0922 281 189 [email protected]
Chủ nhật, 02/02/2025 06:28 (GMT+7)

Thị trường dịp Tết Nguyên đán: Chuyển dịch mạnh mẽ sang mua sắm trực tuyến

Theo dõi KT&TD trên

Theo Bộ Tài chính, xu hướng rõ nét trong mùa Tết năm nay là sự chuyển dịch mạnh mẽ từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến. Hoạt động chợ online trên các nền tảng số từ TikTok, Facebook, Zalo luôn rộn ràng với nhiều chương trình khuyến mại, hàng hóa phong phú, đa dạng.

Thị trường dịp Tết Nguyên đán: Chuyển dịch mạnh mẽ sang mua sắm trực tuyến
Thị trường Tết 2025 không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa hay tăng giá đột biến.

Theo báo cáo nhanh tình hình giá cả thị trường của Bộ Tài chính, Tết Nguyên đán 2025 diễn ra vào thời điểm tháng 1 dương lịch nên từ tháng 12/2024 - 01/2025 là cao điểm cho chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, tình hình cung cầu thị trường diễn ra sôi động theo quy luật hàng năm.

Thời điểm cận Tết, nhu cầu mua sắm phục vụ sản xuất, chế biến thực phẩm bán dịp Tết Nguyên đán cũng như dịch vụ ăn uống nhà hàng cuối năm tăng lên nhưng giá các mặt hàng thiết yếu về cơ bản không có biến động lớn do nguồn cung dồi dào. Thị trường không có hiện tượng khan hàng, sốt giá, người dân đang thay đổi thói quen sang mua sắm tiết kiệm, chi tiêu hợp lý trong dịp Tết.

Xu hướng rõ nét trong mùa Tết năm nay là sự chuyển dịch mạnh mẽ từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến. Hoạt động chợ online trên các nền tảng số từ TikTok, Facebook, Zalo luôn rộn ràng với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá cuối năm, phong phú về chủng loại hàng hóa, giá cả, tạo sức hút không nhỏ với người tiêu dùng.

Theo báo cáo của một số địa phương, đồng thời thông qua công tác nắm bắt thông tin thị trường giá cả của Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) cho thấy thị trường những ngày trước Tết giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu về cơ bản không có biến động bất thường.

Giá một số hàng hóa tăng nhẹ tập trung chủ yếu ở nhóm mặt hàng phục vụ nhu cầu thờ cúng và tiêu dùng trong dịp Tết như: Hoa tươi, các loại quả và một số mặt hàng thủy hải sản, gia súc, gia cầm, rau củ; giá các mặt hàng thiết yếu khác tại các siêu thị, trung tâm thương mại về cơ bản ổn định. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng, nhiều mẫu mã đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Hoạt động mua sắm trong những ngày trước Tết tập trung chủ yếu là ở một số mặt hàng như hoa quả, trái cây, rau xanh, các loại thực phẩm tươi sống, bánh kẹo rượu bia và nước ngọt có ga...

Trong ngày Mùng 1 Tết, hầu hết các chợ, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đều đóng cửa nghỉ Tết. Riêng Trung tâm thương mại Aeon Mall, Gigamall vẫn mở cửa phục vụ người dân thành phố, thời gian phục vụ từ 10h00 đến 22h00.

Trong ngày Mùng 2 Tết, nhiều chợ, siêu thị và trung tâm thương mại vẫn đóng cửa nghỉ Tết, nhưng một số hệ thống siêu thị lớn như Co.opmart, Co.opXtra, Big C, Go! đã mở cửa từ 8h đến 22h để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Các chợ dân sinh nhỏ lẻ cũng đã mở cửa bán hoa tươi, rau xanh, gia vị, củ quả.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các cửa hàng tiện lợi như Family Mart, GS25, Kingfood Mart hoạt động xuyên Tết và một số siêu thị như Co.opmart, Satramart bắt đầu hoạt động lại với thời gian mở cửa ngắn hơn. Tại một số thành phố lớn như Cần Thơ, Đà Nẵng, một số siêu thị và cửa hàng cũng mở cửa trở lại.

Ngày Mùng 3 Tết, nhiều chợ truyền thống và siêu thị tiện ích, trung tâm thương mại tại các thành phố trên cả nước đã mở cửa bán hàng. Hoạt động mua bán đang dần trở về bình thường, nhu cầu tiêu dùng đầu năm không cao, chủ yếu nhu cầu tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như nhóm thực phẩm tươi sống thủy hải sản, rau củ quả tươi, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ vận tải hành khách...

Tình hình cung cầu giá cả thị trường cơ bản bình ổn nằm trong kiểm soát, nhất là trong bối cảnh người dân có xu hướng tiêu dùng tiết kiệm trong năm nay. Vì vậy, nhìn chung giá cả thị trường Tết tại các địa phương có tăng giảm đan xen, nhưng không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Tại Thành phố Hà Nội, trong thời điểm trước Tết, nhu cầu mua sắm tại Thủ đô tăng cao, người dân hầu hết tập trung mua sắm vào các ngày 28, 29 Tết. Do tâm lý người dân đã mua sắm đủ dùng trong mấy ngày Tết, do vậy, sáng ngày mùng 3 Tết, tại một số chợ dân sinh khu vực Thái Thịnh - Đống Đa, hàng hóa ở chợ vẫn rất ít, tuy nhiên mặt hàng rau củ quả lại có xu hướng giảm, các mặt hàng khô chưa mở cửa.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết siêu thị đã mở cửa hoạt động trở lại như Co.opmart, Aeon, Lotte Mart, Mega Market... Bên cạnh đó, tiểu thương tại một số chợ cũng bắt đầu bán hàng trở lại để phục vụ nhu cầu của người dân. Sức mua tăng, người dân tập trung mua sắm chủ yếu là rau, củ, quả, trái cây, hoa tươi, thực phẩm tươi sống, giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm giảm giá và dần trở lại mức giá ngày thường.

Còn tại Đà Nẵng, trong các ngày 29 - 30/01 (Mùng 1, 2 Tết) hầu hết các chợ vẫn chưa mở cửa. Ngày Mùng 3 tháng Giêng, một số hộ kinh doanh đã bắt đầu mở cửa bán hàng đầu năm, lượng người mua sắm tại các chợ thưa thớt, sức mua giảm so với trước Tết.

Tại Cần Thơ, tình hình kinh doanh buôn bán tại các chợ từ chiều ngày Mùng 2 (30/01) đến sáng ngày Mùng 3 (31/01) ổn định, vẫn tiếp tục hoạt động và có phần sôi động hơn trong sáng ngày Mùng 3 Tết so với Mùng 1 và Mùng 2 Tết do nhu cầu mua sắm cúng theo truyền thống của người dân.

Mùng 3, sức mua tại các chợ trên địa bàn thành phố sôi động, do nhu cầu người dân mua các mặt hàng phục vụ cúng theo truyền thống như: gà vườn, hoa, trái cây… Nhìn chung, từ chiều Mùng 2 đến sáng Mùng 3 Tết tình hình thị trường ổn định; các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá đột biến, thiếu nguồn cung.

Tại Huế, trong các ngày 29, 30/01 (Mùng 1, 2 Tết) hầu hết các chợ vẫn chưa mở cửa, chỉ có một số người buôn bán nhỏ lẻ. Sang ngày 31/01 (Mùng 3 Tết âm lịch), trên thị trường thành phố Huế tại địa bàn các quận, huyện, thị xã một số gian hàng tại chợ và siêu thị trên địa bàn đã mở cửa hoạt động để phục vụ nhu cầu của người dân. Các siêu thị lớn: Aeon Mall, Go!, Co.opmark mở cửa phục vụ khách hàng từ 10 giờ sáng. Theo khảo sát giá các mặt hàng không điều chỉnh tăng so với trước Tết.

Qua báo cáo của các địa phương khác trên cả nước (Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Lạng Sơn), về cơ bản cung cầu, giá cả hàng hóa, dịch vụ tại các địa phương đều diễn ra theo quy luật hàng năm và không có đột biến trong dịp Tết Nguyên đán.

Sau kỳ nghỉ Tết, Bộ Tài chính nhận định: Giá cả một số mặt hàng thiết yếu có thể giảm nhẹ do nguồn cung không còn bị gián đoạn. Thị trường dự kiến trở lại trạng thái bình thường từ mùng 4 Tết khi hoạt động mua bán sôi động hơn.

Trong năm 2025, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả, phối hợp với các Bộ, ngành để ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát. Dự báo, với xu hướng tiêu dùng tiết kiệm và nguồn cung dồi dào, giá cả hàng hóa sẽ không có biến động bất thường trong thời gian tới.

Bạn đang đọc bài viết Thị trường dịp Tết Nguyên đán: Chuyển dịch mạnh mẽ sang mua sắm trực tuyến. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phúc Long: "Gà đẻ trứng vàng" của Masan trong thị trường F&B khốc liệt
Năm 2024 khép lại với những con số ấn tượng cho Tập đoàn Masan, một trong những “ông lớn” của ngành bán lẻ và tiêu dùng tại Việt Nam. Bức tranh kinh doanh đa sắc màu của tập đoàn được tô điểm bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ ở nhiều mảng, từ hàng tiêu dùng nhanh, thịt mát đến vật liệu công nghệ cao.

Tin mới

Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2025
Từ tháng 2/2025, nhiều chính sách mới chính thức có hiệu lực, điển hình như: Vi phạm hành chính trong kinh doanh bảo hiểm bị phạt tới 200 triệu đồng; Hướng dẫn thực hiện quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; Đối tượng đăng ký thuế...
Đề nghị tiếp tục giảm 30% tiền thuê đất trong năm 2025
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, chính sách giảm tiền thuê đất trong các năm từ 2021 đến 2024 đã mang lại tác động tích cực đối với nền kinh tế. Mức giảm tiền thuê đất của các năm trước là 30% và được đánh giá là hợp lý.
Luật Nhà ở: Tác động tích cực tới thị trường
Với nhiều điểm đột phá, khả thi và phù hợp với thực tiễn, Luật Nhà ở 2023 đang triển khai sâu rộng, đem lại nhiều phản hồi và tác động tích cực; dần tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho thị trường nhà ở và tạo điều kiện tiếp cận nhà ở tốt hơn cho người dân.
Nói “KHÔNG” với thuốc lá điện tử tẩm ma túy
Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian gần đây đã liên tiếp phát hiện, triệt phá nhiều vụ việc liên quan đến việc mua bán, sử dụng trái phép chất ma tuý dưới hình thức mới thuốc lá điện tử (pod) tẩm ma tuý tinh dầu ma túy.
“Cửa sáng” cho thị trường trái phiếu bất động sản
Thị trường trái phiếu Việt Nam đang trải qua giai đoạn đầy biến động, khi áp lực từ thị trường và những đợt điều chỉnh mạnh mẽ. Các doanh nghiệp đang có nhu cầu nguồn vốn lớn để thực hiện các dự án và tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp.