0922 281 189 [email protected]
Thứ tư, 02/04/2025 13:41 (GMT+7)

Thanh tra Chính phủ chỉ ra "điểm nghẽn" về phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM ​​​​​​​

Theo dõi KT&TD trên

Việc đầu tư nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) còn chậm, chưa đạt được mục tiêu đề ra, không đáp ứng được nhu cầu của người dân; các quỹ đất dành cho việc đầu tư NƠXH còn hạn hẹp, cơ chế để đầu tư còn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.

Đây là khẳng định của Thanh tra Chính phủ trong Kết luận số 82/KL-TTCP về trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng của Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM vừa công bố. Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra các “điểm nghẽn” dưới góc độ quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng liên quan đến phát triển NƠXH trên địa bàn Thành phố.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra
Dự án nhà ở xã hội HQC Plaza, huyện Bình Chánh, TP.HCM. (Ảnh minh họa).

Theo Thanh tra Chính phủ, các bước thủ tục đầu tư dự án NƠXH còn nhiều và phức tạp; ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, thẩm định phê duyệt thiết kế, giao đất, cấp phép xây dựng, thông báo dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh… như dự án nhà ở thương mại, thì các NƠXH phải thực hiện thêm các thủ tục như thẩm định giá bán NƠXH, xác nhận đối tượng mua, thuê mua NƠXH, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức…

Đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị có dành quỹ đầu trong dự án để xây dựng NƠXH, Thanh tra Chính phủ cho rằng, chưa có quy định hướng dẫn về xác định chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và việc phân bổ các chi phí này vào quỹ đầu tư xây dựng NƠXH; chưa có quy định pháp luật về xác định cơ quan chủ trì thẩm định và phê duyệt các chi phí nêu trên cho chủ đầu tư, chưa có hướng dẫn về việc thanh toán cho chủ đầu tư khi bàn giao quỹ đất xây dựng NƠXH cho Nhà nước để thực hiện dự án. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án NƠXH rất khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được.

Đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất trên 10ha trở lên theo Nghị định số 100 ngày 20/10/2015 hay từ 2 ha trở lên theo Nghị định số 49 ngày 1/4/2021 của Chính phủ, tuy đã xác định quỹ đất 20% xây dựng NƠXH, nhưng chủ đầu tư dự án chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng, hoặc chưa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nên chưa triển khai đầu tư xây dựng dự án NƠXH.

Nguồn tiền sử dụng đất thu được từ các dự án phát triển nhà thương mại, phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10 và 2 ha theo các Nghị định nói trên để thực hiện nghĩa vụ NƠXH bằng hình thức nộp tiền, được sử dụng để đầu tư xây dựng NƠXH; nhưng việc sử dụng nguồn tiền này để tái đầu tư xây dựng NƠXH trong giai đoạn vừa qua còn hạn chế, không đầy đủ.

Việc sắp xếp, xử lý đất đai do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc có nguồn gốc từ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý để đưa vào xây dựng NƠXH theo quy định còn chậm triển khai hoặc không được các cơ quan nhà nước chú trọng. Chủ đầu tư dự án NƠXH chưa thực sự chủ động về nguồn vốn, nên tiến độ thi công kéo dài, cơ chế ưu đãi chủ đầu tư NƠXH còn chưa hấp dẫn.

Trong khi đó, các dự án phát triển nhà ở phục vụ cho công nhân có vốn đầu tư lớn, ngoài chi phí xây dựng, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn Thành phố khá cao, trong khi thời gian thu hồi vốn khá lâu (từ 10 - 15 năm), nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia. Mặt khác, việc đề xuất quy hoạch các khu công nghiệp tập trung chưa quan tâm nhiều đến việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở phục vụ cho công nhân, chưa ưu tiên sử dụng quỹ đất sạch do Nhà nước trực tiếp quản lý để xã hội hóa kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.

5 năm chỉ hoàn thành và đưa vào sử dụng 1 dự án nhà lưu trú cho công nhân

Theo báo cáo của UBND TP.HCM được Thanh tra Chính phủ trích dẫn trong Kết luận số 82/KL-TTCP: Giai đoạn 2016 – 2020, trên địa bàn Thành phố đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 19 dự án NƠXH với diện tích sàn tăng thêm 1,23 triệu m2, chỉ mới đạt 69,21% so với chỉ tiêu đề ra.

Về nhà lưu trú công nhân, Thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 1 dự án với tổng diện tích đất 7ha, quy mô 1.449 phòng, 80.520m2 sàn xây dựng, đáp ứng 7.596 chỗ ở cho công nhân, chỉ đạt 2,75% so với chỉ tiêu.

Về các dự án đang thực hiện, giai đoạn 2016 – 2020, trên địa bàn Thành phải có 53 dự án/khu đất NƠXH với tổng diện tích đất 140ha, quy mô dự kiến khoảng 24.468 căn hộ, diện tích sàn xây dựng gần 2,7 triệu m2. Có 21 dự án hoàn thành, còn lại 32 dự án đang triển khai xây dựng hoặc trong giai đoạn hoàn tất các thủ tục pháp lý.

Riêng giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn có 68 dự án NƠXH với tổng diện tích đất hơn 350ha, quy mô 16.497 căn hộ, diện tích sàn xây dựng đạt gần 3,7 triệu m2, trong đó bao gồm 32 dự án giai đoạn 2016 - 2020 chuyển sang và bổ sung thêm 36 khu đất mới, dự án triển khai thực hiện đầu tư xây dựng dự án NƠXH; 46 dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở thương mại thực hiện nghĩa vụ 20% NƠXH theo hình thức nộp bằng tiền; 142 dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở thương mại chưa chọn/chưa rõ phương thức thực hiện nghĩa vụ 20% NƠXH.

Xuân Tình

Bạn đang đọc bài viết Thanh tra Chính phủ chỉ ra "điểm nghẽn" về phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM ​​​​​​​. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đâu là rào cản doanh nghiệp ứng dụng AI vào sản xuất?
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang nhanh chóng trở thành một yếu tố then chốt. Nắm bắt kịp thời xu hướng đó, các doanh nghiệp Việt nhanh chóng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Quỹ Nhà ở Quốc gia “tiếp nguồn hy vọng” cho người thu nhập thấp
Bộ Xây dựng hiện đang nghiên cứu, rà soát để đề xuất giải pháp thành lập Quỹ nhà ở quốc gia. Và đến nay, Bộ Xây dựng đã chủ động giao đơn vị chuyên môn khẩn trương nghiên cứu từ các kinh nghiệm quốc tế, rà soát các quy định pháp luật hiện hành và đề xuất giải pháp triển khai.

Tin mới

Xu hướng kinh doanh đồ uống: Đâu là mô hình tiềm năng nhất?
Thị trường đồ uống luôn là một lĩnh vực năng động với nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn. Trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự biến đổi mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng, cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều mô hình kinh doanh đồ uống mới, sáng tạo và đầy tiềm năng.
Giá căn hộ tăng cao: Khi nào người mua nhà mới "dễ thở"?
Thị trường bất động sản Việt Nam những năm gần đây đang trải qua giai đoạn biến động mạnh mẽ. Mặc dù nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục, giá căn hộ vẫn duy trì ở mức cao, khiến người mua nhà - đặc biệt là tầng lớp trẻ và người có thu nhập trung bình - vẫn phải đối mặt với áp lực tài chính nặng nề.
Gen Z và cơn sốt trà: Khi thế hệ trẻ biến thức uống cổ điển thành xu hướng mới!
Gen Z đang biến trà từ một thức uống truyền thống thành xu hướng sành điệu và sáng tạo. Từ trà sữa trân châu đến trà masala chai đậm đà, họ không ngừng thử nghiệm và đổi mới. Không chỉ là một sở thích, trà đã trở thành phong cách sống, gắn kết cộng đồng và thúc đẩy xu hướng tiêu dùng bền vững.