, cho thấy nhu cầu thế giới đối với dầu Mỹ gia tăng trong bối cảnh nguồn cung thu hẹp tại các khu vực khác.
Một số dự đoán cho rằng nhu cầu tiêu thụ đã đạt đỉnh tại các quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu trên thế giới cũng đã gây áp lực tới giá dầu trong phiên hôm qua.
Theo Energy Aspects, nhu cầu dầu của Trung Quốc trong năm 2023 có thể đạt đỉnh ở mức 16,4 triệu thùng/ngày trong quý II, và sẽ giảm xuống 15,8 triệu thùng/ngày trong quý này trước khi tăng trở lại lên khoảng 16,2 triệu thùng/ngày trong quý 4.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc vẫn liên tục gia tăng trong các tháng qua, nhưng chủ yếu nhằm bổ sung vào kho dự trữ, trong khi tiêu thụ thực tế còn hạn chế. Quốc gia này không công bố dữ liệu dự trữ dầu, nhưng theo ước tính của giới phân tích, dự trữ vào tháng 06/2023 đã đạt mức cao nhất 3 năm.
Sự suy yếu nhu cầu thể hiện rõ trong dữ liệu sản xuất dầu diesel, một loại nhiên liệu công nghiệp quan trọng được sử dụng trong các hoạt động kinh tế. Quốc gia này đã tăng cường xuất khẩu và bổ sung vào kho dự trữ thương mại khi tiêu thụ trong nước suy yếu, đẩy mức xuất khẩu dầu diesel tăng lên mức cao nhất 4 tháng trong tháng 7, đạt 1,2 triệu thùng/ngày, gấp 4 lần so với tháng trước đó.
Tại Ấn Độ, dữ liệu sơ bộ của Chính phủ quốc gia cho thấy thông lượng dầu thô của các nhà máy trong nước vào tháng 6 đã giảm 2% so với tháng trước xuống 5,26 triệu thùng/ngày (tương đương 21,5 triệu tấn).
Đối với thị trường kim loại, nhóm kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim giảm hai phiên liên tiếp với mức giảm lần lượt 1,87% xuống 23,87 USD/ounce và 1,06% xuống 930,4 USD/ounce. Cả hai mặt hàng này đều giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tuần trở lại đây. Yếu tố chính gây sức ép tới nhóm kim loại vẫn là sự phục hồi của đồng USD, với chỉ số Dollar Index tăng 0,28% lên 102,59 điểm trong phiên hôm qua.
Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng lên 4,09%, mức cao nhất trong 9 tháng, sau khi cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch hạ xếp hạng của Mỹ xuống AA+ xuống AAA với lý do suy thoái tài chính dự kiến trong ba năm tới và nợ Chính phủ ngày càng tăng. Mức sinh lời của trái phiếu Chính phủ an toàn đang rất hấp dẫn và làm giảm dòng tiền đầu tư vào nhóm kim loại quý.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX duy trì đà giảm khi giảm 1,66%, trong khi giá sắt giảm 2,01% xuống 105,86 USD/tấn, mức thấp nhất trong vòng 2 tháng.
Giá đồng và giá sắt đều phải chịu sức ép sau khi dữ liệu của Trung Quốc chỉ ra hoạt động sản xuất của nước này tiếp tục thu hẹp tháng thứ 4 liên tiếp. Với vai trò là kim loại công nghiệp làm đầu vào cho hoạt động sản xuất, dữ liệu này làm lu mờ đi triển vọng tiêu thụ.
Bên cạnh đó, đối với thị trường quặng sắt, kế hoạch cắt giảm sản lượng thép ở Trung Quốc vẫn đang ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu, từ đó gây sức ép lên giá sắt.
Cẩm Tú