Cẩn trọng chiêu trò lừa đảo khi mua sắm trực tuyến trong đợt giảm giá Black Friday
Lợi dụng thời điểm ngày hội mua sắm Black Friday, các đối tượng xấu sẽ chủ động tiếp cận nạn nhân thông qua tin nhắn Email và các trang web giả mạo, dụ dỗ nạn nhân đặt mua các sản phẩm với mức giá ưu đãi nhằm chiếm đoạt thông tin và tài sản.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), một trong những phương thức tiếp cận được các đối tượng sử dụng đó là thông qua tin nhắn Email. Theo đó, các đối tượng sẽ chủ động gửi tới nạn nhân những tin nhắn với địa chỉ giả mạo các sàn thương mại điện tử có tiếng như Shopee, Tiki, Lazada, Amazon,... mời chào mua sắm các mặt hàng phổ biến với mức giá vô cùng ưu đãi thông qua đường link dẫn tới trang web giả mạo.
Bên cạnh đó, lợi dụng tính năng phân tích dữ liệu người dùng của các nền tảng mạng xã hội, các đối tượng có thể dễ dàng tiếp cận nạn nhân thông qua các quảng cáo về những sản phẩm mà nạn nhân đang có nhu cầu mua và tìm hiểu.
Với sự giúp đỡ của trí tuệ nhân tạo, các đối tượng có thể dễ dàng tạo lập các trang web giả mạo, dụ dỗ nạn nhân truy cập và cung cấp các thông tin cá nhân, thậm chí là đặt mua các sản phẩm với phương thức thanh toán trả trước.
Trước diễn biến của các hành vi lừa đảo, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác trong quá trình mua sắm trực tuyến. Người dân cần cẩn thận kiểm tra địa chỉ Email, đường dẫn URL, so sánh và đối chiếu thông qua các kênh thông tin uy tín và chính thống. Thông thường, các đường dẫn hoặc địa chỉ giả mạo sẽ chứa đựng ký tự và tên miền lạ, không có chứng chỉ SSL hoặc trước khi truy cập sẽ có cảnh báo từ trình duyệt.
Người dân tuyệt đối không cung cấp các thông cá nhân, thực hiện mua sắm trả trước khi chưa xác thực được tính chính thống của trang web. Khi phát hiện thấy có dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần nhanh chóng trình báo với các cơ quan an ninh có thẩm quyền để tiến hành các biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Ngoài chiêu trò lừa đảo người dân khi thực hiện mua sắm trực tuyến, mạng xã hội gần đây xuất hiện nhiều quảng cáo về dịch vụ đọc trộm tin nhắn, theo dõi, giám sát tài khoản mạng xã hội.
Đối với hình thức trên, thủ đoạn được các đối tượng sử dụng là liên hệ với khách hàng qua Zalo, sử dụng tài khoản ngân hàng (không chính chủ) để người khác tin tưởng, chuyển tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt. Khi khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ theo dõi, đọc trộm tin nhắn của người khác trên mạng xã hội, các đối tượng hướng dẫn khách hàng gửi tài khoản cần theo dõi, thông báo giá từng gói dịch vụ (phần mềm theo dõi) và cung cấp số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền. Do tin tưởng các đối tượng, nhiều nạn nhân đã chuyển tiền tới số tài khoản trên, sau khi nhận được tiền, đối tượng đã chặn mọi liên lạc.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng không nên tin tưởng những sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc mua bán những sản phẩm không hợp pháp trên mạng xã hội. Không sử dụng các dịch vụ hoặc ứng dụng có mục đích xâm phạm quyền riêng tư của người khác. Hành vi đọc trộm tin nhắn không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội. Việc xâm phạm quyền riêng tư có thể gây ra tổn thương tâm lý, làm mất lòng tin giữa các cá nhân.
Người dùng không tải và cài đặt các ứng dụng từ các nguồn không chính thức hoặc từ các trang web không rõ ràng; cài đặt và sử dụng phần mềm diệt virus và bảo mật để quét và phát hiện các phần mềm độc hại có thể đang theo dõi thiết bị. Ngoài ra, phải thường xuyên thay đổi mật khẩu các tài khoản mạng xã hội, email, và sử dụng xác thực hai yếu tố để tăng cường bảo mật.